Trước tình hình virus corona lây lan, Phòng Y tế ĐH California ở Berkeley (Mỹ) đăng trên Instagram đồ họa ghi những phản ứng trước dịch bệnh.
Theo đó, lo lắng, bất lực, rút khỏi xã hội hay tức giận đều là phản ứng “phổ biến” và “bình thường”.
Cuối cùng, trường còn bổ sung: “Bài ngoại: Nỗi sợ hãi khi tương tác với người có thể đến từ châu Á hoặc cảm thấy tội lỗi về cảm xúc này”. Bài đăng với những ngôn từ như vậy khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Bài đăng củaUC Berkeley bị chỉ trích gay gắt. Sau đó, trường xóa bài và xin lỗi. |
Theo CNN, bài đăng tạo nên phản ứng dữ dội, lan rộng trong cộng đồng mạng.
“Tôi thấy bối rối và tức giận trước đồ họa được đăng tải bởi tài khoản Instagram chính thức (của UC Berkeley). Từ khi nào bài ngoại được coi là ‘phản ứng bình thường’ vậy? Bài đăng, theo nghĩa đen, là sự phân biệt chủng tộc, không ổn”, tài khoản Adrienne Shih viết, thu hút hàng nghìn lượt thích.
Hàng chục người khác cũng tỏ thái độ tương tự trên Twitter, đặt câu hỏi về cách UC Berkeley dùng từ.
Sau bài đăng của Adrienne Shih, trường đưa ra lời xin lỗi nhưng không ngăn được cơn giận từ cộng đồng.
“Chúng tôi xin lỗi vì bài đăng gần đây về kiểm soát nỗi lo quanh virus corona. Chúng tôi rất tiếc vì bất kỳ hiểu lầm nào nó gây ra và đã chỉnh sửa ngôn từ được sử dụng trong tài liệu của trường”, đại diện trường viết, đồng thời xóa đồ họa trên Instagram.
Sai lầm xảy ra trong bối cảnh virus corona lan rộng, lây nhiễm hàng nghìn người. Mỹ xác nhận 8 trường hợp nhiễm virus.
Dịch cũng khiến tâm lý bài ngoại ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Gần đây, bài báo với tiêu đề “Mối nguy hiểm màu vàng mới” trên tờ báo tiếng Pháp cũng vấp phải chỉ trích dữ dội vì ý thức hệ cũ nhắm vào người Đông Á ở các nước phương Tây.
Những người gốc Á ở phương Tây bị phân biệt đối xử. Một nhà báo người Anh gốc Trung Quốc cho biết có người đàn ông đã đứng dậy, chuyển sang chỗ khác khi ông ngồi xuống trên xe buýt. Nhiều người khác cũng than phiền về những trò đùa lố trên mạng. Trong khi đó, hơn 30% sinh viên ĐH California ở Berkeley là người gốc Á.