John, một người Mỹ gốc Mexico, tình cờ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh trong lần đến Việt Nam du lịch. Qua lời giới thiệu của người bạn mới quen, anh đến trung tâm ngoại ngữ xin việc và nhận mức lương 18 USD/ngày.
Quá trình xin việc khá đơn giản, anh chỉ cần đến trung tâm để phỏng vấn. Sau một số trao đổi ngắn, người đàn ông lập tức được nhận. Những người quản lý trung tâm đưa anh cuốn giáo trình photo song không yêu cầu anh cách dạy. Thứ duy nhất họ yêu cầu là: "Hãy cho học viên chơi thật nhiều".
Mỗi ngày, anh chỉ cần dạy tiếng Anh cho lũ trẻ trong vòng 2 tiếng vào buổi tối. Số tiền John nhận được sau mỗi buổi học đủ để anh trang trải chi phí ăn, ở tại Hà Nội và dư ra một khoản.
Sau khi hết hạn visa, anh chia tay trung tâm và về nước. Cuộc sống dễ dàng và thoải mái ở Việt Nam khiến John quyết tâm quay lại. Tuy nhiên, để ở lại lâu dài, anh phải làm thủ tục xin giấy phép lao động.
Mức lương đề nghị tại một số trường và trung tâm ngoại ngữ dành cho người nước ngoài.
|
Để xin giấy phép lao động với ngành nghề dạy tiếng Anh, John phải có chứng chỉ dạy tiếng Anh quốc tế. Tuy nhiên, việc này rất tốn thời gian nên anh quyết định “đi đường vòng” giống đại đa số giáo viên “Tây ba lô” khác ở Việt Nam.
Hiện tại, anh đã dạy ngoại ngữ ở Việt Nam hơn một năm. Số tiền mỗi tháng kiếm được gần 4.000 USD. Anh làm việc ở 3 trung tâm ngoại ngữ song chỉ một nơi ký hợp đồng. John cho biết thủ tục để ở lại Việt Nam lâu dài là do trung tâm làm giúp.
Người đàn ông 36 tuổi tiết lộ gần như không ai điều tra kỹ anh thực chất bao nhiêu tuổi, gia cảnh thế nào, nhân thân ra sao, mục đích nhập cảnh vào Việt Nam là gì. Khi lên lớp, anh chỉ cần dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, cho học viên chơi nhiều và thường xuyên khen để khích lệ họ.
Chỉ cần dạy hết giờ
Cũng bị hấp dẫn bởi mức lương cao và lối sống dễ dàng dành cho giáo viên tiếng Anh người nước ngoài ở Việt Nam, Alex quyết định rời Australia sang đất nước hình chữ S xin việc dù chưa từng có kinh nghiệm. Anh cho biết thông báo tuyển giáo viên nước ngoài xuất hiện nhiều trên các website. Do đó, người nước ngoài như anh không bao giờ sợ thiếu việc.
"Nhiều người Việt sính ngoại nên xin làm giáo viên rất dễ", anh nói.
Theo thống kê của Vietnam Teaching Jobs, khoảng 70% giáo viên nước ngoài ở Việt Nam hiện nay chưa có đủ bằng cấp hoặc kinh nghiệm giảng dạy.
“Tấm bằng này giống hệt như thẻ kim bài, chỉ cần chìa ra là những nhà tuyển dụng ở các trung tâm đều gật gù và mời tôi làm việc. Những trung tâm đó đều là cơ sở thu học phí cao. Tất nhiên, lương họ trả cho những giáo viên Tây như tôi không thấp”, Alex nhận xét.
Những lớp mà anh dạy chỉ khoảng 20 học viên và chủ yếu học về giao tiếp. Thỉnh thoảng, trung tâm có giao "thầy giáo Tây" dạy ngữ pháp.
“Tôi chỉ cần dạy hết giờ là xong trách nhiệm”, anh thông tin. Suốt 3 năm dạy ở Việt Nam, dù làm việc ở nhiều trung tâm, Alex chưa từng bị yêu cầu làm những bài kiểm tra trình độ giáo viên hay những thứ gì đó tương tự.
Người đàn ông này cho biết các trung tâm ngoại ngữ thường để giáo viên "tự do chọn phong cách dạy" nên những khi "không có tâm trạng", anh chỉ cần cho học viên tự tập nói với nhau hoặc cho họ chơi trò chơi.
'Nhiều thầy Tây chỉ biết khen học viên'
Cũng như nhiều bạn trẻ khác, chỉ giỏi đọc - viết nhưng kém nghe - nói, Phạm Hồng Hạnh, sinh viên năm cuối của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, từng nhiều lần "chịu chi" để tham gia những lớp học với 100% giáo viên người nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh. Song, kết quả không mấy cải thiện.
"Mang tiếng là lớp học với người nước ngoài nhưng thời gian nói chuyện với các thầy, cô rất ít", Hạnh thông tin.
Nữ sinh chia sẻ các lớp học giao tiếp thường rất nhẹ nhàng, cảm giác không nặng nề như ở trường. Đã có lúc Hạnh cảm thấy mình thực sự có thể giao tiếp được với người nước ngoài bởi trên lớp, giáo viên khen cô rất nhiều. Song, khi va chạm thực tế, cô nhận ra mình "không khác gì ếch ngồi đáy giếng".
Cùng cảnh như Hạnh, Nguyễn Mai Phương, sinh viên năm hai, kể cô từng tham gia một lớp học ngữ pháp với giáo viên Tây. Trước khi đăng ký, trung tâm ngoại ngữ giới thiệu thầy giáo người Mỹ là một trong những giáo viên "hot" nhất của trung tâm. Tuy nhiên, thực tế khác hẳn.
"Khi thầy dạy, đa số học viên không hiểu gì nên ngồi ngáp ngắn, ngáp dài. Đôi lúc, thầy chỉ viết vài công thức lên bảng, lấy vài ví dụ rồi cho chúng tôi chơi trò chơi đến hết buổi. Có lần kiểm tra, tôi vô tình làm sai khá nhiều câu ngớ ngẩn. Ngày hôm sau trả kết quả, tôi nghĩ mình chỉ được khoảng 50/100 điểm. Tuy nhiên, con số lại là 89/100. Thầy khen tôi làm bài rất tốt, có tiến bộ", Phương nói.
Nữ sinh cho hay cô cảm thấy thất vọng với chất lượng giáo viên nhưng vẫn cố gắng học tiếp vì tiếc số học phí đã bỏ ra.
Chị Vũ Minh Tuyển, quản lý của một trung tâm ngoại ngữ, cho biết các trung tâm tiếng Anh thường đăng tuyển tin dụng giáo viên nước ngoài lên một số website như Vietnam Teaching Jobs hoặc Job Street. Nếu ứng viên đang ở nước ngoài, họ sẽ gửi CV và phỏng vấn qua Skype. Nếu ở Việt Nam, họ sẽ mang CV đến trung tâm.
Một số trung tâm có thể yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và những giấy tờ liên quan để hợp thức hóa lãnh sự. Đó là những trung tâm muốn giáo viên dạy lâu dài. Song, khá nhiều trung tâm chấp nhận cho giáo viên dạy "chui".
Sau khi được nhận, giáo viên gần như không phải trải qua bất cứ bài kiểm tra nào. Tuy nhiên, một số trung tâm kiểm soát chất lượng giáo viên bằng cách dự giờ những tiết học của họ.
Chị Tuyển cho biết trong quá trình tuyển dụng, chị từng gặp nhiều thầy Tây có phong cách dạy "amater", đi - về theo hứng, chuẩn bị giáo án sơ sài và cho chơi là chính. Những thầy này cho biết họ đã dạy như thế ở Việt Nam trong nhiều năm và hầu hết trung tâm không nhắc nhở nhiều.
* Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi.