Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trung tâm tiếng Anh bát nháo, nơi thợ dạy buôn chữ'

Thuê "Tây ba lô" làm giáo viên nước ngoài, thuê bằng cấp, quảng cáo phương pháp học kỳ diệu là những chiêu thức được nhiều trung tâm tiếng Anh sử dụng để chiêu mộ học viên.

Sau câu chuyện cô giáo giảng dạy tại MST English là Nguyễn Thị Kim Tuyến lăng mạ học viên là "con lợn" chỉ vì 100.000 đồng tiền phạt, nhiều người đặt câu hỏi tại sao một trung tâm có đến 3 cơ sở ở Hà Nội chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động?

Thuê sinh viên đứng lớp, "Tây ba lô" thành giáo viên nước ngoài

Hoàng Minh, 28 tuổi, từng có kinh nghiệm làm trưởng phòng marketing cho một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội, cho hay các trung tâm trong thành phố, kể cả nơi uy tín, đều có giảng viên là sinh viên, chưa có bằng cấp. Giảng viên nước ngoài hầu hết là thuê "Tây ba lô". Điều này khác xa với quảng cáo trên mạng.

Bat nhao trung tam tieng anh anh 1
Biển hiệu Trung tâm tiếng Anh MST tại cơ sở Trần Phú, Hà Đông. Ảnh: Đ.T.

Một số trung tâm có thể yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vì muốn giáo viên dạy lâu dài. Song, khá nhiều nơi chấp nhận cho giáo viên dạy "chui" và không cần yêu cầu gì cả: Không bài kiểm tra đầu vào, không nhắc nhở hay phê bình. 

Nhiều trung tâm cũng không quan trọng nghiệp vụ sư phạm của giảng viên. Nếu dạy chuyên về IELTS, họ chỉ cần có chứng chỉ cao; về giao tiếp cần khả năng nghe nói.

Theo trưởng phòng này, phần lớn học viên tìm hiểu thông tin qua mạng. Khi đến cơ sở, họ ít khi hỏi xem trung tâm có được cấp phép không, chứng chỉ sư phạm hay trình độ giảng viên thế nào?

“Học viên chỉ cần thấy giảng viên nói tiếng Anh như gió là tin lắm. Họ không quan tâm nhiều những thứ khác”, Hoàng Minh nói với Zing.vn.

Thậm chí, không ít giám đốc trung tâm là "tay ngang", không có bằng đại học. Họ thuê bằng cử nhân hoặc thạc sĩ sư phạm của một số người làm giám đốc trung tâm.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cả 3 cơ sở của MST English đều chưa đăng ký giấy phép hoạt động. Thời gian qua, MST English hoạt động chủ yếu theo hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ học tập thông qua tài khoản Facebook cá nhân.

Địa điểm hoạt động của cả 3 cơ sở này đều đặt tại các nơi khuất, ở khu vực sâu của toà nhà, diện tích nhỏ theo quy mô văn phòng; không có biển hiệu của doanh nghiệp.

Cũng theo Hoàng Minh, trung tâm lớn đều có giấy phép hoạt động nhưng thường bị hết hạn, hoặc chỉ có ở cơ sở chính, chi nhánh không có. Nhiều trung tâm nhỏ không có giấy phép, hoạt động dưới dạng ẩn danh là câu lạc bộ tiếng Anh.

Trung tâm tiếng Anh nào cũng có mánh khóe riêng. Đơn vị lớn thường không dám lừa đảo vì sợ học viên bóc phốt, kiện tụng. Họ chỉ có mánh khóe để chiêu mộ học viên rồi nghĩ ra hợp đồng cam kết nếu không đạt được trình độ nhất định sẽ hoàn lại tiền. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ để cho có, hoặc được lập theo hướng không có hiệu lực. Người học thường không chú ý việc này.

“Ví dụ như hợp đồng sẽ không đóng dấu ở chỗ ký tên mà chỉ đóng dấu giáp lai, hoặc sẽ cố vẽ ra các điều khoản như học viên nghỉ một buổi sẽ không được đòi lại tiền”, Hoàng Minh cho biết.

'Tây ba lô' dạy tiếng Anh ở trung tâm như cưỡi ngựa xem hoa

Một số thầy Tây cho biết dạy học ở Việt Nam rất dễ, họ chỉ cần "khen thật nhiều" cho hết giờ học là xong nhiệm vụ. Việc lựa chọn giáo viên người nước ngoài cũng... rất qua loa.

Nơi "thợ dạy" buôn chữ và phạt tiền

Hoàng Minh phân tích phần lớn trung tâm tiếng Anh đều chăm sóc học viên “như tiên” giống như khách hàng là "thượng đế".

“Học viên muốn giỏi tiếng Anh phải có kỷ luật thép. Nhiều trung tâm chiều học viên quá nên họ không làm bài tập, kém mãi. Phần lớn trung tâm đều phạt tiền học viên nhưng tối đa chỉ 50.000 đồng. Số tiền này cuối khóa sẽ được dùng đi liên hoan”, Hoàng Minh bày tỏ. 

Tuy nhiên, theo chàng trai này, số tiền phạt do người chăm sóc học viên thu. Giảng viên không quan tâm, chỉ dạy và chữa bài tập. Phần lớn giảng viên của các trung tâm uy tín xây dựng theo phong cách chuẩn sư phạm.

Theo cô Vũ Mai Phương, giáo viên dạy tiếng Anh, việc phạt tiền cho học sinh không nên khuyến khích bởi nếu cứ vi phạm sẽ phạt tiền là đi ngược giá trị giáo dục, khiến việc học tập trở thành gánh nặng.

Nhìn ở góc độ sư phạm, TS Vũ Thu Hương - người 20 năm giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng người chửi học viên là “óc lợn” không phải giáo viên mà là "thợ dạy".

Chính vì xem hoạt động giáo dục là bán sản phẩm nên người xuất hiện trong clip mới nói với học viên: “Đây là sân chơi của tao và luật lệ của tao”. Một giáo viên sẽ không bao giờ nói và tồn tại suy nghĩ này trong đầu. Giáo viên cũng không bao giờ áp dụng phạt tiền cho học sinh.

Theo ông Kiều Văn Minh - trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội, giáo viên phải được đào tạo theo chuẩn mực nhất định của Bộ GD&ĐT. Giáo viên phải có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức lối sống theo đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến và nhiều người dạy ở trung tâm ngoại ngữ khác chỉ đóng vai trò truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức của mình cho học viên. Nói cách khác, nhiều trung tâm ngoại ngữ không phép là nơi "buôn chữ chui", với những "thợ dạy" không biết rõ trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm.

Những chiêu trò truyền thông "câu" người sính ngoại

Lê Hải - người có kinh nghiệm dạy tiếng Anh tại Hà Nội, thông tin các trung tâm đều có đội ngũ cộng tác viên. Họ sẽ PR khóa học trên nhóm, diễn đàn mạng, bằng cách tự đặt chủ đề kiểu “Có trung tâm nào uy tín không?”.

Sau đó, người của trung tâm vào trả lời theo hướng "tâng bốc". Nhiều người học xong mới biết chất lượng của trung tâm rất kém, không như review trên mạng.

Bat nhao trung tam tieng anh anh 2
Cô giáo mạt sát học sinh là "mặt người óc lợn" tại trung tâm MST English chỉ xuất trình được bản sao bằng chuyên ngành kế toán. Cả 3 cơ sở của trung tâm này hoạt động "chui", từng bị xử phạt.  

Một chiêu thức khác mà nhiều trung tâm thường làm là thổi phồng phương pháp học tiếng Anh trở nên kỳ diệu, cấp tốc đến mức “thần thông quảng đại”.

Hoàng Minh cũng chỉ ra rằng một số trung tâm khá nổi tiếng ở Hà Nội hoạt động theo phương thức đa cấp. Họ dùng mọi cách để bạn trẻ học thử, đánh vào tâm lý để đẩy tinh thần của học viên lên cao. Từ đó, ai nghe cũng có quyết tâm chinh phục tiếng Anh.

Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT Hà Nội có công bố danh sách tất cả trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép với địa chỉ, cán bộ quản lý, chức năng đào tạo rõ ràng. Người học có thể vào tra cứu để tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi lựa chọn nơi theo học.

Danh sách trung tâm đào tạo ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài xem tại đây.

Danh sách trung tâm đào tạo ngoại ngữ không có yếu tố nước ngoài xem tại đây.

Theo Nguyễn Vũ, phụ huynh có con học trung tâm tiếng Anh tại Hai Bà Trưng, Hà Nội, tâm lý nhiều người Việt sính ngoại nên mới có đất cho những trung tâm kém chất lượng tồn tại.

Hồng Ngọc (công tác tại một trường phổ thông tại Hà Nội), nói cô đã theo học nhiều khóa tiếng Anh và thấy nhiều cơ sở không tăng được trình độ của học viên dù thu nhiều tiền.

"Tôi học khóa giao tiếp của một trung tâm ở Hà Nội với người nước ngoài nhưng thường không được gì. Tất cả quanh quẩn ở chơi trò chơi, tăng sự tự tin. Đa phần học viên không dám nói, ngượng ngùng, thiếu chủ động, xấu hổ không dám giao tiếp, nên chẳng hiểu gì, thấy chán và bỏ", Hồng Ngọc nói. 

Dù vậy, một khóa học giao tiếp với người nước ngoài khá đắt so với khóa ngữ pháp hay phát âm. Nhiều trung tâm mời giáo viên nước ngoài về nhưng thực chất rất ất ơ, không có trình độ sư phạm, không được đào tạo.

"Nguyên nhân là tâm lý của người Việt thường chuộng Tây và 'Tây ba lô' xin việc ở trung tâm rất dễ. Điều này không đảm bảo được học viên có thể nghe và nói chuyện với người nước ngoài nhưng trung tâm nào cũng cam kết đầy đủ", Hồng Ngọc cho hay.

Sự lựa chọn thông thái

Cô Vũ Mai Phương cho rằng xã hội hiện đại, người người, nhà nhà quảng cáo về trung tâm tiếng Anh. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người tư vấn, tạo nên sự bát nháo của các trung tâm. Ở góc độ nào đó, trung tâm tiếng Anh đơn thuần là nơi "buôn chữ" với những "thợ dạy", và rất khó kiểm định được chất lượng. 

Điều này khiến nhiều học viên không biết đâu là trung tâm tốt. Thậm chí, nghe lời bạn bè giới thiệu cũng chưa hẳn đã hay bởi họ có thể là cộng tác viên của trung tâm.

Vì vậy, trước khi quyết định theo học ở đâu, học viên không nên vội vàng, cần tìm hiểu kỹ qua người đi trước để lấy ý kiến hoặc hỏi trên các diễn đàn.

Ngoài ra, theo cô giáo Vũ Mai Phương, các chương trình truyền hình gần đây đều có nhiều kênh học rất bổ ích. Các em cũng có thể học online với thầy cô uy tín.

Nếu học ở trung tâm, học viên không nên tin vào lời quảng cáo, phải xác thực thông tin trước khi bỏ tiền ra mua khóa học kẻo “tiền mất tật mang”.

Nhiều thầy Tây dạy tiếng Anh ở Việt Nam không có bằng cấp Để trở thành giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam, một người nước ngoài cần có chứng chỉ quốc tế về giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người không có và đi dạy chui.

Cô giáo mắng học viên "óc lợn" livestream giữa tâm bão dư luận

Tối 7/5, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - người xưng "mày tao" và chửi học viên "mặt người, óc lợn" livestream trên Facebook để trả lời những thắc mắc của mọi người. 

"Tôi muốn diễn tả sự cảm ơn bởi vì các bạn còn chửi tôi có nghĩa là các bạn còn nhớ đến tôi. Có người ngày nào cũng gửi cho tôi hàng chục tin chửi và tôi rất khâm phục. Các bạn đã chửi thì hãy cứ chửi tiếp, chứng tỏ các bạn còn quan tâm đến tôi", bà Tuyến nói.

Theo bà Tuyến, nhiều người tự gắn cho bà mác "cô giáo" chứ bản thân chưa thể dám nhận cái danh dự dạy dỗ được ai. Bà chỉ là người huấn luyện, chia sẻ những kỹ năng đã có. 

Cô giáo xưng 'mày tao', chửi học sinh là 'óc lợn' chỉ có bằng kế toán

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến chỉ xuất trình được bản sao bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán khi làm việc với cơ quan chức năng.

Đi xuất khẩu lao động, về nước mở... trung tâm tiếng Anh

Nhiều thầy cô dạy trong các trung tâm tiếng Anh sẵn sàng chỉnh sửa thông tin bằng cấp và thành tích nhằm thu hút học viên.

Quyên Quyên

Video: VTV, VTC

Bạn có thể quan tâm