Trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Theo quan niệm của y học cổ truyền món trứng vịt lộn ăn cùng rau răm và gừng tươi là một bài thuốc, dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý…
Nếu lạm dụng món ăn này và sử dụng không đúng cách thì rất có hại cho sức khỏe. Nhiều người chỉ hiểu đơn giản, ăn nhiều trứng vịt lộn không tốt nhưng cụ thể có hại thế nào thì lại không phải ai cũng biết.
Trong chương trình Ngon và Lành (VTC14), bác sĩ Nguyễn Phương Anh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, cho hay: "Một quả trứng vịt lộn cung cấp khoảng 100 kcal, 7,3 g chất đạm, 6,7 g chất béo và rất giàu vitamin A. Người Việt Nam có thói quen kết hợp trứng vịt lộn cùng mè và đậu phộng. Tuy nhiên đây là cách kết hợp không khoa học, dẫn đến dư thừa vitamin A. Lượng vitamin A dư thừa sẽ tích tụ dưới da, gan và làm vàng da, bong tróc da, ảnh hưởng xấu đến việc hình thành xương".
Ngoài ra, trứng vịt lộn có tính lạnh, mát, người tỳ vị hư ăn vào dễ gây đầy trệ, khó tiêu. Người bị u, nhọt độc ăn vào dễ đùn thịt thừa, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ăn nhiều món này mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, không tốt cho người có bệnh gút.
Mặt khác, trứng vịt lộn kéo theo ăn nhiều rau răm, làm giảm khả năng tình dục ở nam giới. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rau răm chứa một số tinh dầu và vài chất ức chế dục tính. Phụ nữ trong chu kỳ "đèn đỏ" ăn nhiều rau răm sống dễ bị rong huyết. Phụ nữ đang mang thai cũng không nên ăn nhiều rau răm vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.