Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghị lực phi thường của chàng thủ khoa khối C

Để có tiền theo đuổi ước mơ giảng đường đại học, ngay từ khi học cấp 3, vào những ngày cuối tuần, Long lại rời phố về quê đi lột hạt điều thuê.

Cuộc sống khó khăn là thế nhưng chàng thủ khoa trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP HCM đã vượt lên hoàn cảnh với tổng số điểm 3 môn khối C là 27,75 điểm.

'26,5 điểm nhưng không được đến trường, xin hãy giúp em'

Sáng 31/8, tại khu vực cạnh chợ Mũi Né (Bình Thuận), nhiều người khá bất ngờ khi thấy một thanh niên ôm trước ngực tấm bảng thể hiện mong muốn học đại học.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Lần theo địa chỉ được Ban Giám hiệu Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV TP HCM) cung cấp, khó khăn lắm chúng tôi tìm về căn nhà của chàng tân sinh viên báo chí Ngô Thành Long. Căn nhà nhỏ của Ngô Thành Long nằm núp mình trong một con hẻm nhỏ của phường Phước Bình, TX Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Long và bạn học.

Khi chúng tôi hỏi thăm nhà Long, những người hàng xóm ai cũng phấn khởi, tự hào khi biết cậu học trò nghèo của khu phố mình vừa đậu thủ khoa một trường đại học danh tiếng. Hàng xóm kể, Long đậu đại học là mừng nhưng cũng lo vì gia đình em còn lắm vất vả. Ở quê nghèo này, gia đình Long thuộc diện khó khăn nhất. Hiện cha mẹ Long vẫn chưa thể xây nhà vì nuôi các con ăn học đã mướt mồ hôi, làm gì có tiền dành dụm để làm nhà. Để lo cho Long được đến trường như bạn bè, cha mẹ Long phải vắt kiệt sức lao động, một nắng hai sương.

Cha Long làm công nhân xưởng sản xuất và chế biến hạt điều tại địa phương. Công việc đòi hỏi suốt ngày phải tiếp xúc với tiếng ồn, bụi bặm và chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng đồng lương thì eo hẹp. Trong khi đó, mẹ Long lại mang trong mình căn bệnh thần kinh tọa, cơ thể gầy còm, bác sĩ khuyên không làm được việc nặng và phải chịu khó thuốc thang. Thế nhưng vì gia đình, vì con, mẹ Long ngày ngày vẫn phải lết đi lau nhà thuê cho người khác với khoản thu nhập khá bọt bèo.

Hiểu được hoàn cảnh gia đình còn lắm cơ cực nên cứ đến 2 ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ, Long lại sắp xếp chuyện trường lớp về quê, đến xưởng hạt điều nơi cha đang làm công nhân để lột hạt điều làm thêm kiếm tiền phụ cha mẹ đóng tiền trường. Thời gian dành cho việc học không nhiều như bạn bè cùng trang lứa nhưng Long vẫn luôn đứng trong top đầu những học sinh tiêu biểu về thành thích học tập, luôn được bạn bè khâm phục.

Long tâm sự rằng: “Khi nhìn cha mẹ vất vả, cơ cực nên em không yên lòng. Ngoài thời gian đi học, nếu có thể làm gì đỡ đần cho cha mẹ em đều cố gắng. Cứ thế, cuối tuần hay ngày nghỉ, dù có bận bịu bao nhiêu em vẫn tranh thủ về quê giúp cha lột hạt điều, kiếm được đồng nào đỡ đồng ấy. Bản thân em hiểu phải cố gắng học tập thật gỏi, mong sao đem lại niềm vui, động lực cho cha mẹ mỗi ngày làm việc”.

Hoàn cảnh gia đình nghèo nhưng Long vẫn luôn là học sinh giỏi suốt 12 năm học phổ thông. 

Theo nghề báo để sau này đem ngòi bút giúp người nghèo

Thi đại học với số điểm cao nhất ĐH KHXH & NV TP HCM nhưng khi hỏi về thành tích học tập, về bản thân, về con đường phía trước thì Long khá từ tốn khi chia sẻ. Với thành tích 12 năm là học sinh giỏi và từng giành nhiều thành tích cao trong các lần thi học sinh giỏi văn học, chuyện Long đạt thủ khoa đối với thầy cô và bạn bè không còn gì là lạ. Tuy nhiên, Long chỉ mỉm cười khi được hỏi về thành tích và bí quyết trở thành thủ khoa đại học.

Long nở nụ cười hiền rồi bộc bạch rằng: “Việc em đậu thủ khoa một phần là do em may mắn, vì thực tế có nhiều bạn học giỏi hơn em rất nhiều. Thi xong em không nghĩ mình sẽ đạt được điểm cao như vậy. Em cảm ơn thầy cô, cha mẹ luôn đồng hành và tạo niềm tin cho em”. 

Đồng thời, Long xem kết quả ấy như là bước khởi đầu cho những chặng đường tiếp theo còn lắm gập ghềnh để tiếp tục vươn đến thực hiện ước mơ chinh phục con đường gian khó của 4 năm học đại học phía trước.

Về bí quyết đạt kết quả cao kỳ thi đại học vừa qua, Long khiêm tốn cho biết: “Muốn thi đậu điểm cao, thí sinh phải biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học, không mang tính giáo khoa, khuôn mẫu định hình sẵn. Muốn làm bài thi tốt thì trước đó khi đi học ở trường phải lắng nghe và chú ý nghe thầy cô giảng để cốt nắm được kiến thức nền vững chắc. Tối về , dành thời gian hệ thống lại kiến thức đã học trên trường và sau đó đọc thêm sách tham khảo, báo chí, xem thời sự,… để hiểu sâu rộng hơn vấn đề đã được học”.

Long còn nói thêm: “Với những môn Văn - Sử - Địa của khối C, sự siêng năng, cần cù là chưa đủ để có thể dung nạp lượng kiến thức khổng lồ từ sách vở. Bởi vậy, bản thân phải có phương pháp hợp lí. Em phải tự lập sơ đồ tư duy, cố gắng xâu chuỗi lại với nhau, số liệu được mã hóa thành ngày, thành năm sinh của bạn bè, gia đình và người thân thiết cho dễ nhớ hơn. 

Song song với đó, cần phải dành thời gian đọc thêm sách báo, xem thời sự, tham gia các hoạt động ngoại khóa mang tính kết nối cộng đồng; đồng thời không nên ép bản thân phải nhồi nhét kiến thức, phải coi việc học như là một sân chơi, một đam mê, một sở thích mà phải cố gắng hết sức để chinh phục”.

Về lý do đăng ký học ngành Báo chí, Long tự bạch rằng: “Em muốn học nghề báo để có thể phát huy năng lực bản thân, đi đâu đấy để khám phá cuộc sống xung quanh mình; đồng thời ước mơ sau này sẽ có cơ hội viết được nhiều bài báo hay vừa để vạch trần những mảng tối của xã hội, vừa để mọi người chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống này”.

Tuy nhà nghèo nhưng ở Long vẫn luôn ánh lên niềm tin, niềm lạc quan về ngày mai. Long luôn cảm thấy may mắn khi được sinh ra trong một gia đình tràn ngập yêu thương, có người cha, người mẹ tuyệt vời. Long cảm ơn đời đã cho mình sinh ra trong đời. “Sống và cống hiến” - đó là nỗi khát khao và tâm niệm sống của Long.

Những cha mẹ phụ hồ, cửu vạn có con học giỏi

Họ là những người cha người mẹ nghèo khó, học hành không đến đâu, nhưng họ sẵn sàng ăn cơm nắm, ở ống cống, bơm xe hay làm cửu vạn để có tiền nuôi con ăn học nên người.

http://baophapluat.vn/giao-duc/nghi-luc-phi-thuong-cua-chang-thu-khoa-khoi-c-228701.html

Theo Nhuận Phẩm/Pháp Luật Việt Nam

Bạn có thể quan tâm