![]() |
Những khối đá nổi bật trên nền trời đêm, bên trên là dải Ngân hà tuyệt đẹp với muôn vàn vì sao lấp lánh. Ảnh: Experience AlUla. |
Sara Sami (38 tuổi, người Bahrain) nhớ rất rõ lần đầu tiên cô thực sự nhìn thấy bầu trời đầy sao, đó là khi cô khám phá một địa điểm du lịch ở Arab Saudi - nơi được mệnh danh là "Rìa của thế giới".
"Bầu trời như một tấm thảm phủ đầy sao ngay phía trên chúng tôi", Sami hồi tưởng. "Bạn có thể nhìn thấy hàng nghìn ngôi sao, chúng trải dài vô tận. Thật sự rất đẹp".
Kể từ đó, cô thường xuyên đến sa mạc của Arab Saudi để ngắm sao, tìm kiếm những khu vực không bị ô nhiễm ánh sáng để có thể chiêm ngưỡng dải Ngân Hà.
![]() ![]() |
Sami và những chuyến cắm trại săn dải Ngân hà ở Arab Saudi. Ảnh: Sara Sami. |
Theo CNN Travel, không chỉ Sami nhận ra vẻ đẹp của bầu trời đêm tại Arab Saudi. Tháng 11 năm ngoái, 2 khu bảo tồn thiên nhiên AlUla Manara và AlGharameel, nằm gần thành phố cổ AlUla, đã được tổ chức DarkSky International công nhận là Công viên Bầu trời đêm đầu tiên tại Trung Đông. Arab Saudi gia nhập danh sách 22 quốc gia có khu bảo tồn bầu trời đêm, cùng Mỹ, New Zealand và Đức.
Khu bảo tồn rộng 2.334 km2 này cam kết bảo tồn bầu trời đêm bằng cách thiết kế hệ thống chiếu sáng phù hợp, như sử dụng đèn có chụp để hướng ánh sáng xuống đất thay vì chiếu lên bầu trời. Đài quan sát cũng đang xây dựng chương trình hướng dẫn chiếu sáng ngoài trời cho các công trình trong khu vực AlUla, giúp người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng bầu trời đêm một cách trọn vẹn nhất.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Bên trong Công viên Bầu trời đêm đầu tiên ở Trung Đông. Ảnh: Experience AlUla. |
Du lịch thiên văn (astrotourism) đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong ngành du lịch bền vững trong nhiều năm qua và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Tại Mỹ, Cục Công viên Quốc gia ghi nhận du khách yêu thích thiên văn đã đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế với những khoản chi tiêu cho lưu trú, ăn uống và thiết bị quan sát. Các quốc gia như Ấn Độ, Australia cũng chứng kiến sự gia tăng của du khách vào ban đêm, đặc biệt là trong các sự kiện thiên văn như nhật thực.
DarkSky International có 5 hạng mục công nhận các khu vực có mức ô nhiễm ánh sáng thấp và có chính sách bảo tồn bóng tối. "Những nơi này thường tách biệt với các khu dân cư đông đúc, cũng là nơi bạn có thể nhìn thấy dải Ngân hà một cách rõ ràng nhất", Dan Oakley, Chủ tịch Ủy ban Công viên Bầu trời đêm của DarkSky International, cho biết.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Công viên Bầu trời đêm chỉ là bước đầu trong tham vọng làm giàu từ ngành du lịch thiên văn của Arab Saudi. Ảnh: Experience AlUla. |
Những địa điểm như AlUla đã phát triển nhiều hoạt động du lịch thiên văn, bao gồm các tour ngắm sao, đồng thời giới thiệu huyền thoại về các vì sạo - các câu chuyện văn hóa xoay quanh bầu trời đêm của các bộ lạc cổ như Nabataeans và Bedouins.
"Di sản và truyền thuyết về bầu trời đêm là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của các cộng đồng và xã hội", Oakley nói. "Mọi người có thể đứng dưới bầu trời đầy sao, ngước nhìn và cảm nhận điều tương tự như tổ tiên của họ từ 10.000 năm trước".
AlUla Manara và AlGharameel chỉ là bước đầu trong tham vọng phát triển du lịch thiên văn của Arab Saudi. Quốc gia này đang có kế hoạch biến Red Sea Destination thành Khu bảo tồn Bầu trời đêm lớn nhất Trung Đông. Các chuyên gia chiếu sáng đang triển khai giải pháp bảo vệ bầu trời đêm như che chắn nguồn sáng, hướng ánh sáng xuống dưới, sử dụng ánh sáng ấm và và hệ thống điều khiển thông minh tích hợp với năng lượng tái tạo. Khu nghỉ dưỡng Six Senses Southern Dunes tại đây đã đạt chứng nhận Bầu trời đêm.
![]() |
Các khu nghỉ dưỡng có hệ thống ánh sáng ấm, chiếu xuống đất nhằm hạn chế ô nhiễm ánh sáng. Ảnh: Red Sea Global. |
Tương tự AlUla, Red Sea Destination cũng khai thác các truyền thống thiên văn của Hồi giáo. Những trải nghiệm du lịch được tổ chức tập trung vào từng giai đoạn của mặt trăng và lịch Hijri (lịch Hồi giáo dựa trên chu kỳ mặt trăng), ông Ahmed AlThaher - chuyên gia thiên văn của công ty lữ hành Akun cho biết.
Du lịch thiên văn mang đến lợi ích kinh tế, tuy nhiên nó cũng có thể làm tăng khả năng ô nhiễm ánh sáng khi ngày càng đông khách. Do đó, Arab Saudi đang thực hiện các biện pháp kiểm soát lượng du khách và bảo vệ thiên nhiên. Nhờ mật độ dân số thấp, quốc gia này có lợi thế lớn trong việc duy trì bầu trời đêm nguyên sơ, điều thu hút những người yêu thích thiên văn như Sara Sami quay lại khám phá.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.