Mặc dù tâm lý “Tây là nhất” tồn tại từ lâu trong một vài bộ phận nhất định của xã hội Trung Quốc, nhiều người trẻ lo ngại thị trường việc làm đang ủng hộ các ứng viên có bằng cấp địa phương, theo SCMP.
Theo Bộ Giáo dục, tổng số công dân Trung Quốc đi du học năm 2019 là 703.500 người. Trong năm học 2019-2020, Trung Quốc có hơn 100.000 sinh viên đại học mới đến Anh, đánh dấu mức tăng 20% so với năm trước, theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học có trụ sở tại Anh.
Anh vẫn là điểm đến phổ biến của sinh viên Trung Quốc từ các hộ gia đình khá giả. Tuy nhiên, những giả định lâu nay rằng sinh viên tốt nghiệp ở phương Tây được trang bị tốt hơn về các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ, do đó được săn đón nhiều hơn trên thị trường việc làm Trung Quốc, đang bắt đầu bị xói mòn.
Du học sinh Trung Quốc trở về nước nhận thấy họ không còn là lựa chọn hàng đầu cho việc làm. Ảnh: Xinhua. |
GS Aaron Koh Soon Lee từ khoa Giáo dục tại Đại học Trung văn Hương Cảng nhận định: “Đó là định kiến hoặc nhận thức chung rằng sinh viên học ở nước ngoài có khả năng giao tiếp, tự tin và năng nổ hơn. Hầu hết đều coi phương Tây là tốt nhất, vì vậy, nhóm này sẽ được công nhận, giống như có tấm hộ chiếu vậy”.
Tuy nhiên, khi các trường đại học Trung Quốc leo lên xếp hạng thế giới, sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài trở về nước nhận thấy họ không còn là lựa chọn hàng đầu cho các vị trí việc làm.
Bằng “Tây học” mất giá
“Tôi không nghĩ chúng tôi có nhiều lợi thế hơn sinh viên tốt nghiệp trong nước, đặc biệt nếu nộp đơn vào các công ty địa phương hoặc quy mô nhỏ - nơi bộ phận tuyển dụng quen thuộc hơn với những trường đại học ở Trung Quốc hay các dự án 985 và 211”, Lea Chen Hei Yu, tốt nghiệp ngành Xã hội học tại Đại học Bristol hàng đầu của Anh, cho biết.
Dự án 985 và 211 được chính quyền trung ương phát động lần lượt vào năm 1998, 1990 nhằm hỗ trợ các trường học trên toàn quốc trở thành cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới. Chúng bao gồm các trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh và Phúc Đán danh tiếng.
“Người phụ trách công ty trước đây của tôi không hề biết về Trường Kinh tế London. Các trường đại học nổi tiếng ở phương Tây không được công nhận rộng rãi tại đây như một số người mong đợi”, Chen, hiện làm việc tại công ty JD Digits, nói thêm.
Larissa Wu Wenxi, tiền bối của Chen tại Đại học Bristol, cho biết khoảng cách giữa các trường đại học trong và ngoài nước đang thu hẹp.
“Những người có thể vào được các trường trong dự án 985, 211 thực sự có năng lực và tâm huyết. Một số công ty trong nước thậm chí cho rằng những người theo học thạc sĩ ở nước ngoài đang cố gắng trốn tránh kỳ thi tuyển sau đại học của Trung Quốc vì không đủ khả năng hoặc yêu cầu”, cô nói.
Tấm bằng tốt nghiệp đại học ở phương Tây không giúp du học sinh hồi hương có nhiều lợi thế hơn sinh viên tốt nghiệp trong nước khi đi xin việc. Ảnh: Gao Erqiang/China Daily. |
Các trường đại học Trung Quốc đang trở nên có giá trị hơn khi được đo lường bằng khả năng tuyển dụng.
Trung Quốc được xếp hạng 5 trên thế giới về khả năng sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong thập kỷ qua, theo Bảng xếp hạng khả năng tuyển dụng năm 2020 - cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty tư vấn Emerging (Pháp) và tạp chí Times Higher Education (Anh).
Ví dụ, Anh chỉ đứng trước Trung Quốc một bậc - quốc gia đã tăng 6 bậc so với năm 2010. Hơn nữa, tất cả cơ sở giáo dục ở đại lục được xếp hạng trong top 100 đều duy trì hoặc cải thiện vị trí trước đó.
Do bằng đại học phương Tây không còn hiếm ở Trung Quốc, GS Koh cho biết nhiều sinh viên tốt nghiệp theo đuổi công việc thực tập và nâng cao trình độ nhằm xây dựng hồ sơ cạnh tranh cao hơn - một thực tế được gọi là “lạm phát chứng chỉ”.
“Tình hình thị trường việc làm hiện nay rất ảm đạm. Nhưng đây là thực tế đối với họ”, ông nói.
Ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp trong nước
GS Koh cho biết trong một số ngành nghề, các nhà tuyển dụng thích sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú trong nước hơn những người đã rời xa quê hương nhiều năm.
Mặc dù đi du học ở nước ngoài, Wu (đến từ Quảng Châu) vẫn cố gắng đảm bảo việc thực tập mà không gặp nhiều khó khăn.
“Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là danh tiếng của trường, tiếp theo là bằng cấp cá nhân. Do trường đại học của tôi phần nào được các nhà tuyển dụng Trung Quốc công nhận, tôi thường lọt vào danh sách lựa chọn”, cô nói
Trong mùa hè, Wu đã nhận được lời mời phỏng vấn từ các công ty kế toán hàng đầu gồm Deloitte, PricewaterhouseCoopers, Ernst & Young, và Klynveld Peat Marwick Goerdeler, cũng như tập đoàn công nghệ Tencent.
Khi bằng cấp ở nước ngoài ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn học ở quê nhà. Ảnh: SCMP. |
Hơn 6,5 triệu người Trung Quốc đã du học ở nước ngoài từ năm 1978 đến năm 2019 và gần 90% trở về nước sau khi kết thúc khóa học, theo Bộ Giáo dục.
Năm ngoái, sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về việc làm do sự suy thoái kinh tế lịch sử do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang phục hồi.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, Trung Quốc đã tạo ra 11,33 triệu việc làm trong 10 tháng đầu năm nay và tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát là 4,9% kể từ tháng 9 - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018.
Trong khi bằng cấp ở nước ngoài ngày càng trở nên kém cạnh tranh hơn, một số người Trung Quốc chọn học ở nhà bởi có lý do cá nhân, bao gồm cả những trải nghiệm khó chịu được cựu du học sinh chia sẻ.
GS Koh cho biết: “Thật không may, sinh viên quốc tế luôn bị đối xử như những ‘cây rút tiền’. Các trường đại học phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào học phí mà sinh viên nước ngoài chi trả nhưng một số không cung cấp loại hình dịch vụ có giá trị tương đương”.
Những sinh viên tốt nghiệp như Chen và Wu cho biết họ cảm thấy thoải mái hơn khi ở Trung Quốc - điều phần nào ảnh hưởng đến quyết định hồi hương của họ.
“Tôi thích điều kiện sống và môi trường của Trung Quốc hơn. Mọi người thân thiện và dễ hòa nhập hơn”, Chen nói.
Wu cho biết cô muốn sống gần cha mẹ và làm việc trong nước.
“Tôi không phải là người quá năng nổ hay hướng ngoại. Vì vậy, tôi không nghĩ mình có nhiều lợi thế để ở lại Vương quốc Anh, đặc biệt là khi tôi đã xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp tại quê nhà từ lâu”, Wu nói.