Theo báo cáo, đây là lần thứ 2 các nhà khoa học phát hiện hệ thống quỹ đạo lỗ đen kép siêu khối lượng bên trong một thiên hà. Hiện tượng này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2014, là kết quả nghiên cứu của GS Lưu Phúc Khôn và các cộng sự tại Đại học Bắc Kinh.
Kết quả của nhóm nghiên cứu tại Đại học Sư phạm An Huy. Ảnh: The Papper. |
Thông qua phân tích dữ liệu từ vệ tinh Swift của NASA và vệ tinh XMM-Newton của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nhóm nghiên cứu của GS Thư Tân Văn phát hiện một tia X phát ra từ sự kiện gián đoạn thủy triều.
Đây được xem là bằng chứng cho thấy một cặp lỗ đen siêu khối lượng đã "xé toạc" các ngôi sao trong thiên hà cách Trái Đất khoảng 2,6 tỷ năm ánh sáng, theo The Papper.
Cụ thể, khi một ngôi sao di chuyển gần hố đen siêu khối lượng, nó sẽ bị lực thủy triều hấp dẫn từ hố đen xé toạc và nuốt chửng. Quá trình sẽ giải phóng một vệt sáng có cường độ lớn, trong đó chứa tia cực tím, tia X và sóng radio.
Lực hấp dẫn của lỗ đen còn lại sẽ ngăn "dòng chảy" của các mảnh vỡ không bị xáo trộn. Do đó, lực hấp dẫn này sẽ khiến tia X mờ đi rõ rệt.
Bằng cách phát hiện tia X, các nhà khoa học có thể chứng minh được lỗ đen ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của các vật chất xung quanh.
GS Thư Tân Văn cho biết đây là hiện tượng hiếm gặp. Việc phát hiện và nghiên cứu về hiện tượng này có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, nhằm phân tích cơ chế phát triển của các hố đen siêu khối lượng trong vũ trụ.
Qua đó, con người có thể tìm ra những thay đổi của hiện tượng sóng hấp dẫn trong vũ trụ, đồng thời mang lại giá trị nghiên cứu và hướng đi rõ ràng cho lĩnh vực này.
Ngày 18/11, kết quả của nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications. Đây là tạp chí khoa học quốc tế hàng đầu chuyên về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, bao gồm vật lý, hóa học, khoa học Trái Đất, y học và sinh học.
Ngoài các nhà nghiên cứu của Đại học Sư phạm An Huy, nghiên cứu mới có sự đóng góp của nhà khoa học thuộc Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Đại học Quảng Châu, Đài quan sát thiên văn Thượng Hải, Đại học Trung Sơn và Đại học Bắc Kinh.