Ngày mua sắm hỗn loạn sau dịp Lễ Tạ ơn vốn được biết đến với các giao dịch tận nơi đang dần được thay thế bằng hình thức mua sắm trực tuyến tiện lợi hơn, theo NextAdvisor.
“Tôi không nói Black Friday đã chết. Vẫn sẽ có một số người muốn thức dậy lúc 5h sáng để đi săn món hời”, Jerry Sheldon, nhà phân tích bán lẻ tại công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu IHL Group (Mỹ), nói.
“Tuy nhiên, mọi người sẽ thấy sự sụt giảm đáng kể trong năm nay. Tôi nghĩ rằng tình trạng đó sẽ tiếp tục và chúng ta có thể thấy Black Friday sẽ chết trong vòng 4-5 năm nữa. Ngoài ra, năm nay, khó khăn tiền bạc chưa từng có sẽ khiến nhiều người không dám mua sắm”, ông nhận định.
Sheldon cho biết hiện nay, Black Friday đang phát triển thành sự kiện kéo dài một tháng, được mô tả chính xác hơn là Black November (tháng 11 đen tối). Ông không ngạc nhiên nếu thời điểm bắt đầu không chính thức của mùa lễ hội mua sắm này ngày càng gần với dịp hậu Halloween.
Các chuyên gia tài chính dự đoán dịp Black Friday sẽ thay đổi rất nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: Ringo H.W. Chiu/AP. |
Rõ ràng, sự sụp đổ của Black Friday truyền thống không phải là khái niệm mới.
Với sự gia tăng của mua sắm trực tuyến trong những năm qua, các nhà bán lẻ ngày càng thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm sớm hơn bằng cách cung cấp các ưu đãi trong suốt dịp lễ, thay vì đợi đến Black Friday mới bắt đầu.
“Gần một thập kỷ nay, xu hướng đến trực tiếp cửa hàng giảm, trong khi mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Cách đây 5-7 năm, gia đình tôi thường đến các cửa hàng còn bây giờ thì không. Chúng tôi mua hàng online”, Tori Dunlap, chuyên gia quản lý tài chính và sáng lập HerFirst100k.com, cho biết.
Đại dịch và sự gia tăng mua sắm trực tuyến đã thúc đẩy xu hướng này tăng nhanh vào năm 2020. Theo cuộc khảo sát gần đây của tổ chức National Retail Federation, khoảng 60% người Mỹ nói rằng họ có kế hoạch mua sắm trực tuyến trong kỳ nghỉ năm nay, tăng 4 điểm phần trăm so với 2019.
Nhiều trở ngại
Theo WYMT, hơn một năm xảy ra đại dịch, việc mua sắm vẫn gặp rất nhiều trở ngại.
Tại Mỹ, nhiều nhà bán lẻ như Target, Kohl's, Walmart cho biết sẽ cắt giảm giờ mở cửa so với những năm trước nhằm giảm bớt số lượng hàng hóa và lượng khách đông đúc trong bối cảnh lo ngại về Covid-19.
Với những hạn chế này, thật khó để tưởng tượng việc mua sắm tại cửa hàng diễn ra như cảnh tượng quen thuộc trong ngày Black Friday.
Do các nhà bán lẻ muốn hạn chế tình trạng chen chúc trong cửa hàng, Jerry Sheldon của IHL Group cho biết các giao dịch trong dịp Black Friday và Cyber Monday ngay sau đó dự kiến chủ yếu được cung cấp trực tuyến.
Nhìn chung, ông dự đoán doanh số bán hàng trực tuyến trong mùa lễ sẽ tăng tới 30% với mức tăng bắt đầu sớm hơn bình thường.
Cảnh tượng chen lấn, giành giật đồ sale trong các cửa hàng có thể sẽ không xảy ra trong dịp Black Friday năm nay như thời trước đại dịch. Ảnh: Luke Macgregor/Reuters. |
Ryan D'Cruz, Giám đốc chiến lược của công ty truyền thông Hearst UK (Vương quốc Anh), nói Black Friday theo truyền thống là một trong những ngày mua sắm lớn nhất trong năm, với nghiên cứu cho thấy ước tính 5,6 tỷ bảng Anh sẽ được chi cho dịp này năm nay.
Tuy nhiên, tác động của Covid-19 đã mang lại sự không chắc chắn cho các thương hiệu.
Theo đó, suy thoái kinh tế bắt đầu tạo ra tác động và các giá trị chuyển từ quá khứ hướng về vật chất sang mong muốn sống đơn giản hơn.
“Qua nghiên cứu trên độc giả của Hearst UK, chúng tôi phát hiện rằng bất chấp tình hình hiện tại, với 74% dự đoán tình hình kinh tế của Vương quốc Anh sẽ xấu đi, phần lớn (78%) tin rằng tình hình tài chính của họ sẽ giữ nguyên hoặc tốt hơn trong 12 tháng tới. Do có khả năng tài chính ổn định, Black Friday tiếp tục là tâm điểm bán lẻ của họ. 60% kế hoạch chi tiêu bằng hoặc hơn năm nay so với năm ngoái”, D'Cruz nói.
Ông nhận định không có gì đáng ngạc nhiên khi Black Friday năm nay trở thành dịp mua sắm trực tuyến nhiều hơn với những hạn chế về số người mua sắm tại cửa hàng cùng một lúc.
Mua sắm trực tuyến sẽ được ưa chuộng hơn là trực tiếp tới cửa hàng săn sale dịp Black Friday. Ảnh: Barry Gutierrez/AP. |
Mặc dù 1/4 đối tượng khảo sát của Hearst UK lên kế hoạch mua hàng sớm hơn một tuần, thực tế vào Black Friday, gần 3/4 mới quyết định mua những gì. Họ có tư tưởng cởi mở và sẵn sàng thử các nhãn hiệu mới, miễn là có chất lượng.
“Điều thú vị là nghiên cứu của chúng tôi phát hiện sự thay đổi thái độ đối với Black Friday dựa trên độ tuổi kể từ sau đại dịch. Giới trẻ thường tập trung hơn vào việc lập kế hoạch mua hàng so với những người lớn tuổi ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và mua sắm tự phát hơn”, D'Cruz cho biết.
Không tham gia cơn sốt mua sắm
Nghiên cứu mới từ Công ty quản trị trải nghiệm Qualtrics trên 1.039 người Mỹ (từ 18 tuổi trở lên, làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian) cho thấy Black Friday sẽ chưa trở lại bình thường trong năm nay, theo Jopling Lobe.
Cụ thể, chỉ 38% đối tượng khảo sát nói rằng họ cảm thấy thoải mái khi tham gia các sự kiện sale lớn, có nghĩa cứ 5 người lại có 3 từ chối mua sắm vào Black Friday.
Cùng lúc đó, Covid-19 vẫn là mối quan tâm lớn đối với những người mua sắm trong dịp lễ. Các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn trong việc điều hướng thay đổi chính sách tiêm chủng và an toàn Covid-19 đồng thời phải chiến đấu với các vấn đề về chuỗi cung ứng và lao động.
Ngay cả khi các thành phố như New York, Los Angeles và San Francisco thực hiện quy tắc mới yêu cầu bằng chứng về việc tiêm chủng, người tiêu dùng Mỹ vẫn bị chia rẽ về chính sách vaccine. Đa số (59%) ủng hộ các doanh nghiệp yêu cầu khách hàng và nhân viên phải tiêm phòng, trong khi 21% phản đối.
Covid-19 vẫn là mối quan tâm lớn đối với những người mua sắm trong dịp lễ. Ảnh: Evan Angelastro/Wall Street Journal. |
Những phát hiện này chứng minh rằng trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hy vọng vaccine Covid-19 mang lại sự ổn định và cứu trợ cho thị trường bán lẻ, đại dịch vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức. Năm nay, phần lớn người Mỹ (70%) nói rằng quyết định mua hàng của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, với 35% nói rằng họ có ý định mua sắm trực tuyến nhiều hơn là mua tại cửa hàng.
Đối với những người mạo hiểm để tìm quà tặng trong dịp này, yêu cầu về khẩu trang sẽ dễ chịu hơn là tiêm chủng. 61% nói rằng họ cảm thấy thoải mái khi đến các cửa hàng yêu cầu tất cả đeo khẩu trang so với những nơi bắt buộc tiêm vaccine (49%).
Đại dịch tiếp tục hình thành thói quen mua hàng. Bên cạnh gia tăng mua sắm trực tuyến, những cách Covid-19 ảnh hưởng đến kế hoạch mua sắm là: 24% nói rằng sẽ mua quần áo thoải mái hơn, 21% sẽ mua nhiều đồ công nghệ hơn và 19% sẽ mua thêm công cụ hoặc công nghệ để làm việc từ xa.
Tại châu Á, The National News đưa tin theo nghiên cứu mới của công ty tư vấn toàn cầu Simon-Kucher & Partners, những người mua sắm ở UAE và Saudi Arabia có kế hoạch chi tiêu ít hơn trong dịp Black Friday năm nay do thói quen tiêu dùng thay đổi. Tuy nhiên, họ vẫn là những người chi tiêu nhiều nhất ở Trung Đông và cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Mức chi tiêu dự kiến trung bình cho mỗi người mua sắm ở UAE và Saudi Arabia lần lượt là 380 USD và 322 USD. Mặc dù chi tiêu lần lượt giảm 3% và 18%, con số này vẫn cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới như Mỹ có mức trung bình là 270 USD.
Lý do chính cho sự sụt giảm này là Covid-19. Nghiên cứu cho thấy 60% người tiêu dùng đồng ý rằng đại dịch ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của họ: ít lên kế hoạch hơn, ngân sách thấp hơn và ít quan tâm hơn.
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng ở UAE có xu hướng nghiêng về mua hàng tại cửa hàng nhiều hơn. Ảnh: Reem Mohammed/The National News. |
Chi tiêu thông minh hơn
Theo cây viết Adam Davidson của The New York Times, nhiều người rất kỳ lạ khi dành 11 tháng để sống đạm bạc và 4 tuần dịp sale Black Friday để mua hàng tấn thứ không cần thiết.
Các nhà bán lẻ kiếm được khoảng 1/5 doanh số bán hàng trong mùa lễ, gần nửa nghìn tỷ USD, khi tỷ lệ mua sắm tương ứng với nhu cầu tăng đột biến.
Tuy nhiên, theo NextAdvisor, các ưu đãi và khuyến mại trong mùa lễ này có thể hấp dẫn nhưng khách hàng không nên chi tiền cho những món quà nếu đang gặp khó khăn tài chính.
Nhìn chung, hơn 1/3 người Mỹ có kế hoạch chi tiêu ít hơn cho việc mua sắm vào kỳ nghỉ năm nay và 66% không có ý định tăng số dư thẻ tín dụng, theo cuộc khảo sát gần đây.
Chuyên gia tài chính khuyên mọi người không nên chi tiền cho những món đồ không cần thiết nếu đang gặp khó khăn tài chính. Ảnh: Bloomberg. |
Chuyên gia quản lý tài chính Tori Dunlap khuyên mọi người không nên vì những món quà ngày lễ đắt tiền, không cần thiết mà chìm trong nợ nần suốt thời gian sau đó.
“Nếu Covid-19 khiến bạn thực sự khó khăn và không thể mua được quà, nấu ăn, trò chuyện hay đề nghị giúp đỡ người thân, bạn bè là đủ. Bởi bạn không cần phải tặng ai đó về vật chất mới thực sự thể hiện sự quan tâm”, cô nói.
Theo Dunlap, với những người không bị ảnh hưởng về mặt tài chính bởi Covid-19, họ nên tập trung vào việc lập kế hoạch và ngân sách cụ thể cho mùa lễ hội mua sắm này.
Louis Irvin, Giám đốc quỹ CDFI cho tổ chức tài chính RedBud Financial Alternative (Mỹ), cũng đưa ra lời khuyên mua sắm cho mọi người.
“Hãy chú ý đến giá cả. Đặt mức ngân sách trước khi đi mua sắm, lập danh sách và cố gắng bám sát… Tín dụng là một phần thực sự quan trọng đối với những ngày lễ. Mọi người chỉ nên mở rộng tín dụng khi thực sự cần thiết và có thể chi trả khoản đó”, ông nói.