Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Tuy nhiên, điểm mới của kỳ thi được tổ chức lần thứ hai này là có thêm 5 trường bên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả bài thi để tuyển sinh. Đó là Đại học Thủ đô, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Đại học Tài Nguyên Môi trường.
Ông Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Thủ đô cho biết, dù mới chỉ tiến hành một năm, nhưng phương thức đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội khá tiên tiến. Với phương châm thận trọng trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh, trường đã trao đổi với Đại học Quốc gia Hà Nội lấy kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm 2016, bên cạnh xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Như vậy, năm nay, những thí sinh dự thi bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm cơ hội xét tuyển vào 5 trường trên mà chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT. Điều này rõ ràng có lợi cho các em.
Thí sinh ôn tập trước giờ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Lê Hiếu. |
Để chuẩn bị kỹ cho kỳ thi, cũng như sự liên kết tuyển sinh giữa các trường, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi lớn gấp đôi năm 2015. Năm ngoái, giữa đợt thi thứ nhất và đợt thi thứ 2 có độ lệch là 1,7/140 điểm. Rất nhiều thí sinh qua hai đợt thi điểm không thay đổi, chứng tỏ sự cân bằng độ khó của đề tốt.
Lập nhóm giảm ảo, tăng cơ hội cho thí sinh
Lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM cũng vừa cho biết, trường dự kiến tuyển sinh theo nhóm, ban đầu gồm 7 đơn vị thành viên: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ Thông tin, Khoa Y.
Cũng theo dự kiến của trường, nếu đăng ký vào nhóm trường Đại học Quốc gia TP HCM, cơ hội chọn ngành, trường của thí sinh tăng lên. Cụ thể, thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 ngành trong cả 4 trường khác nhau của cùng nhóm Đại học Quốc gia TP HCM. Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký 2 nguyện vọng trong 1 hoặc 2 trường thuộc nhóm này, 2 nguyện vọng ở một trường khác ngoài nhóm.
Theo phương án tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh chủ động chọn trường, ngành mình thích, đẩy “phần khó” sang các trường với tỷ lệ ảo tăng cao. Việc các trường cùng một phân tầng phối hợp tuyển sinh theo nhóm nhằm giảm ảo khi dùng chung phần mềm.
Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, một số trường kỹ thuật khu vực Hà Nội dự kiến sẽ tạo thành nhóm tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. Hiện đã có một số trường lớn dự kiến tham gia như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Giao thông Vận tải... Vị này cho biết, số trường có thể còn tăng thêm.
Mục đích là giảm ảo trong khâu xét tuyển và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Các trường sẽ thống nhất phương án tuyển sinh trong thời gian tới để thông báo đến thí sinh.
Thí sinh cần chú ý
Lập nhóm để tuyển sinh là xu hướng mới của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016. Dù theo lý giải của các trường, việc lập nhóm này để tăng cơ hội cho sĩ tử, nhưng các em cũng cần lưu ý một số vấn đề.
Đối với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh có rất nhiều cơ hội xét tuyển. Tuy nhiên, bài thi này chỉ có giá trị xét tuyển trong các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và 5 trường bên ngoài nêu trên.
Muốn xét vào các trường đại học khác không có đề án tuyển sinh riêng, thí sinh phải tham gia kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Sĩ tử cũng cần đọc kỹ quy định của các trường thuộc nhóm tuyển sinh chung để hiểu rõ và có quyết định phù hợp.