Bỏ ước mơ để theo đường binh nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại quê Bác (Nam Đàn, Nghệ An) trong một gia đình thuần nông, gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm nuôi con ăn học. Tốt nghiệp THPT, anh trai Phương vì thương bố mẹ nên quyết định đi làm công nhân. Nhưng vài năm sau, khi Phương chuẩn bị thi đại học, cũng là ngày anh trai tuyên bố sẽ cùng thi đại học với em.
Ngọc Trang trong buổi nhận bằng. |
Ngày đó, Phương mơ ước được thi vào Đại học Ngoại thương, nhưng nếu trường hợp cả hai anh em cùng thi đỗ thì gánh nặng đặt lên vai gia đình quá lớn. Âm thầm từ bỏ ước mơ ấy, Phương đăng ký thi và đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Sau 6 năm miệt mài rèn luyện, những ngày hành quân gian khổ, những buổi tập ném lựu đạn thật, rồi cả những đêm báo động mang vác đồ,…khiến những cô gái yếu ớt như Phương phải gồng mình lên để thích nghi, Phương cho rằng phải có quyết tâm mới có thể thành công. Đó cũng chính là kinh nghiệm học tập ngắn gọn nhưng thiết thực của Phương.
Và sau thời gian 6 năm ấy, mỗi ngày trôi qua, Phương càng yêu con đường binh nghiệp mà mình đã chọn. Liên tục với những học bổng, giải cao trong các cuộc thi, cô đã trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Học viện.
Giây phút xúc động nhất trong cuộc đời, đó là khi bố mẹ lần đầu tiên được đặt chân lên Hà Nội, lần đầu tiên mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thoát khỏi hình ảnh lam lũ thường ngày để chứng kiến con gái nhận bằng. Đứng trên bục cao, nhìn bố mẹ đang ngồi phía dưới lau nước mắt, tay bố nắm chặt tay mẹ, có lẽ không bao giờ Phương quên được phút giây ấy. Đó cũng là động lực để cô tiếp tục phấn đấu sau này.
Dấu ấn tuổi 20
Khi các thầy đọc những danh hiệu, giải thưởng của Phương, từng thước phim quay chậm trong đầu như chính kỉ niệm “gian khổ” suốt 6 năm đang ùa về.
Phương còn nhớ mãi những ngày đầu đặt chân vào Học viện, các học viên được gửi lên Học viện Sĩ quan lục quân I để rèn luyện, còn chưa quen với cảm giác xa nhà, đã phải học tập theo khuôn khổ nghiêm ngặt của quân đội, Phương đã bao lần nản chí.
Làm sao quên được lần đầu tiên học bắn súng, tiếng đạn bay xa khi bóp cò khiến cô buông súng, bật khóc. Rồi những buổi hành quân nắng cháy da thịt khiến cánh mày râu còn “phát khiếp”, và những đêm báo động mang vác đồ nặng “ai cũng như ai”… Nhưng được sự động viên của cán bộ chỉ huy cấp trên, nghĩ đến gia đình, cô lại tiếp tục phấn đấu để rồi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học.
Đặc biệt hơn, khi vừa bước sang tuổi 20, cũng là thời gian vinh dự nhất trong cuộc đời, Phương được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chính môi trường quân đội cũng đã cho cô gái trẻ nhiều cơ hội học tập, được gắn bó với đồng chí đồng đội trong nhiều năm, mà nhờ đó, tình bạn khăng khít hơn.
Tri ân những người thầy
Hỏi nhỏ Trung úy Phương: Để có được ngày hôm nay, em muốn nhắc đến ai?
Cô gái trẻ chân thành: Ngoài gia đình, em muốn gửi lời cảm ơn tới hai người thầy mà em yêu quý, kính trọng nhất.
Đó là thầy Phùng Văn Như (bộ môn Kinh tế Chính trị) và thầy Phan Nhật Giang (bộ môn Tác chiến Điện tử). Chính các thầy đã cho em những bài học trên trường đời, đã truyền lửa cho em để em có được như ngày hôm nay. Em sẽ tiếp tục cố gắng để không phụ lòng gia đình và các thầy.
Sau khi tốt nghiệp, Phương được giữ lại trường làm giảng viên của bộ môn Tác chiến điện tử (Khoa Vô tuyến điện tử). Do đặc thù quân đội, sau khi tốt nghiệp, Phương đảm nhiệm chức vụ Phó Đại đội trưởng quản lý học viên. Sau một năm rèn luyện mới xét chuyển công tác lên khoa.
Thời gian này, ngoài rèn luyện tác phong quản lý, Phương còn tham gia học tiếng Anh và trợ giảng môn học. Từ một học viên trở thành một sĩ quan là cả bước ngoặt lớn, một sự biến đổi lớn đối với cô gái trẻ.
Tuy vậy, Phương vẫn ước ao được đi học cao học ở nước ngoài. Ngoài việc lĩnh hội kiến thức chuyên ngành, đó cũng là cơ hội tiếp thu các nền văn hóa ở các nước bạn. Cô gái trẻ hy vọng sau này ngoài việc được đứng lớp giảng bài, còn có thể đi theo đam mê của mình là làm nghiên cứu khoa học.