Sáng 15/7, hơn 100 y bác sĩ bắt đầu tiến hành ca mổ tách rời cho cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi. Tháng 6/2019, hai bé gái “song thai dính vùng bụng chậu” đã được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ sinh an toàn. Cặp sơ sinh dính liền vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, một hậu môn...
Sau một năm, sức khỏe của Trúc Nhi - Diệu Nhi ổn định. Các bệnh nhi được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng với chế độ đặc biệt, chuẩn bị kỹ cho cuộc mổ tách rời.
Sau quá trình chăm sóc điều trị liên tục, các bé đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường.
Theo thông tin từ bệnh viện, tổng cộng 9 chuyên gia (gồm 8 bác sĩ, 1 điều dưỡng), ê-kíp ngoại viện gồm 14 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng. Ê-kíp nội viện gồm 21 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
Hai phòng mổ siêu sạch số 11 và 12, phòng hồi sức được cấy không khí, vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, chiếu tia UV để chuẩn bị cho ca đại phẫu. Vòi nước trước phòng mổ siêu sạch cũng có màng siêu lọc, nước được cấy vi sinh đạt chuẩn trong vòng 3 tháng.
Trúc Nhi - Diệu Nhi được chăm sóc tốt, cơ thể phát triển gần như bình thường trước ca mổ. Ảnh: Chí Hùng. |
Dự phòng nhiễm khuẩn trước phẫu thuật
Các bác sĩ dự kiến ca đại phẫu sẽ kéo dài khoảng 12 tiếng, ước tính mỗi bé mất khoảng 250-500 ml máu. Để có máu cho hai bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
Trước mổ 2 tuần, cặp song sinh được xét nghiệm soi cấy phân, tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu, cấy/PCR dịch mũi họng. Để dự phòng nhiễm khuẩn, các bé được uống Amoxcillin mỗi ngày, tắm với Chlorlexidine 2% trong 7 ngày trước phẫu thuật, sử dụng Mupirocin 2% bôi mũi ngày 2 lần trong 5 ngày trước phẫu thuật.
Trước mổ 2 ngày, hai bé được xét nghiệm tiền phẫu, X-quang phổi, siêu âm tim và mạch máu. Hai bé thực hiện chế độ ăn lỏng, sử dụng thuốc nhuận tràng.
Một ngày trước phẫu thuật, hai bé được chuyển đến cánh hồi sức sơ sinh, thụt tháo hậu môn 2 lần/ngày và tắm bằng dung dịch sát trùng tối trước phẫu thuật và sáng ngày phẫu thuật.
12 tiếng phẫu thuật
Khoảng 5h30 ngày 15/7, cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi được chuyển đến khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Hai bé được thụt tháo thêm một lần trước mổ. 6h30, ê-kíp gây mê tiến hành gây mê nội khí quản, sát trùng phẫu trường, kê tư thế chuẩn để bắt đầu mổ cho hai bé.
7h30, các nhóm phẫu thuật hội ý lần cuối trước mổ để xác định lại các phương án thực hiện, giai đoạn phối hợp của nhóm phẫu thuật viên.
Ca đại phẫu được chia thành 3 thì với các công việc khác nhau. Ở thì 1, trong 2-3 giờ, hai bé được phẫu thuật viên vẽ tạo hình đường rạch trên bụng, rạch da đường Lazy S cải tiến. Bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật tiêu hóa, niệu dục, chỉnh hình.
9h, ê-kíp sát trùng phẫu trường và trải khăn sát trùng. Đến 9h51, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trưởng ê-kíp phẫu thuật, rạch da đường đầu tiên bắt đầu cuộc mổ. Sau đó, TS.BS Trần Văn Dương, Bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng nhóm phẫu thuật tạo hình, bắt đầu rạch da, cân cơ và mở bụng tách 2 bé. Nhóm phẫu thuật ngoại tổng quát tiến vào thám sát ruột và thực hiện phương án chia đôi ruột.
Thì 2 kéo dài 2 giờ: Tách tầng sinh môn (nằm nghiêng). Theo chuẩn, hai bé được đặt nằm nghiêng trái góc 60 độ. Phẫu thuật viên tiêu hoá và niệu dục phối hợp rạch da đường tầng sinh môn, tiến hành tách rời hai bé. Sau đó, ê-kíp phẫu thuật chuyển bé Trúc Nhi sang phòng mổ 12 và tách toàn bộ ê-kíp chính thành 2 nhóm.
Thì cuối kéo dài 4 giờ: Chỉnh, tạo hình cơ quan (nằm ngửa). Sau khi tách rời hai bé, bác sĩ sẽ cho nằm ngửa, phẫu thuật viên tiến hành tách các khung chậu, bộc lộ cánh chậu, cắt cánh chậu hai bên, cắt mô xơ và xoay xương cánh chậu hướng vào trong - ra trước. Đồng thời, phẫu thuật viên tiết niệu tiến hành tạo hình hệ niệu sinh dục, xoay bàng quang, tử cung và phần phụ vào ổ bụng mỗi bé.
Các phẫu thuật viên chỉnh hình cũng tiếp tục khép khung chậu và khớp mu, đồng thời bắn đinh Kirschner giữ cố định khung chậu. Phẫu thuật viên tiêu hóa sẽ làm hậu môn tạm, đóng cân cơ thành bụng trong khi phẫu thuật viên tạo hình xoay vạt, khép da hoàn chỉnh.
Các bác sĩ mất một năm để lên kế hoạch tính toán từng chi tiết, kế hoạch cho cuộc mổ. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong quá trình phẫu thuật, tùy mỗi tình huống, các bác sĩ đưa ra phương án phù hợp với hai bệnh nhi. Ở giai đoạn hậu phẫu, phẫu thuật viên tiến hành chỉnh hình, bó bột cho Trúc Nhi và Diệu Nhi. Bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên chuyển và bàn giao bệnh nhân về khoa Hồi sức ngoại.
Dự kiến 18h-19h, hai bé sẽ được chuyển qua khoa Hồi sức Tim, kết thúc cuộc mổ.
Đánh giá nguy cơ sau mổ
Tại khoa Hồi sức Ngoại, các bác sĩ sẽ theo dõi lâm sàng tình trạng sức khỏe của Trúc Nhi - Diệu Nhi. Các chỉ số tri giác, sinh hiệu, tình trạng thiếu máu, các ống dẫn lưu, thông tiểu, đi tiêu sẽ được kiểm tra chặt chẽ. Hai bé cũng được X-quang phổi mỗi 4-6 giờ, siêu âm bụng 6-12 giờ trong 3 ngày đầu, 12-24 giờ các ngày sau đó.
Sau khi chuyển về khoa Sơ sinh, hai bé được đánh giá dinh dưỡng 7 ngày/lần; chăm sóc hậu môn tạm, tập vật lý trị liệu (vận động, hô hấp) và có thể được khám tâm lý khi cần thiết. Hai bé phải tái khám hàng tháng để đánh giá khả năng tạo hình hậu môn, đóng hậu môn tạm, thực hiện phẫu thuật chỉnh hình khác.
Các bác sĩ cũng đưa ra những đánh giá về nguy cơ có thể xảy ra trong ca mổ tách rời như không tách được 2 bé vì các bất thường về giải phẫu. Theo y văn, tỷ lệ sống sót của cặp song sinh sau khi tách đôi là 74%, nguy cơ một bé tử vong sau khi tách đôi là 11%, hai bé tử vong là 15%.