Tháng 10/2022, kế hoạch xây nhà máy chip bán dẫn của Tập đoàn Công nghệ Bộ nhớ Dương Tử (YMTC) rơi vào hỗn loạn sau khi Mỹ ngăn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ và nhân công tay nghề cao của phương Tây - những thứ không thể thiếu để sản xuất chip bán dẫn tiên tiến.
Sau khi vốn và công nghệ của phương Tây ồ ạt rút đi, Trung Quốc cố dùng nội lực để lấp chỗ trống, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất những loại chip kém hiện đại hơn nhưng vẫn khả dĩ sử dụng được, theo New York Times.
Quyết tâm giảm lệ thuộc
Các hạn chế được áp đặt lên ngành chip Trung Quốc có mục đích đối phó điều mà Washington coi là nguy cơ từ việc Bắc Kinh dùng công nghệ phương Tây để nâng cấp kho vũ khí của mình.
Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết đây là một phần trong "đồng thuận mới" mà lưỡng đảng đạt được, cho rằng hàng thế kỷ nỗ lực giúp Bắc Kinh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu đã không thành công. Lúc này, Washington sẽ có cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực chip bán dẫn.
Theo quy định mới, công dân và doanh nghiệp Mỹ bị cấm hỗ trợ các công ty Trung Quốc phát triển những công nghệ chip có mức độ phức tạp nhất định. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã nhắm đến một số công ty công nghệ, trong đó có Huawei.
Chip bán dẫn do tập đoàn YMTC sản xuất. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc ứng phó bằng cách huy động nguồn vốn khổng lồ để tự sản xuất chip nội địa thay thế. Ban đầu, bởi một lượng trang thiết bị chất lượng cao của phương Tây vẫn còn, nhiều công ty Trung Quốc không sẵn sàng chuyển đổi. Nhưng tâm lý này đã bắt đầu thay đổi.
Hiện nay, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang đánh giá khả năng thay thế chip phương Tây và các bộ phận liên quan bằng sản phẩm nội địa, ngay cả với những cấu phần không bị lệnh trừng phạt ảnh hưởng.
Tập đoàn Ôtô Quảng Châu, nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc, hồi tháng 2 thông báo dự định thay thế toàn bộ chip phương Tây trên sản phẩm xe điện bằng chip Trung Quốc. Hiện nay, 90% chip trên xe điện của tập đoàn này nhập khẩu từ nước ngoài.
"Mục tiêu lúc này trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc là phi Mỹ hóa chuỗi cung ứng", Paul Triolo, phó chủ tịch công ty tư vấn chiến lược Albright Stonebridge Group, nhận xét.
Hàng chục nhà sản xuất chip Trung Quốc đang hoàn tất kế hoạch huy động vốn bằng cách chào bán cổ phiếu cho công chúng, trong số này có nhà sản xuất lớn thứ hai cả nước là Hua Hong Semiconductor.
Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính quyền Tổng thống Biden đã xây dựng dự thảo luật cấm quỹ đầu tư của Mỹ rót tiền vào các công ty công nghệ Trung Quốc.
Không dừng lại, Washington đang cân nhắc siết chặt kiểm soát các công nghệ như máy tính lượng tử và thiết bị sản xuất chip.
Đầu tư nước ngoài vào ngành chip bán dẫn Trung Quốc năm nay đã giảm xuống còn 600 triệu USD, thấp nhất kể từ 2020.
Động thái của Mỹ buộc Bắc Kinh dùng vốn ngân sách để tài trợ cho ngành chip bán dẫn. Chính phủ Trung Quốc đã bơm gần 2 tỷ USD vào YMTC để tháo gỡ khó khăn. Bắc Kinh cũng rót tiền cho nhiều nhà cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất chip.
Mục đích của Bắc Kinh là loại bỏ các thiết bị của phương Tây khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Khó khăn về chip cao cấp
Đến nay, chưa tới 1% các sản phẩm chip bán dẫn ở Trung Quốc thuộc nhóm sản phẩm cao cấp bị Mỹ siết chặt kiểm soát. Các sản phẩm còn lại ít tiên tiến hơn, hoặc trung bình, có trong các thiết bị điện sử dụng hàng ngày và xe hơi. Sản xuất các loại chip này đang nhận được khoản đầu tư ngày càng lớn.
Hai công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) và Hua Hong Semiconductor cho biết đã chi hàng tỷ USD trong năm nay để mở rộng sản xuất các sản phẩm chip trung cấp.
Handel Jones, giám đốc công ty tư vấn International Business Stategies, nhận định việc không thể tiếp cận các sản phẩm chip hiện đại nhất về lâu dài sẽ cản trở tham vọng thúc đẩy các ngành công nghiệp tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, vũ trụ của Trung Quốc.
TSMC đã rút vốn khỏi Trung Quốc và đầu tư vào dây chuyền tại Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Tháng 8/2022, YMTC đặt mục tiêu tăng gấp 3 thị phần chip toàn cầu lên mức 13% năm 2027 và thách thức các đối thủ Mỹ. Nhưng sau khi Washington siết chặt kiểm soát công nghệ, YMTC phải điều chỉnh mục tiêu giảm xuống chỉ còn khoảng 3% thị trường thế giới vào năm 2027.
Các công ty quốc tế từng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa danh mục đầu tư ra các nước khác. Samsung và TSMC đã rót hàng tỷ USD vào dây chuyền sản xuất ở Mỹ.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định vốn ngoại thoái lui mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa. Tháng trước, công ty sản xuất chip bán dẫn Crystal Growth & Energy Equipment được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải. Từ đó tới nay, giá trị cổ phiếu này đã tăng 30%.
"Nhờ lệnh trừng phạt của Mỹ, giờ thị trường đã có chỗ cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển", Xiang Ligang, giám đốc một tập đoàn công nghệ có trụ sở ở Bắc Kinh, nói.
Dòng vốn mà Bắc Kinh rót vào ngành chip bán dẫn có thể giúp Trung Quốc mở rộng thị phần chip ít hiện đại toàn cầu trong những năm tới. Theo công ty tư vấn Rhodium, trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc có thể chiếm gần 50% sản lượng toàn cầu một số dòng chip.