Trót yêu là một lát cắt về cuộc sống hôn nhân thời hiện đại. Khi vợ chồng đều lao vào công việc, quay cuồng kiếm tiền, không còn thời gian cho gia đình, từ đó rạn nứt và người thứ ba xuất hiện...
Bộ phim mở đầu bằng câu chuyện của gia đình Vy (Việt Trinh)– Huy (Đức Hải) quen thuộc như thế. Chọn một đề tài không mới quả là thử thách với biên kịch và đạo diễn Châu Thổ bởi nếu không bản lĩnh và cả sự biến hóa của đạo diễn thì Trót yêu sẽ rơi vào mô tip cũ kỹ, khán giả dễ đoán trước nội dung.
Việt Trinh rơi nhiều nước mắt trong phim. |
Bộ phim tâm lý giàu cảm xúc
Bằng sự lèo lái khéo léo của “thuyền trưởng” Châu Thổ, Trót yêu quen nhưng không cũ, nhẹ nhàng nhưng đủ làm khán giả rơi nước mắt. Xoay quanh câu chuyện Vy níu kéo chồng để con không mất cha, đạo diễn phát triển tâm lý nhân vật đầy đặn và logic, cao trào trong từng phân đoạn được đẩy lên hợp lý và giải quyết thuyết phục.
Với Trót yêu, một lần nữa khẳng định thế mạnh của Châu Thổ trong thể loại tâm lý gia đình. Những biến chuyển trong tâm trạng, tình cảm nhân vật được nữ đạo diễn khai thác nhiều chiều và khá sâu. Vy tưởng như là người phụ nữ yếu đuối vì khóc nhiều và níu kéo chồng nhưng ngay cả những giọt nước mắt ấy cũng chứa đựng những tâm trạng khác nhau. Đó là giọt nước mắt tức giận khiến cô phải đập bàn, làm vỡ đồ để phản ứng quyết định phũ phàng của chồng. Đến phân đoạn người chồng đòi ly hôn vào đúng sinh nhật cô, lại là những giọt nước mắt đau đớn, bất lực. Việt Trinh đã diễn rất tốt những phân đoạn tâm lý nặng. Người xem cảm nhận được khi chị khóc là nuốt cả những đau khổ vào trong.
Xây dựng tình tiết Vy níu kéo chồng bằng mọi cách không làm cho nhân vật trở thành kẻ cố đấm ăn xôi mù quáng mà đó thực sự là cuộc chiến để bản thân có cơ hội sửa sai. Hơn ai hết Vy hiểu lỗi để gia đình rạn nứt là do sự say mê công việc quá mức của mình. Đó chính là lý do của hợp đồng cuối cùng cô thỏa thuận với chồng: anh ở nhà bên vợ con, cắt đứt với thế giới bên ngoài trong một tháng, sau đó sẽ kí đơn ly hôn vô điều kiện.
Trong một tháng gần gũi bên nhau, đạo diễn đã gia giảm "gia vị" hợp lý để người xem chấp nhận sự quay đầu của Huy về gia đình không khiên cưỡng. Bằng những chi tiết nhỏ như Huy kéo áo cho vợ phát hiện chiếc áo quá rộng so với trước đây cũng đủ xoáy vào lòng người chồng những ân hận. Có thể nói, Trót yêu đã không lặp lại lỗi thường gặp của nhiều phim Việt là cách xử lý đường dây nhân vật không liền mạch, biến chuyển tâm lý rời rạc.
Trót yêu không tập hợp dàn sao hùng hậu với những tên tuổi hút truyền thông nhưng diễn xuất của diễn viên khá tốt. Ngay cả người mẫu Khánh My – người mới thử sức với điện ảnh nhưng cũng có màn thể hiện khá thuyết phục.
Cát Phượng - Hiếu Hiền đảm nhận tuyến hài trong Trót yêu. |
Tuyến hài vui nhộn
Là một bộ phim tâm lý, vai chính của Việt Trinh khóc nhiều nhưng Trót yêu không làm người xem bị trùng xuống, nặng nề bởi bên cạnh bên cạnh cuộc đấu tranh tâm lý gay cấn của cuộc tình tay ba giữa Huy – Vy và Mỹ Uyên là tuyến phụ hài hước, tưng tửng. Vai trò cân bằng này do danh hài Cát Phượng, Hiếu Hiền, Phi Phụng và Trung Dân đảm nhiệm.
Vai Vân có lẽ không thể làm khó được người dày dặn kinh nghiệm diễn xuất như Cát Phượng. Chị tung hứng với Hiếu Hiền tạo nên những câu thoại vui, hài hước, đúng chất Cát Phượng kiểu như chị nói chồng khi anh ngủ say: "Ngủ nhiều là kiếp sống của loài lợn".
Ngoài hài, nếu không phải người từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống như chị thì khó diễn tả được sự chuyển biến tâm lý rõ nét và tinh tế trong Vân. Đó là cảnh Vân bắt Vy phải ra khỏi phòng, phải tranh đấu để giữ lại chồng. Ban đầu, Vân ào ào, gào thét với bạn nhưng khi thấy bạn tuyệt vọng muốn chết thì giọng chị lạc hẳn đi để thuyết phục.
Tuyến hài làm cho phim vui tươi hơn tuy nhiên, một vài chỗ thì phần tấu hài hơi bị lạm dụng trở thành lố. Tạo hình bà mẹ trưởng giả học làm sang của Phi Phụng có phần quá tay thành ra hơi kịch.
Khánh My vào vai người thứ ba khá ngọt. |
Những điểm trừ
Điểm cộng không thể không nhắc đến trong Trót yêu… chính là những bối cảnh đẹp ở TP.HCM, Nha Trang... Đó là khung cảnh xa hoa, tráng lệ của tòa lâu đài trắng, là những bờ biển, khung cảnh thơ mộng êm êm sóng vỗ. Ca khúc cùng tên của ca sĩ Trung Quân Idol mỗi lần vang lên như đưa đẩy cảm xúc của khán giả đến những khung trời mơ mộng của tình yêu, nơi có cả đau khổ và hạnh phúc.
Tuy nhiên, trong phân đoạn buổi tiệc kỷ niệm ngày cưới của Huy và Vy lại làm mất cảm xúc của người xem vì dòng chữ PR thương hiệu nhà hàng được lặp lại khá nhiều, thậm chí có hẳn dòng chữ lớn hiện lên trên màn hình khi chuyển cảnh.
Một đáng tiếc nhỏ nữa là tạo hình của Việt Trinh chưa thật sự bắt mắt. Vào vai người phụ nữ thành đạt, cách trang điểm và trang phục của nhân vật phải toát lên sự sang trọng nhưng một số bộ đồ của "nữ hoàng nước mắt" một thời lại hơi sến, rườm rà, trang điểm vẫn phảng phất phong cách của thập niên 90. Dù vậy, Trót yêu vẫn là một bộ phim chỉn chu, đáng xem.