Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung thu: Xin một vé về tuổi thơ!

Trung thu, nhà tôi chẳng có đèn ông sao nữa… Kể từ ngày chúng tôi xa quê, đi theo tiếng gọi của ước mơ. Kể từ ngày bố tôi ra đi, bỏ lại mẹ lẻ loi giữa mênh mông cuộc đời.

Hà Nội vào thu với những cơn mưa buồn, ảm đạm. Cái không khí ấy dễ khiến người ta gai người rơi vào hoài niệm. Nhất là khi phố phường đã ngập tràn đèn lồng và bánh trung thu.

Ai đó đã nói rằng “có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là gia đình”. Vì vậy, khi mùa Trung thu đến - tết của tình thân đang về thì những đứa con xa quê quanh năm bộn bề với “cơm, áo, gạo tiền” như chúng tôi lại có dịp để thổn thức bồi hồi và nghĩ về gia đình.

Ngày tôi còn nhỏ, chưa biết tính ngày tháng, chỉ biết Trung thu sắp về khi khí trời se se lạnh, nắng vàng hơn và ngoài đường lác đác các chú đẩy xe đạp bán đèn ông sao.

Ở miền Trung quê tôi, lễ rước đèn trung thu thường được tổ chức vào đêm 14 âm lịch. Tôi vẫn nhớ như in tiếng xe đạp của mẹ rải đều trên lớp sỏi đầu ngõ. Mẹ cười rất tươi, trên giỏ xe là 2 chiếc đèn ông sao cho 2 chị em tôi. Với đám trẻ nghèo quê tôi thì việc được bố mẹ mua cho cây đèn ông sao cũng là cả niềm vui lớn trong đêm Trung thu.

Không biết tự bao giờ, hình ảnh những chiếc đèn ông sao xanh xanh, đỏ đỏ được làm bằng những thứ vật liệu bình dị của làng quê lại gắn kết chặt chẽ với tuổi thơ chúng tôi đến thế.

Trong khi mẹ rộn ràng vào bếp chuẩn bị bữa tối thì bố nhiệt tình giúp hai chị em gắn cây nến nhỏ vào đèn. Bố bảo, khâu này ất quan trọng, bởi chỉ cần lệch mộ chút, lúc đốt lên, lửa sẽ bén vào đèn.

Hot girl ảnh thẻ và thành viên nhóm BB&BG cùng đón trung thu

Lần đầu gặp mặt, thực hiện chung bộ ảnh trung thu, cặp đôi hot girl tỏ ra khá ăn ý. Lan Hương - Phương Tâm cho biết, họ mong muốn trở thành bạn thân trong tương lai.

Cũng có năm, bố “chơi sang” cho chị em tôi bằng cách thay nến bằng một bóng đèn pin bé bằng đầu ngón tay, gắn với một cục pin tiểu. Khỏi phải nói năm đó chúng tôi "oách" như thế trong mắt đám trẻ cùng xóm.

Tầm 5h chiều, tiếng trống từ ủy ban xã vang lên tùng tùng khiến cả xóm nhốn nháo hẳn lên. 7h tối, chúng tôi bắt đầu tập trung đông đủ ở khoảng sân rộng trong ủy ban xã. Mọi người cùng thi hát múa. Phần thưởng là dăm ba cái kẹo chiếc bánh. Ai hát nhiều thì được hẳn cây bút hoặc cuốn vở mỏng.

Đúng 8h, tiếng trống bắt đầu dồn dập hơn, mọi người hò nhau xếp thành 2 hàng dọc, chỉnh đốn lại đèn lồng để bắt đầu “hành quân”.

Đêm trung thu nghèo ở quê tôi không có múa lân, không đốt pháo rộn ràng. Chỉ có tiếng trống dẫn đầu đoàn trẻ con và ánh đèn ông sao nhấp nháy soi sáng cả không gian yên tĩnh của màn đêm. Cả đoàn rước đèn đi qua những con đường mà hàng ngày tôi vẫn đến trường, qua cả những con đường tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Các bố mẹ đứng hai bên vẫy tay cổ vũ. Bỗng dưng, tôi cảm thấy lũ chúng tôi đang làm một việc gì đó rất thiêng liêng và đáng tự hào.

Hồi đó, tôi cũng không hiểu cả lũ rồng rắn kéo nhau đi qua khắp làng trên xóm dưới để làm gì. Chỉ biết rằng đứa nào cũng hào hứng và rất ý thức việc phải đi thẳng hàng, không chen lấn, xô đẩy nhau. Vừa đi, vừa phải giữ tay thăng bằng để đèn không bị nghiêng. Cũng có đứa mải nói chuyện khiến đèn bị cháy. Thế là òa khóc nức nở.

Khoảng 10h đêm, đoàn rước đèn quay trở về ủy ban xã. Cả đoàn chia tay nhau, ai về nhà nấy, đặc biệt, đứa nào vẫn còn giữ được nguyên đèn thì rất đỗi tự hào.

Sáng hôm sau, tiếng trống lại đánh dồn trong ủy ban, nhắc chúng tôi vào nhận quà. Mỗi đứa được phát một cái bánh nướng và một cái bánh chưng bằng nắm tay. Chị em tôi thuộc diện học sinh giỏi nên được thêm 2 cuốn sổ rất to mang về. Ăn hết bánh là hết trung thu. Nhưng với đám trẻ con chúng tôi, đôi khi Trung thu còn vui hơn cả Tết.

Những kỷ niệm tuổi thơ ấy cứ hiện lên trong nỗi nhớ da diết. Nhớ nhà, nhớ tất cả những gì thân quen, giản dị của một vùng quê nghèo. Sau này, khi đã được ăn rất nhiều loại bánh trung thu với giá tiền trăm, có cái tiền triệu nhưng tôi vẫn không sao quên được mùi vị những chiếc bánh trung thu của tuổi thơ. Đèn trung thu ngày nay cũng phong phú với những kiểu dáng bắt mắt hơn nhưng tôi vẫn xúc động mỗi lần nhìn thấy những chiếc đèn ông sao đỏ đỏ xanh xanh.

Đã bao nhiêu năm, chị em tôi không được đón trung thu ở quê nhà. 
Bố tôi cũng đã mất hơn một năm nay. Nhưng dáng bố ngồi cặm cụi gắn đèn ông sao cho chị em tôi vào mỗi dịp trung thu dường như vẫn còn nguyên trong tâm trí những người ở lại.

Vừa mới hôm qua, mẹ gọi điện hỏi: “Rằm Trung thu có đưa cháu về chơi không?”. Lòng tôi cứ nghẹn lại. Trung thu năm nay, ở quê nhà chỉ còn mình mẹ. Nếu tôi không đưa cháu về chơi với bà, hẳn nhà tôi cũng sẽ không có đèn ông sao, mẹ tôi sẽ ăn cơm và đi ngủ sớm. Sáng hôm sau cũng sẽ chẳng có ai theo tiếng trống giục vào ủy ban nhận bánh trung thu. Nhà tôi, từ lâu đã vắng vẻ như thế. Kể từ ngày chúng tôi xa quê, đi theo tiếng gọi của những ước mơ. Kể từ ngày bố tôi bình yên bước đến một thế giới khác, bỏ lại mẹ lẻ loi giữa mênh mông cuộc đời.

Quê hương đó mà sao xa vời vợi. Dẫu đã nhiều lần tự hứa sẽ đưa con về quê đón một trung thu nơi tuổi thơ êm đềm của mẹ nó đã đi qua, nhưng tôi vẫn chưa làm được. Cuộc sống khắc nghiệt cứ xô đẩy khiến con người ta mải miết với những lo toan, để rồi, chiều nay, khi mưa thu trắng trời, mới thấy khắc khoải như thể mình đã đánh rơi rất nhiều điều quý giá.

Có lẽ, tôi đã biết mình phải làm gì. Trung thu này tôi sẽ xin cơ quan nghỉ vài ngày để đưa con về quê. Dẫu Trung thu ở quê có thể không còn như xưa nữa. Dẫu bố cũng chẳng còn để giúp tôi gắn bóng đèn lên chiếc đèn ông sao…

Cho mùa trung thu thêm rộn ràng

Nhiều câu lạc bộ, đội - nhóm bạn trẻ, sinh viên đã tổ chức đa dạng hoạt động để chuẩn bị cho các chương trình “phá cỗ trăng rằm” cho trẻ em vùng sâu, vùng xa trong những ngày qua.

http://www.tamguong.vn/sac-mau/705924/Trung-thu-Xin-mot-ve-ve-tuoi-tho-tgv.html

Theo Nhã Khanh/Tấm Gương/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm