Năm 2009, cậu sinh viên năm 2 chuyên ngành Sinh - Môi trường (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) Nguyễn Bá Hiển đã đăng ký với trường đề tài nghiên cứu khoa học: Đánh giá sự sinh trưởng của cây ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô ra thực tế.
Chuyến xe khách Đà Nẵng -Tây Giang đầu tiên thả Hiển xuống ngay xã Lăng, nơi mà Hiển chỉ biết mỗi một người duy nhất: ông vua ba kích Bríu Pố.
Ông cũng là cử nhân đại học đầu tiên của huyện Tây Giang, chuyên ngành sinh học, vào thời điểm ấy đang sở hữu một vườn cây giống ba kích độc nhất của huyện.
Bằng phương pháp cấy mô, anh Hiển đã ươm thành công giống cây dược liệu quý sâm ba kích. Ảnh: Tiền Phong. |
Hiển nhớ lại: “Lúc mới xuống xe, mình gặp ông già người Cơ Tu, hỏi ổng biết nhà Bríu Pố ở đâu không, ổng vỗ vai nói: Tao là Bríu Pố đây chứ ai nữa”.
Nghe Hiển trình bày nguyện vọng, Bríu Pố đồng ý cho Hiển ở lại nhà và giúp Hiển nghiên cứu về cây sâm ba kích. Đều đặn mỗi tháng vài lần, Hiển nhảy chuyến xe Đà Nẵng - Tây Giang gần 200 cây số lên xã Lăng cùng “tiền bối” vào rừng tìm dây sâm ba kích, đưa về ươm giống, chăm sóc, chờ cây lớn lên từng ngày.
Khi đã thành thục việc ươm giống, chăm sóc ba kích, Hiển bắt tay vào việc cấy mô trong phòng thí nghiệm, theo dõi chỉ số sinh trưởng của cây, sau đó đưa cây ra môi trường bên ngoài. Ròng rã hai năm trời với ba kích, Hiển hoàn thành xong nghiên cứu khoa học của mình, phát triển đề tài thành luận văn tốt nghiệp. Năm 2011, Hiển ra trường với tấm bằng loại giỏi.
Kế ngôi “vua” ba kích
Ra trường, bất chấp ngăn cản của gia đình, Hiển quyết định khăn gói lên Tây Giang, hành trang chỉ vài bộ quần áo cùng chiếc xe máy cà tàng.
Mượn được miếng đất nhỏ, Hiển chạy vạy ngược xuôi gom tiền mở vườn ươm. Lứa ba kích cấy mô đầu tiên phát triển nhanh, xanh tốt đến không ngờ. Nhưng người tính không bằng trời tính.
Tháng 8 năm ấy, trời đổ một trận mưa kéo dài mấy ngày liền, ba kích con chuẩn bị xuất bán bị úng nước, chết sạch. Khu vườn ươm hoang tàn. Hiển trắng tay, nợ nần, chán nản.
Thất thểu giữa núi rừng một thời gian, anh xuống phố bán sạch xe, máy tính và cả chiếc điện thoại “cùi bắp” để làm lại từ đầu. Nhưng chừng ấy tiền cũng như muối bỏ bể để gây dựng lại vườn ươm, tiền mua lưới rào, mái che, bao bì, thuốc kích thích, hệ thống nước… “Nhiều bữa xuống phố mua vật liệu xong không còn một đồng ăn cơm, may sao gặp người quen họ cho ít tiền để qua bữa”, Hiển kể.
Rút kinh nghiệm từ việc để ba kích con úng nước lần trước, lần này Hiển dựng vườn ươm cẩn thận, chăm sóc tỉ mỉ, thậm chí ăn dầm ở dề với ba kích ngay tại vườn ươm không chịu về. Rồi những cây ba kích con cũng lớn nhanh, ra thêm lá, khỏe mạnh.
Cuối tháng 9 năm ấy, 5.000 cây ba kích giống được bán đi, mang về cho Hiển số lãi hơn 30 triệu đồng. Có động lực, Hiển táo bạo mở rộng vườn ươm, hằng năm cung ứng cho người dân gần 40 ngàn cây giống ba kích. Giờ đây, Hiển đã thực sự kế ngôi “vua” ba kích Bríu Pố.
Cây giống trong vườn ươm của “ông trùm” ba kích trẻ này bao giờ cũng có sẵn, lại to khỏe. Ông Cơ Lâu Nghia (thôn Pờ Ning) nói: “Nhờ có vườn ươm của cháu Hiển, mà bà con không phải trông chờ cây giống như trước, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu”.
Phó Chủ tịch xã tự ứng cử
“Anh Hiển tuy còn rất trẻ, lại là người từ miền quê khác tới đây nhưng sự cống hiến thì không ai bằng. Rõ ràng nhất là việc anh chịu ở lại xã suốt 6 năm trời để ươm thành công giống cây ba kích. Trước, chúng tôi lo rằng Bríu Pố mất đi thì chẳng ai còn mặn mà vào rừng tìm ba kích về ươm, nhưng giờ thì không lo nữa, vì có anh Hiển rồi. Anh Hiển còn rất tình cảm, chan hòa với bà con, ai cần gì anh cũng sẵn lòng giúp đỡ”.
Ông Bríu Hùng, Chủ tịch UBND xã Lăng
“Mình không dùng cách trồng truyền thống để ươm mỗi nơi một cây mà trồng 3, 4 cây lại thành một cụm, đồng thời dùng phân vi sinh thúc cho củ to để nhanh thu hoạch”, Hiển lý giải.
Mãi gần đến lúc chia tay, Hiển mới bật mí với chúng tôi rằng tháng 9/2012, anh không chỉ sung sướng khi xuất được lứa cây giống đầu tiên, mà còn rất vui vì trúng tuyển vào làm Phó Chủ tịch UBND xã Lăng. Năm ấy, nghe tin có dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch xã, anh Hiển nộp hồ sơ.
Vòng phỏng vấn, chính tâm huyết gắn bó với núi rừng Tây Giang ươm giống cây ba kích cho bà con, cùng với thành công ban đầu, giúp chàng trai Hà Tĩnh ấy trúng tuyển phó chủ tịch xã của đồng bào Cơ Tu. Anh là phó chủ tịch xã đặc biệt nhất, vì không phải người địa phương, cũng không phải người dân tộc thiểu số.
Anh đã đem sức trẻ, trí tuệ ra giúp bà con thôn bản làm giàu từ đầu, chứ không cần phải đợi làm phó chủ tịch rồi mới tìm hướng đi. Không chỉ cung ứng giống, anh Hiển còn tỉ mỉ hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây ba kích, từ khâu làm đất, bắc giàn cho tới tưới nước, bón phân, kiểm tra… Anh Hiển nói vài năm nữa nếu có điều kiện sẽ mở vườn ươm rộng hơn, để các huyện miền núi khác cũng có thể mua giống về trồng.