Trung Hiếu hy sinh 'nhan sắc' để tăng 'độ đểu' cho nhân vật
Quen mặt với rất nhiều vai phản diện trên truyền hình, NSƯT Trung Hiếu đã gặp phải không ít tình huống bi hài.
>>Trung Hiếu cuối năm nay lấy vợ
>>Trung Hiếu:"kẻ thủ ác" trong khuôn mặt lành
- "Nhẵn mặt" trên sóng truyền hình vào các phim giờ vàng, hiếm khi vắng bóng trên sân khấu kịch, hẳn Trung Hiếu nhận được rất nhiều tình cảm đặc biệt của khán giả?
- Ở phim Lời sám hối muộn màng, tôi vào vai tướng cướp Phạm Bạch Đàn, nhân vật vốn có quá khứ lương thiện nhưng dòng đời xô đẩy nên trở thành trùm của một băng cướp, sau đó bị tử hình. Bộ phim được trình chiếu, thế là có một kỷ niệm vui khôn tả. Hôm đó 1/6, tôi dừng xe chờ đèn đỏ, bên cạnh là một xe chở thiếu nhi đi tham quan. Bỗng một cháu reo vang lên: "Phạm Bạch Đàn! Tướng cướp Phạm Bạch Đàn...!". Các cháu hiếu động ùa hết ra cửa xe xem mặt và nhao nhao hỏi: "Ôi, cháu cứ tưởng chú chết rồi mà, sao chú còn ở đây?", "Chú ơi, tại sao chú đóng cướp mà đến lúc chú bị xử bắn, cả nhà cháu đều khóc?". Đèn xanh, đoạn đường đó suýt tắc vì các cháu nhỏ nhất quyết đòi mở cửa xe xuống xin chữ ký.
Có lần tôi đi diễn ở TP.Hồ Chí Minh, đêm diễn vừa kết thúc, chúng tôi đứng chào khán giả thì có một cô gái trẻ từ dưới đi lên, quỳ xuống trước tôi rồi nâng trên hai tay một bó hoa rất đẹp tặng tôi. Lúc ấy, tôi cứ lặng cả người, phải mất một vài giây choáng váng mới định thần lại được. Sau đó, tôi đỡ cô ấy dậy, nhận hoa trong tiếng vỗ tay rầm rầm mãi không thôi của khán giả.
Diễn viên nghèo mà sang. Cuộc đời giàu cũng khó, nhưng sang còn khó hơn. Nghèo mà không hèn, mọi người vẫn tôn trọng, quý mến mới là sang, mà có tiền thì càng tốt. Nghệ sĩ chúng tôi làm nghề cũng tâm niệm một điều, nghề của chúng tôi là phục vụ khán giả. Bởi thế, chúng tôi phải lao động, phải cống hiến hết sức mình. Rất nhiều khán giả ở nhiều lứa tuổi, ở các tầng lớp khác nhau dành tình cảm đặc biệt cho Trung Hiếu và với tôi, đó là điều đáng trân trọng.
Dạo này, Trung Hiếu "đắt sô" vai phản diện |
- Trước anh thường đóng vai chính diện, gần đây anh khiến người xem ngơ ngác trước một Trung Hiếu thay đổi đột ngột đến 180 độ, khi anh lột bỏ vẻ lành hiền ngơ ngác đến tội nghiệp đó để nhập vai phản diện khá thành công và sắc sảo, như Khang trong "Đường đời", Xuyên trong "Cuồng phong"... Anh không sợ bị khán giả ghét à?
- Tôi nghĩ là diễn viên thì ai cũng mong muốn mình đóng được tất cả các dạng vai. Có lẽ vì tôi sở hữu khuôn mặt với cặp kính cận đầy vẻ trí thức lành hiền nên các đạo diễn chỉ mời vào những vai như thầy giáo làng, anh bác sĩ tốt bụng hoặc người công nhân hiền lành pha vẻ ngu ngơ với thời cuộc. Tôi không muốn lặp lại hình ảnh của chính mình nên đã thử sức ở những vai phản diện, có tính cách ngang tàng, không ổn định.
Đóng những vai phản diện, tôi đã phải hy sinh "một phần nhan sắc" để tăng "độ đểu" cho nhân vật, để khán giả nhìn thấy nhân vật đó là ghét cay ghét đắng thì mới thành công. Có hôm mẹ tôi nhận được điện thoại của người thân trách: "Dạo này thằng Hiếu làm sao thế hả bà? Sao nó cứ đóng cái vai gì mà thấy sợ, thấy ghét quá, khó chịu quá!". Cứ nghe mọi người nói thế, là y rằng mẹ tôi lại căn dặn "con đóng một lần cho biết thôi, nghe chưa!".
Đóng xong vai Khang trong Đường đời thì nhiều chuyện bi hài xảy ra lắm. Có lần tôi đang muộn buổi diễn, ra vẫy taxi đi cho nhanh. Ông tài xế taxi vừa mở cửa ra thấy tôi liền sập ngay cửa lại: "Không chở ông Khang đâu!" rồi lao vút đi. Mấy người bạn của tôi ở chợ Đông Kinh trên Lạng Sơn còn tuyên bố không bán hàng cho Trung Hiếu nữa, thậm chí nếu gặp còn cho... ăn đòn. Chẳng hiểu ra làm sao!
Có nhiều người hỏi tôi thích vai phản diện hay chính diện. Theo tôi, cuộc đời muôn mặt, đa màu, đa sắc diện, trong cái thiện luôn tiềm ẩn cái ác, trong cái ác luôn tồn tại cái thiện. Do vậy, ranh giới giữa phản diện và chính diện mong manh lắm cho nên chúng ta nên gọi chung đó là các "nhân vật tính cách". Mình diễn phải xuất phát từ quan điểm người tốt không phải cái gì cũng tốt, cũng chuẩn mực vì con người vốn không hoàn thiện và cái tốt luôn là khát vọng.
Trung Hiếu trong phim Lời sám hối muộn màng |
Bị nghi có tình ý với Kiều Thanh
- Xin hỏi một chút xung quanh lĩnh vực điện ảnh, tâm huyết lớn của anh. Nghe nói Trung Hiếu rất kén vai diễn, kịch bản và đạo diễn, vì sao anh lại nhận lời tham gia bộ phim "Hoa đào" - bộ nhựa phim đầu tay của một đạo diễn trẻ mới ra trường (đạo diễn Nguyễn Thế Vinh, phim được khai rạp cuối tháng 8 vừa qua)?
- Mỗi năm tôi nhận được rất nhiều lời mời. Thú thực kịch bản ở nhà tôi xếp thành đống cao ngất. Nhưng tôi chỉ nhận lời những nhân vật mình thực sự thích thôi. Trước mỗi nhân vật, tôi luôn đọc, tìm hiểu kỹ càng về cuộc đời, tính cách và diễn biến tâm lý. Tôi phải dành cho nhân vật ấy một khoảng thời gian đủ để mình yêu quý, đủ để mình có thể hóa thân thành nhân vật làm sao cho có hồn nhất. Đó cũng là lý do mỗi năm tôi chỉ dám nhận 1 - 2 phim, tôi không dám làm nhiều, sợ sẽ bị diễn trùng lặp, như thế thì dở lắm.
Với Hoa đào có lẽ là trường hợp ngoại lệ. Trước khi tham gia, tôi được đạo diễn Nguyễn Thế Vinh nhắn nhủ rất chân thành: "Đây là phim nhựa đầu tay của em, em biết anh rất bận nhưng mong anh bỏ chút thời gian giúp em!". Tôi nghĩ kiểu này mình phải kết hợp với cậu ta thôi, Vinh là đạo diễn trẻ, mình có giúp thì sau này mới thành đạo diễn "già" được.
Thanh là nhà nghiên cứu khảo cổ lãng mạn nhưng nhu nhược - một nhân vật... chưa đẹp nhưng tôi thấy cũng có màu sắc, thế là nhận vai ngay xem sao.
- Có người nói vui, cảnh NSƯT Trung Hiếu (vai Thanh trong phim "Hoa đào") nhảy xuống bể bơi đánh ghen với người tình của vợ có vẻ rất thật, hình như anh mang cái ghen ở ngoài đời vào phim?
- Nếu không lao động, không tìm tòi, nếu chỉ đơn giản bê bản thân mình lên phim, bạn sẽ diễn trăm vai như một. Ngoài đời chưa bao giờ tôi thấy người yêu mình đi bên người khác nên chưa bao giờ lâm vào tình huống đánh ghen như trong bộ phim. Thế mà có người xem xong còn nghi mình có tình ý với Kiều Thanh (vai người vợ tên Thư)! Không hiểu sao khán giả bây giờ cứ hay suy diễn rồi gán ghép cho nghệ sĩ những chuyện đời tư như vậy.
Thế mới biết diễn viên phải có trí tưởng tượng tốt, chỉ có kỹ thuật diễn xuất thôi thì e rằng chưa đủ. Tất nhiên mình còn phải học hỏi nhiều ở các bậc tiền bối. Tôi đã xem nhiều, đọc nhiều, tìm hiểu nhiều để học nghề và làm nghề, nhưng khi áp dụng bài học vào thực tiễn phải tạo được nét riêng biệt, tuyệt đối không để bị ảnh hưởng bởi ai cả. Nghề diễn, càng làm càng khó. Diễn giỏi, diễn hay mà lẫn với người khác là đang tự biến mình thành bản sao khập khiễng. Muốn có được cá tính riêng biệt phải chịu khó tập luyện để vai diễn trở về với tự nhiên, không bị khô cứng, gò ép. Việc có thể tham gia nhiều phim chỉ thể hiện, là diễn viên chuyên nghiệp phải lao động cật lực, phải say mê nghề. Càng lao động nhiều sẽ càng vỡ vạc ra được những kinh nghiệm diễn xuất quý báu.
- Đóng khá nhiều phim nhựa song đều chưa phải những phim có lượng khán giả lớn, mà Hoa đào có vẻ cũng không phải ngoại lệ. Xin hỏi trong cuộc đời nghệ thuật của mình, điều gì làm cho anh cảm thấy day dứt nhất?
- Người ta vẫn thường nói, cuộc đời nghệ thuật của tôi giống như một hành trình thẳng băng tít tắp. Nó không có sự gập ghềnh của con đường núi, cũng không có những ổ gà xóc tung óc người ngồi trên xe. Nhưng trên cung đường mang tên nghệ thuật đó, người ta vẫn thấy tôi nghỉ chân ở những trạm dừng, thật may ở đó có đủ cả cái cổ kính, cái hiện đại và cũng có những cái phá cách để cho người ta phải nhớ.
Tôi thường bị day dứt ám ảnh bởi những vai diễn mình yêu thích. Quay gần xong, có cảm giác như chia tay điều gì đó tri kỷ, cứ chơi vơi chống chếnh, vui không ra vui, buồn không ra buồn. Ngày xưa thì cảm giác đó dài hơn, nay ngắn hơn vì nhiều việc quá, hết học đạo diễn, đi đóng kịch, đóng phim rồi lại lo công việc Trưởng đoàn 1 Nhà hát Kịch Hà Nội...
Điều tôi trăn trở nhất có lẽ là làm sao để chạm tới nghệ thuật thứ 7 đích thực. Mặc dù tôi đã đóng khá nhiều phim nhựa, từ thời Hoa ban đỏ, Hoa của trời, Giải hạn, Một giờ làm quan, Thiếu phụ chưa chồng... nhưng điều đáng buồn hầu hết các phim đều không có khán giả. Những vai diễn trong các phim nhựa, vai diễn nào tôi cũng kỳ công, làm với tất cả sức lực và tâm huyết, nhưng khi chiếu, phim chìm nghỉm, chẳng mấy ai biết, chẳng mấy ai xem. Đó là thất bại chung của cả bộ phim, và là một thất bại với riêng cá nhân tôi.
- Anh có thể chia sẻ những kế hoạch nghề nghiệp sẽ hoàn thành trong năm nay?
- Sau Ngõ lỗ thủng, Cuồng phong và Vệt nắng cuối trời đang phát sóng đều đặn trên màn ảnh nhỏ, công chúng sẽ tiếp tục gặp gỡ tôi qua các vai diễn mới: thầy hiệu trưởng trong Nhìn ra biển cả (đạo diễn Vũ Châu), vua Đinh Tiên Hoàng trong phim Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long (đạo diễn Cận Đức Mậu - đạo diễn phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên), Hùng trong Siêu thị tình yêu (đạo diễn Danh Dũng).
Vai diễn anh gù của anh trong Ngõ lỗ thủng cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả |
Tôi sẽ vào vai Thái úy Lý Thường Kiệt trong vở diễn đồ sộ kéo dài 3 giờ đồng hồ Tình sử ngàn năm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ra mắt công chúng vào dịp khánh thành rạp Công Nhân. Tôi đóng Thái úy Lý Thường Kiệt, tập luyện quần quật hàng tháng trời. Khi lên biểu diễn, chân tay còn thâm tím, trầy xước, đau đớn. Có những màn đấu võ mà bạn diễn là võ sỹ chuyên nghiệp. Nhưng các bạn ấy chưa quen với ánh đèn sân khấu, phải diễn giả như thật thì họ diễn thật như thật luôn. Lúc ấy, tôi phải chịu trận cả một cú đá hay miếng đấm trọn gói đến xây xẩm mặt mày.
Hiện tại, tôi cũng đang tham gia dự án làm phim phóng sự về môi trường (hãng truyền thông Talis kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện) với vai trò người dẫn đường, đi khắp các vùng miền của đất nước để tìm hiểu về môi trường, các nguy cơ có thể gây hại cho môi trường như: nạn phá rừng, nước biển xâm thực vào đất liền, ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất, biến đổi khí hậu, săn bắn động vật hoang dã... Tháng 11 sắp tới sẽ có buổi họp báo giới thiệu về dự án này.
Theo VTC