Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày sale 'mất giá'

Hà Bình (27 tuổi) đã thuộc lòng đoạn quảng cáo khuyến mãi Black Friday và 12/12 của những sàn thương mại điện tử khi chúng thường xuyên chen ngang mỗi lần cô xem TV hoặc YouTube.

Lướt mạng xã hội, Bình cũng nhiều lần bắt gặp thông tin tương tự: giảm giá lên đến 70%, siêu sale, khuyến mãi cực khủng...

Trong ứng dụng nhắn tin, bạn bè, người quen liên tục rủ rê cô đặt mua từ quần áo, mỹ phẩm cho đến đồ gia dụng, hàng điện tử.

qua tai ngay giam gia anh 1

Một số món đồ Bình đặt mua trong các đợt khuyến mãi gần đây.

Hơn 4 đợt sale lớn tiếp nối nhau trong 2 tháng cuối năm. Giống Bình, nhiều người cũng cảm thấy bản thân rơi vào "ma trận" của những chương trình khuyến mãi và cám dỗ chi tiêu không lối thoát.

"Bên trong mình như có hai con người vậy. Một bên liên tục cảnh báo việc lãng phí, mua sắm quá đà nhưng phía còn lại không ngừng hối thúc: 'Mua đi, mua đi, nếu không sẽ hối hận'", Bình nói với Zing.

Sale dồn dập

Trong đợt sale 11/11, Bình chi gần 2 triệu đồng để mua 8 món hàng. Sau hơn nửa tháng, cô còn 3 đơn vẫn trong trạng thái "đang xử lý" và "đang vận chuyển".

Khi Black Friday sắp đến gần, cô gái 27 tuổi tiếp tục lên danh sách các món đồ cần mua. Bình dự định chỉ nạp 1,5 triệu đồng vào ví điện tử để tránh tình trạng mua quá tay.

"Với những đợt sale liên tiếp như thế này, đến lúc nhận hàng, một số món mình thậm chí quên luôn là đặt lúc nào và mua để làm gì", Bình thừa nhận.

qua tai ngay giam gia anh 2

Vân Anh thấy "ngộp" khi các đợt sale đổ dồn vào cuối năm.

Còn với Vân Anh (22 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú, TP.HCM), cô vẫn đang phân vân nên mua sắm vào dịp Black Friday (26/11) hay chờ đến 12/12 để được giảm nhiều hơn.

Là một người khá cẩn thận trong chi tiêu, cô luôn cân nhắc trước khi chốt đơn.

Mỗi lần có đợt sale, Vân Anh phải xem qua nhiều bên bán cùng mặt hàng để khảo sát giá, xem review, độ tin cậy rồi mới bấm chọn. Chỉ trừ một số khuyến mãi của gian hàng chính hãng, cô mới đợi dịp tốt để mua.

“Sự kiện sale dồn dập, hàng mua xong chưa kịp về thì đã đến đợt tiếp theo. Mình cảm thấy quả tải. Vừa muốn mua thật nhiều vì sợ sẽ không còn đợt nào lớn như vậy nữa, vừa sợ hết tiền, hết hạn”, Vân Anh bộc bạch.

Để tránh mua sắm không cần thiết trong các đợt sale sắp tới, cô dự định chỉ chi thêm khoảng 500.000 đồng cho đồ gia dụng và mỹ phẩm.

“Nếu có đồ cần mua, mình sẽ chuyển sang năm sau, đợi gần Tết Âm lịch chắc sẽ có nhiều chương trình ưu đãi hơn. Còn giờ thì mình để dành tiền cho những kế hoạch khác”, Vân Anh nói.

Mất thời gian, tốn sức lực

Theo Đan Thanh (22 tuổi), những ngày hội ưu đãi lớn luôn khiến cô mất nhiều thời gian và sức lực. Trong năm nay, Thanh đã săn sale tổng cộng 3 đợt: 6/6, 9/9 và 11/11. Ngoài ra, cô cũng không bỏ qua những sự kiện khuyến mãi riêng của các nhãn hàng.

Trong đợt 11/11, cô đã tốn khoảng 7 triệu đồng chỉ tính riêng một sàn thương mại điện tử, một nửa trong số đó là mua mỹ phẩm.

“Gần đến ngày mở sale, mình và nhóm bạn thân hay lên chiến lược cùng nhau để mua sắm hiệu quả. Mấy ngày giảm giá lớn sàn toàn bị quá tải thành ra dễ hết hàng, giao chậm, lạc đồ hay bị bắt hủy đơn, trải nghiệm chăm sóc khách hàng cũng tệ. Đôi khi tiền lương về không kịp nên mình cũng đành bỏ lỡ một vài đợt sale”, Thanh chia sẻ.

Theo Thanh, việc các ngày khuyến mãi lớn như 11/11, Black Friday, 12/12, Giáng sinh liên tục đổ dồn vào cuối năm khiến cô thấy hơi áp lực vì không muốn bản thân “đứng ngoài cuộc”.

“Vào mấy ngày này lướt đâu cũng thấy giảm giá, sale mạnh từ các sàn và cửa hàng nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Nhiều lúc mình không có ý định mua nhưng thấy bạn bè săn nhiều quá cũng vào ‘hốt’ chung”, Thanh nói thêm.

Thanh cho biết cô luôn dành 3-4 ngày trước đợt sale để chọn ra các sản phẩm yêu thích, so giá giữa các sàn để tránh chênh giá tiền. Vào những chương trình ưu đãi tiếp theo, cô dự định dành ra khoảng 3 triệu đồng để mua thêm vài món đồ trang điểm.

qua tai ngay giam gia anh 3

Đan Thanh hiếm khi bỏ lỡ các dịp sale lớn trong năm.

Trong khi nhiều người dù mệt mỏi vẫn không thể đứng ngoài "cuộc đua săn sale", một số người khác hoàn toàn chống lại việc mua sắm trong các ngày khuyến mãi.

Thành Trung (25 tuổi) cho rằng "Black November" nên được sử dụng thay cho "Black Friday".

"Các chương trình khuyến mãi không chỉ diễn ra một ngày mà kéo dài cả tuần. Trong tháng 11, chỉ riêng "Single Day" và "Black Friday" cũng đủ để kéo dài cả tháng", Trung nói.

Ưu đãi, giảm giá diễn ra liên tục khiến Trung không tin người tiêu dùng có thể thực sự hưởng lợi từ những chương trình này.

Anh cho biết mình cũng từng tham gia mua sắm vào những đợt này, song trải nghiệm hầu hết đều không tốt. Những năm gần đây, việc người mua xếp hàng dài, chen lấn đã không còn khi chương trình ưu đãi được kéo dài.

Tuy nhiên, theo Trung, hàng hóa được giảm không đa dạng, trong đó hầu hết là hàng cũ và lỗi.

"Sale liên tục từ đầu tháng đến cuối tháng thì cũng chẳng còn gì để mua. Cái gì cũng vậy, nhiều quá thành ra chán và nhàm. Bản thân mình thì đã hết hứng thú với những đợt khuyến mãi như vậy".

Hối hận hậu săn sale 11/11

Thức đến 3-4h sáng để lấp đầy giỏ hàng bằng sản phẩm giảm giá, giờ đây Ngân (26 tuổi) chỉ thấy hối hận vì đã "đốt tiền" vào những thứ không cần cũng chẳng đáng.

Phương Thảo - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm