Tôi là Nguyễn Văn Hoàn (28 tuổi) sống tại thị trấn Tứ Kỳ (cách TP Chí Linh 45 km). Tôi là cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Hải Dương. Chiều 27/1, chúng tôi có cuộc họp gấp về tình hình dịch Covid-19. Cơ quan tôi lập ra danh sách 5 cán bộ tăng cường vào tâm dịch Chí Linh để hỗ trợ. Tôi nhanh chóng ghi tên mình. |
Tôi vội vàng về nhà thu dọn đồ đạc. Lúc ấy, vợ đang đi làm, con trai thì đi học. Không kịp chào, tôi chỉ nhắn trước một tin để vợ an tâm. Tôi cũng không quên trấn an cô ấy: "Dập dịch xong, anh lại về với em và con". |
Các chốt kiểm tra hoạt động 24/24 nên chúng tôi chia làm 3 ca, thay phiên nhau trực. Lịch làm việc của tôi hôm nay là từ 14h-22h. 13h30, tôi có mặt để giao ca và chuẩn bị đồ bảo hộ. |
Chốt kiểm dịch tôi trực nằm trên quốc lộ 18, đoạn giao nhau giữa Chí Linh (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh), chỉ cách nhau một cây cầu ở giữa. Đây là điểm chốt quan trọng giữa hai vùng dịch nên nhóm có 7 cán bộ ngành y tế, công an cùng làm việc. |
Những ngày đầu dịch bùng phát, nhiều người dân chưa nắm được thông tin nên bị kẹt lại. Người đàn ông này làm việc trong rừng, quê gốc của ông ở Quảng Ninh nhưng giờ đóng chốt, không thể về nhà. Tôi chỉ còn cách khuyên ông ta quay lại nơi làm việc, ở tạm tại đó cho đến khi tình hình ổn hơn. |
Người phụ nữ này tỏ ra bối rối vì ruộng cà chua đã đến kỳ thu hoạch mà không thể mang đi bán. Với các mặt hàng thiết yếu và nông sản, chúng tôi yêu cầu người dân để hàng tại hàng rào chắn, sau khi được phun khử trùng, tỉnh Quảng Ninh sẽ cho người ra nhận. Hai bên tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp. |
Đây là đồ dùng cá nhân từ Đông Triều nhờ gửi cho người nhà đang phải cách ly tại TP Chí Linh. Vậy là anh em trực chốt chúng tôi lại trở thành “shipper” đúng nghĩa. |
16h, một loạt xe chở sản phụ từ phía Quảng Ninh đi sang. Các sản phụ này đều là người Chí Linh, qua đó sinh con hoặc cho con đi điều trị. Trước khi xuất viện, họ đều phải làm xét nghiệm Covid-19, chờ có xác nhận âm tính mới được trở về địa phương. |
Sau khi kiểm tra thân nhiệt, các sản phụ sẽ vào làm thủ tục khai báo y tế. |
Chúng tôi ưu tiên giải quyết các trường hợp gấp như này vì có trẻ nhỏ, để tránh tiếp xúc nguy hiểm đến sức khỏe các bé. |
Tôi rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau khi vận chuyển đồ đạc giúp họ. |
Những trường hợp đặc biệt cho phép lưu thông đều phải xuất trình: chứng minh thư, giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính, cung cấp số điện thoại để cơ quan chức năng kịp thời liên lạc. |
18h, chúng tôi nhận được phần cơm tối từ bếp ăn dã chiến. Hôm nay chốt trực được người dân tặng thêm một con gà luộc. Từ nơi khác đến nhưng thỉnh thoảng anh em lại được người dân địa phương mang đồ tiếp tế gồm gà, hoa quả, bánh mì… có khi là rau củ, cà chua. |
Những ngày dịch bệnh, chỉ khi có việc người dân mới ra ngoài nên 19h, đường phố đã vắng hoe. |
Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, tôi gọi điện cho con trai. “Khi nào thì bố về ăn tất niên?” Câu hỏi của con làm tôi nghẹn lại rồi đáp: “Bố đi chống dịch mà Bom. Hết dịch bố sẽ về. Bom ngoan ở nhà không phá mẹ nhé. Bố về rồi sẽ bế Bom đi mua đồ chơi”. |
21h30, tôi chuẩn bị kết thúc ca trực. |
Thay đồng phục an ninh ra, tôi chuẩn bị về nơi nghỉ. Để cẩn thận, tôi đi vòng quanh kiểm tra tình hình lần cuối. Lúc đó, chợt có tiếng xe cấp cứu từ phía bên kia cầu. Đây là xe chở bệnh nhân vừa có kết quả dương tính sang bệnh viện dã chiến. Tôi yêu cầu dừng xe rồi gọi cán bộ chốt kiểm soát phun khử trùng và làm thủ tục cho xe qua. |
Tôi kết thúc công việc của mình và đi về nơi nghỉ. Từ ký túc xá Đại học Sao Đỏ tới chốt làm việc cách nhau 15 km, để thuận tiện đi lại, tôi mượn xe của một đồng nghiệp trong đơn vị. |
Về phòng, điện vẫn còn bật sáng. Anh em vẫn thức chờ tôi về. Phòng có 4 người, đều là các anh em làm cùng cơ quan được tăng cường xuống Chí Linh. Chúng tôi lại hỏi han nhau, vui vẻ kể về những chuyện “dở khóc dở cười” trong ngày làm việc của mình. |
Ngả lưng xuống giường sau ngày dài làm việc, tôi mở điện thoại để cập nhật một số thông tin về tình hình dịch bệnh. |
Phía bên ngoài, khu ký túc xá vẫn sáng đèn. Những ca làm việc của chúng tôi nối tiếp nhau, đảm bảo trực chốt 24/24h. Vậy là khi tôi về nghỉ ngơi, sẽ có những chiến sĩ khác bắt đầu làm việc. Dù có vất vả, tinh thần chúng tôi vẫn luôn ở mức cao độ bởi “chống dịch như chống giặc”. Khi dịch tan, người dân được yên tâm vui vẻ cũng sẽ là lúc chúng tôi được trở về với gia đình. |