Mới đây, Dan Hauer, một thầy giáo dạy tiếng Anh tại Hà Nội, làm video chỉ lỗi sai trong phát âm tiếng Anh của người Việt. Dan mời hai người Mỹ, cụ thể là bố mẹ của anh, nghe những phân đoạn người Việt nói tiếng Anh để xem họ có hiểu không. Họ không biết tiếng Việt cũng như ít tiếp xúc người Việt. Kết quả, bố mẹ Dan gặp khó khăn trong việc hiểu toàn bộ những câu nói tiếng Anh đó.
Tranh cãi trên mạng
Chỉ sau vài ngày đăng tải, video này của Dan thu hút gần 2 triệu lượt xem trên YouTube. Nội dung của nó làm dấy lên cuộc tranh cãi do sử dụng đoạn trích của giáo viên người Việt tại một số trung tâm tiếng Anh làm minh họa. Bên cạnh đó, Dan cũng không làm mờ mặt nhân vật, cũng như tên của các trung tâm.
Trong khi đa số đồng tình với những lỗi sai mà Dan chỉ ra, một số cho rằng anh không nên "bôi nhọ" giáo viên. Nguyễn Anh Tú cảm ơn vì thầy giáo Mỹ đã nêu những lỗi sai của người Việt. Song, Dan không nên lên án một cách tiêu cực, chỉ trích giáo viên Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, Huy Lê viết: "Tại Việt Nam, giáo viên luôn có một vị trí đặc biệt trong xã hội. Chúng tôi kính trọng họ cũng như người Mỹ kính trọng bác sĩ hoặc nhân viên cứu hỏa. Thật tồi tệ khi hình ảnh của thầy cô bị mang ra làm ví dụ cho những điều sai trái".
Trước cơn bão bị "bóc mẽ" phát âm sai, các thầy cô tại trung tâm tiếng Anh Elight liên quan video của Dan đã lên tiếng xin lỗi học viên.
Trong video đăng lên YouTube, 4 thầy cô xuất hiện trong minh họa của Dan chia sẻ những tâm tư của mình và hứa sẽ hoàn thiện bản thân. Cô Trang, người được cho là sáng lập trung tâm, còn bật khóc khi nói lời xin lỗi.
Dan cho biết anh chọn các đoạn trích cho video của mình với độ sai khác nhau trong phát âm. |
'Tôi làm video vì trách nhiệm'
Bên cạnh các góp ý chân thành, thầy giáo Mỹ cũng nhận được nhiều phản hồi mang tính quá khích. Họ cho rằng Dan đang cạnh tranh không lành mạnh.
Đáp trả những cáo buộc này, Dan cho hay anh chưa bao giờ nghĩ mình cạnh tranh với bất cứ kênh nào trên YouTube, ví dụ như Elight. Người đàn ông này cho biết tổng thời lượng video trong một tháng của mỗi kênh không đến một tiếng. Vì vậy, mọi người có thể xem tất cả.
Bên cạnh đó, anh có nhiều cách để thu hút học viên song không đủ khả năng để dạy một số lượng quá lớn. Do đó, Dan không cần lấy hết học viên của trung tâm.
Nói về nội dung video, thầy giáo Mỹ thông tin: "Tôi không nhấn mạnh vào lỗi sai mà chỉ hỏi bố mẹ xem họ nghe có hiểu hay không. Một số đoạn họ nghe rõ, một số thì không".
Người đàn ông này cho rằng nghe - hiểu là một bài kiểm tra công bằng và đơn giản về cách phát âm của một ai đó. Nếu trượt, điều này không có nghĩa họ ngu ngốc mà chỉ đơn giản là đã thất bại trong việc học tiếng Anh.
"Nhiều người cho rằng mục đích chính của tôi khi làm video này là để kiếm tiền nhưng không phải", Dan nói.
Anh tiết lộ các khoản thu qua YouTube, Patreon và làm quảng cáo. Song, Dan nhấn mạnh: "Nếu video này của tôi không đáng một đồng, tôi vẫn sẽ làm".
Các giáo viên của trung tâm Elight đã lên tiếng xin lỗi học viên và hứa sẽ hoàn thiện bản thân. |
Anh giải thích mục đích cuối cùng của việc học tiếng là khiến người nghe có thể hiểu điều mình muốn nói. Nếu không giao tiếp, nhiều người sẽ luôn nghĩ tiếng Anh của mình rất tốt nhưng thực tế, họ nói không ai hiểu.
Hơn nữa, anh cho rằng các trung tâm và giáo viên cần có trách nhiệm đối với những lỗi sai của họ và sửa chúng.
"Giáo viên có một vị trí quan trọng. Họ có thể dạy học viên những điều hay nhưng cũng có thể ngược lại. Do đó, đối với tôi, làm video này không phải vì tiền mà vì trách nhiệm. Bạn không thể coi mình là một giáo viên tiếng Anh nếu không cẩn thận với những thứ đã dạy", Dan nêu quan điểm.
Thầy giáo Mỹ cho hay anh không hy vọng video của mình sẽ khiến học viên nghĩ rằng họ không nên học tiếng Anh cùng giáo viên người Việt. Anh mong họ không quá dựa vào giáo viên, học tiếng Anh với tâm thế chủ động tìm hiểu, tích cực so sánh để đưa ra những kết luận đúng đắn.
Dan Hauer, còn gọi là Daniel Hauer, là giáo viên dạy tiếng Anh người Mỹ. Anh sinh năm 1986, nổi tiếng nhờ khả năng phát âm và nói tiếng Việt khá chuẩn. Bên cạnh đó, thầy Dan còn thu hút giới trẻ bởi những video dạy học tiếng Anh hài hước, đầu tư công phu.
Dan đến sống tại Việt Nam từ năm 2013. Anh gây chú ý với những video hài hước thu hút hàng triệu lượt xem như “5 Điều ở Việt Nam mình không hiểu nổi”, “Năm đầu tiên ở Việt Nam mình không thể hiểu”, “Bình thường ở Việt Nam, kỳ lạ ở nước ngoài”, “18 từ bạn Việt nào cũng phát âm sai”.