Học sinh được yêu cầu đứng ăn trưa tại căng tin, tách tiêng khu vực nam và nữ. Ảnh: SCMP. |
Sự việc xảy ra tại một trường THPT ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Theo clip đăng tải trên TikTok, canteen của trường được trang bị những dãy bàn nhưng không có ghế, buộc học sinh phải đứng gập người khi ăn.
Người đăng tải clip là nhân viên họ Li, hiện theo học tại Đại học Đông Hoa Thượng Hải (Trung Quốc). Li đến trường THPT để tư vấn tuyển sinh đại học.
Ngoài việc yêu cầu học sinh đứng ăn trưa, hình ảnh trong clip còn cho thấy sự tách biệt giữa nam và nữ trong canteen. Theo lời Li, điều này nhằm ngăn chặn việc nảy sinh tình cảm ở lứa tuổi vị thành niên.
Trường học sau đó đã lên tiếng, cho biết ban đầu, căng tin có ghế nhưng sau đó họ quyết định loại bỏ vì lợi ích của học sinh. Ban giám hiệu nhà trường giải thích trước đây, ghế đã khiến học sinh bị vấp ngã nhiều lần, vì vậy, việc đứng ăn sẽ an toàn hơn.
Nhà trường nói thêm học sinh cần phải duỗi chân và di chuyển xung quanh sau khi ngồi quá lâu trong lớp. Tuy nhiên, lý do này của nhà trường không được nhiều người chấp nhận. Đa số ý kiến cho rằng quy định bắt học sinh đứng ăn là hà khắc và không cần thiết.
Ở phần chú thích, Li so sánh trường học này tương tự trường Trung học Hengshui. Trường Hengshui là một trường trung học đào tạo theo phong cách quân đội ở Trung Quốc, nổi tiếng với các quy tắc và điều lệ nghiêm ngặt, đặt mục tiêu chính là đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Bất chấp những lời chỉ trích, kỷ luật nghiêm khắc của trường Hengshui đã đem đến những kết quả tích cực. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu Trung Quốc tương đối cao. Nhiều trường khác bắt đầu học theo mô hình này.
"Tôi có thể gọi đây là phiên bản hơi cải tiến của trường Hengshui", Li viết.
Sau khi clip xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích về quyết định bỏ ghế của nhà trường.
"Ban giám hiệu nói quyết định của họ vì lợi ích của học sinh, nhưng họ không quan tâm đến cảm xúc thực sự của các em", một người bình luận.
"Đây là trường học hay nhà tù?", một người khác đặt câu hỏi.
Ngược lại, một số người lại cho rằng đây là một thực tế phổ biến ở Trung Quốc.
"Trường trung học của tôi cũng dỡ bỏ ghế trong căng tin. Giáo viên bảo chúng tôi ăn nhanh hơn để có thể quay lại học sớm hơn. Nếu có ghế, mọi người sẽ ngồi lê la tán gẫu, khiến quá trình ăn uống chậm lại", một người đến từ tỉnh Hà Nam chia sẻ.
Tháng 11/2023, một trường trung học khác ở Hà Bắc (Trung Quốc) cũng bị phụ huynh chỉ trích vì ép học sinh đứng ăn. Tuy nhiên, cả nhà trường và sở giáo dục địa phương đều khẳng định các học sinh này tự nguyện đứng ăn vì "yêu thích học tập", theo Dawan News.
Trong những năm gần đây, tỉnh Hà Nam luôn có số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học cao nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ trúng tuyển đại học của tỉnh lại nằm trong nhóm thấp nhất cả nước.
Năm 2024, tỉnh này có khoảng 1,3 triệu học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học vào năm, cao gấp 20 lần số học sinh dự thi ở Bắc Kinh.
Điều này cho thấy một nghịch lý của nền giáo dục Trung Quốc, khi áp lực thi cử khổng lồ tạo ra những phương pháp giáo dục khắc nghiệt, gây ra nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và nhân văn.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.