Ngày 4/10/1988, cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức (sinh năm 1981) dính liền phần bụng chậu đã được bác sĩ Trần Đông A - Trưởng ê-kíp mổ với sự tham gia của 70 y bác sĩ, tách rời thành công. Ca mổ này thời điểm đó đã đi vào lịch sử y học không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới.
Một lần nữa, gần 100 y bác sĩ Việt Nam tiến hành tách rời hai bé gái song sinh dính liền vùng bụng chậu, tương tự trường hợp của Việt - Đức.
GS.TS.BS Trần Đông A, Chuyên gia cao cấp, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, đánh giá đây là một trong những ca mổ hiếm và rất phức tạp.
GS.TS.BS Trần Đông A trong ca phẫu thuật song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi. Ảnh: Thuận Thắng. |
Cuộc mổ diễn ra đúng dự kiến
- Sau khi hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đã được tách rời thành công, cảm xúc của bác sĩ hiện tại như thế nào?
- Tôi rất vinh dự vì 32 năm trước tôi đã tiến hành ca mổ dính bụng chậu cho Việt - Đức có 3 chân. Bây giờ tôi lại được tham gia ca mổ cũng dính bụng chậu nhưng có 4 chân. Đây là một loại song sinh dính liền hiếm gặp trên thế giới.
32 năm trước chính tôi là trưởng kíp kiêm phẫu thuật viện chính. 32 năm sau, TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc bệnh viện, học trò của tôi - lại nối nghiệp làm trưởng kíp của ca mổ này. Đó là niềm hạnh phúc.
Không phẫu thuật viên nào hạnh phúc như phẫu thuật viên nhi. Vì khi cứu được các cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo là cứu được cả cuộc đời dài 60-70 năm. Trước kia, Nguyễn Đức tưởng như không thể cứu sống giờ đã có vợ con lớn.
Đến giờ này, cuộc phẫu thuật tách rời cho hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đều tiến triển theo đúng dự kiến đã bàn thảo, nhờ các phương tiện chẩn đoán rất hiện đại của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
- Khâu khó khăn nhất trong cuộc phẫu thuật các bác sĩ đã thực hiện?
- Hai bé mắc dị tật ở nhiều cơ quan, không thể nói dị tật vùng này nặng hơn vùng kia. Vấn đề là kỹ thuật viên cần nhận ra các dị tật để thực hiện tốt cuộc mổ.
Chúng tôi dự kiến hai bệnh nhi không mất máu nhiều. Điều đó cũng đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, phần đục xương chậu đều có thể gây mất máu, chúng tôi cố gắng giới hạn tối đa vấn đề này. Vì vậy, bây giờ, hai bệnh nhi mới bắt đầu phải truyền máu ở thì đục xương.
Trúc Nhi - Diệu Nhi đã được tách rời thành công vào lúc 14h07 phút. Ảnh: Thuận Thắng. |
Sự khác biệt giữa Song Nhi và Việt - Đức
-Ông nhận định như thế nào về sự khác biệt giữa trường hợp bé Trúc Nhi - Diệu Nhi và cặp song sinh Việt - Đức nổi tiếng từng được tách rời vào năm 1988?
- Đầu tiên, hai ca mổ xảy ra cách nhau 32 năm. Trình độ y khoa của thế giới cũng như Việt Nam của 32 năm về trước và thời điểm hiện tại là hoàn toàn khác nhau.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng là một trong những bệnh viện sở hữu trang thiết bị, phương tiện và cơ sở vật chất hiện đại nhất của TP.HCM cũng như cả nước. Đó chính là lợi thế lớn của chúng ta so với ca phẫu thuật trước đây.
Ngoài ra, năm 1988, chúng ta là những người đầu tiên trên thế giới tiến hành ca phẫu thuật phức tạp trong hoàn cảnh đất nước bị cấm vận, điều kiện lúc đó cực kỳ khó khăn.
Điểm giống nhau duy nhất giữa 2 trường hợp này là cùng dính nhau phần bụng chậu. Xét trên những yếu tố còn lại, Trúc Nhi - Diệu Nhi sở hữu đủ 4 chân nên có sự đối xứng, trong khi đó, Việt - Đức chỉ có 3 chân và bị chéo.
Không chỉ vậy, hai anh em còn có Việt mắc bệnh bại não. Lịch sử y khoa chưa từng ghi nhận có bất kỳ ai tiến hành phẫu thuật trên một bệnh nhi bại não trong nhiều giờ đồng hồ như vậy.
Tính đến thời điểm đó, những trường hợp dính liền như Việt - Đức chỉ có 6 cặp trên thế giới, 2 cặp được cứu sống cả hai cháu, 2 cặp đã để mất cả hai cháu và 2 cặp chỉ có thể cứu sống một cháu. Đặc biệt, tất cả trường hợp còn lại đều không có cháu nào bị bại não.
Một khó khăn nữa của ca mổ trong quá khứ là Việt và Đức đã 8 tuổi, các phần sụn dính vào nhau đã thành xương nên khi thực hiện việc tách rời, dự kiến hai cháu sẽ mất rất nhiều máu.
Còn Trúc Nhi - Diệu Nhi có sức khỏe tương đối tốt. Các cháu mới chỉ 13 tháng tuổi, đúng tuổi để thực hiện phẫu thuật theo y văn. Tuy nhiên, ca dính bụng chậu như thế này vẫn chỉ rơi vào khoảng 6%, buộc chúng ta phải hết sức thận trọng.
- 13 tháng là độ tuổi thuận lợi cho việc phẫu thuật. Vậy liệu yếu tố này có thể tăng khả năng thành công của ca mổ hay không?
- Theo y văn, những ca dính nhau bụng chậu như thế này là không nhiều. Qua tham khảo tài liệu, tuy không chính xác nhưng tỷ lệ thành công của những ca đã mổ là trên 70% nếu không có bất cứ biến chứng nào.
Nếu có biến chứng, kết quả có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, các biến chứng đã được chúng tôi bàn thảo rất kỹ trong khi hội chẩn. Dẫu vậy y khoa vốn là ngành khoa học không phải lúc nào cũng chính xác. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận với sự chính xác mà thôi.
Vì thế, chúng tôi đã phải thảo luận để khi xảy ra những trường hợp bất trắc, các bác sĩ cũng sẽ biết phải làm gì với hy vọng có thể cứu được hai cháu.
Vinh dự và trách nhiệm
- Là người có kinh nghiệm trong quá khứ, để hỗ trợ cho học trò, ông đã tham vấn và đóng góp như thế nào cho ca mổ?
- Tôi rất vinh dự khi 32 năm trước, tôi là người trực tiếp mổ ca Việt - Đức và đến bây giờ, bác sĩ Trương Quang Định - học trò của tôi lại là trưởng ê-kíp mổ, trưởng ban tham vấn lần này.
Vinh dự nhưng đó đồng thời cũng là trách nhiệm lớn. Vì thế, chúng tôi đã tổ chức hội chẩn, bàn thảo rất kỹ về những vấn đề có thể xảy ra. Tuy các phương tiện chẩn đoán của chúng ta bây giờ hiện đại và chi tiết hơn rất nhiều, tôi phải nhắc nhờ các bác sĩ là bất ngờ luôn có thể xảy ra với các ca dính liền.
Trong những buổi hội chẩn đó, tôi đã cùng ê-kíp tham vấn, góp ý rất nhiều cho các bác sĩ tham gia phẫu thuật từ vấn đề bàn thảo cho đến chi tiết từng thì trong ca mổ. Kết quả của ca mổ, tôi xin phép để bác sĩ Định trực tiếp trả lời.
- Ca mổ tách cặp “Song Nhi” có ý nghĩa như thế nào?
Đây là ca mổ tách dính được tiến hành lần đầu tiên tại một bệnh viện nhi mới, trang thiết bị hiện đại, khánh thành từ năm 2018. Cuộc đại phẫu sẽ đánh dấu bước lịch sử của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng như ngành y tế của TP.HCM. Nhờ có trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ có thể chẩn đoán trước ca mổ hầu như chính xác đến 100%.