Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc tiêu hủy bừa bãi chó, mèo của F0

Một số vụ tiêu hủy vật nuôi của F0 nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh đang gây tranh cãi tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng đây là hành vi vô nhân đạo và không cần thiết.

Mùa đông năm nay, Lisa Li, cư dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cẩn trọng hơn bao giờ hết với sức khỏe của mình. Cô không muốn bị dương tính với Covid-19, theo SCMP.

Cô nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội và tuân theo các biện pháp khác để bảo vệ bản thân. Lisa nói rằng nếu Bắc Kinh có một đợt bùng phát dịch mới, cô sẽ lập tức cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và chỉ ở trong nhà.

“Nếu chẳng may tôi vô tình nhiễm Covid-19 và phải đi cách ly, mèo cưng của tôi bị bỏ đói hoặc người ta giết chết thì sao?”, cô nói.

tieu huy cho meo cua benh nhan Covid-19 anh 1

Một con mèo cưng được mặc Hán phục cầu kỳ ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Tiêu hủy bừa bãi

Lisa đang ám chỉ đến những sự việc xảy ra gần đây tại Trung Quốc. Cụ thể, vật nuôi của một số bệnh nhân Covid-19 bị chính quyền địa phương tiêu hủy như một cách kiềm chế lây lan dịch bệnh.

Tháng 11, một cư dân Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) chia sẻ trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng mèo của cô đã bị giết sau khi cô được chuyển đến nơi cách ly.

Trước đó 2 tháng, một phụ nữ ở thành phố Cáp Nhĩ Tân cáo buộc nhân viên công tác xã hội đã tiêu hủy 3 mèo nuôi của mình sau khi chúng được xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Nói với truyền thông địa phương, những nhân viên này cho biết hiện không có phương pháp điều trị Covid-19 nào cho động vật và tiêu hủy là lựa chọn duy nhất của họ.

tieu huy cho meo cua benh nhan Covid-19 anh 2

Một trong số 3 mèo cưng của một bệnh nhân Covid-19 ở Cáp Nhĩ Tân bị tiêu hủy mà không có sự đồng ý của họ. Ảnh: Weixin.

Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid-19”. Mỗi khi xảy ra một đợt bùng phát dịch, chính quyền địa phương sẽ xét nghiệm hàng loạt, truy vết và đôi khi phong tỏa một phần để cố gắng ngăn chặn sự lây lan.

Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang hướng đến tăng tỷ lệ tiêm chủng và mở cửa biên giới để sống chung với đại dịch.

Cho đến nay, người dân Trung Quốc vẫn kiên nhẫn với chính sách này. Tuy nhiên, số lượng khiếu nại đang gia tăng.

Ngày càng nhiều người cảm thấy mệt mỏi với những đợt bùng phát dịch. Họ cho biết cách xử lý của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn virus, bao gồm đối xử tệ với vật nuôi, là cứng nhắc, khuôn mẫu và quá đáng.

Là chủ của một con mèo, Lisa cảm thấy tức giận trước những sự việc trên.

“Không có bằng chứng y tế hay pháp lý nào cho việc giết những con vật nuôi này. Đó là hành vi vô nhân đạo”, cô nói.

Không có quy định cụ thể

Hiện các chủ nuôi đang tự giải quyết vấn đề bằng cách đưa ra bản kiến nghị trực tuyến, đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương đưa ra chính sách nhân đạo và rõ ràng hơn.

Một bài đăng đã liệt kê các chỉ dẫn dành cho chủ vật nuôi đang gặp rắc rối với chính quyền, bao gồm tố cáo trên mạng xã hội, ghi hình vụ tiêu hủy và các hành động tàn bạo khác của nhân viên công tác xã hội, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ thông qua các phương tiện truyền thông địa phương hoặc yêu cầu được phép cách ly với vật nuôi của họ.

“Xin hãy tiếp tục đấu tranh. Bởi nếu không lên tiếng, có thể nạn nhân tiếp theo là những thú nuôi của bạn”, trích nội dung bài viết.

tieu huy cho meo cua benh nhan Covid-19 anh 3

Vật nuôi của những F0 Trung Quốc đang bị đe dọa tính mạng. Ảnh: AFP.

Một số người cũng đặt câu hỏi rằng liệu việc chính quyền giết động vật như vậy có hợp pháp không.

Theo luật pháp Trung Quốc, động vật hoang dã hoặc gia súc bị nhiễm bệnh trong đại dịch có thể bị tiêu hủy. Tuy nhiên, chó, mèo nuôi không được liệt kê vào danh sách này.

Về mặt y tế, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vật nuôi có khả năng lây lan virus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nguy cơ động vật lây Covid-19 sang người được coi là thấp.

Ngay cả kênh truyền thông chính thức của chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ việc ngừng đối xử tàn nhẫn với vật nuôi mắc bệnh. Cụ thể, The Life Times kêu gọi công chúng không nên hoảng sợ về khả năng động vật phát tán dịch bệnh.

“Trong đại dịch, vật nuôi cũng là nạn nhân của virus giống con người”, trích nội dung bài đăng.

Tuy nhiên, nếu chính phủ Trung Quốc không đưa ra chính sách cụ thể hơn, những chủ nuôi như Lisa chỉ có thể tự dựa vào bản thân để bảo vệ thú cưng của mình.

“Hiện chưa có luật bảo vệ vật nuôi tại Trung Quốc. Bởi vậy, chúng ta không có nhiều cơ hội để đấu tranh cho thú cưng của mình. Cái chết của chúng chỉ có thể trở thành lời cảnh báo tới những chủ nuôi khác phải cẩn thận hơn”, cô chia sẻ.

Cuộc chiến chó mèo

Những cuộc tranh luận giữa hai phe yêu, ghét chó mèo đã tồn tại từ lâu. Nó thậm chí ngày càng căng thẳng hơn, nhất là khi việc nuôi thú cưng trở nên phổ biến.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm