Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đã báo cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tình hình phát triển của trường và định hướng trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, trường đã đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giảng viên
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý Đại học Bà Rịa -Vũng Tàu phải chú trọng đến chất lượng đội ngũ giáo viên nhiều hơn nữa. Thực tế hiện nay, một số trường đại học khối dân lập chỉ quan tâm nâng cao cơ sở vật chất dạy và học mà chưa có sự đầu tư thích đáng cho đội ngũ giảng dạy.
Trong khi đó, chính giảng viên mới là những người chuyển tải tri thức, tạo nguồn cảm hứng cho sinh viên. Các thầy, cô góp phần xây dựng thương hiệu cho nhà trường, hướng đến chất lượng trong hệ thống đào tạo.
Các trường đại học phải quan tâm, tạo điều kiện cho giảng viên, trước hết là chế độ lương bổng và môi trường làm việc tốt.
Bộ trưởng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Nhật.
|
Bộ trưởng cho biết hiện nay, đội ngũ giảng viên các trường đại học trên cả nước chưa tới 20% có bằng tiến sĩ. Vì thế, các trường đại học, trong đó có Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút người tài từ nước ngoài về công tác, phục vụ cho trường.
Sự phân biệt giữa đại học công lập và dân lập
Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giao lưu, trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề được giảng viên, sinh viên của trường quan tâm.
TS Hoàng Văn Việt - giảng viên Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu - thẳng thắn đặt câu hỏi về việc có hay không sự phân biệt giữa các trường thuộc khối dân lập và công lập. Thực tế, sinh viên trường công dễ dàng có nhiều học bổng, được tiếp cận những chương trình đào tạo tiên tiến, trong khi ở các trường dân lập, sinh viên rất khó có được những điều này.
Bộ trưởng Nhạ chia sẻ: “Thời gian qua, sự quan tâm của xã hội dành cho đại học dân lập chưa tương xứng với những đóng góp của các trường. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là không hề có sự phân biệt giữa trường công và tư”.
TS Hoàng Văn Việt đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Minh Nhật.
|
Ông Nhạ cho biết thêm sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập nhóm chuyên nghiên cứu, khảo sát để xem xét vấn đề này. Những sự khác biệt, nếu có, sẽ được cải thiện. Bộ GD&ĐT hỗ trợ nhiều hơn cho các trường dân lập, tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị đào tạo.
Vấn đề thất nghiệp của cử nhân cũng là mối quan tâm, lo lắng của nhiều sinh viên Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu. Trả lời việc này, bộ trưởng chỉ ra một số tồn tại khiến sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không xin được việc làm.
Thứ nhất, chính là chương trình đào tạo của các trường đại học. Chương trình đào tạo phải gắn với thực tế, nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của doanh nghiệp. Các trường phải chú trọng đào tạo những kiến thức, kỹ năng cần thiết, phù hợp, không nên chạy theo xu hướng.
Mặc khác, chính sinh viên phải tự có trách nhiệm với cuộc đời mình. Các em cần ý thức được việc chọn nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay, nhiều học sinh thường chọn nghề theo cảm hứng, căn cứ sức học, đua theo phong trào, bằng cấp.
Đồng thời, sinh viên phải năng động, chủ động hơn nữa, tự tạo cho mình cơ hội, tự trang bị những điều cần thiết cho nghề nghiệp của mình, không thể đổ lỗi mãi cho nhà trường và xã hội.
Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp bị bão hòa cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh viên ra trường thất nghiệp. Để khắc phục việc này, bộ trưởng đề xuất các trường phải quan tâm hơn đến việc giáo dục đồng hành, liên kết với các doanh nghiệp.
Kiến thức, trí tuệ, kỹ năng nhưng phải biết yêu thương
Trong buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới thăm trường Quốc tế Học viện Anh quốc.
Giao lưu, trò chuyện cùng học sinh của trường, Bộ trưởng Nhạ đánh giá cao sự chủ động, nhanh nhạy của các em. Bộ trưởng nhấn mạnh trường nên chú trọng đào tạo tốt học sinh về mặt kỹ năng sống, dạy các em biết yêu thương và tự hào về mảnh đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, trường phải lưu ý kết hợp giữa ngoại ngữ và tiếng Việt.