Thực tế tại Bộ Giáo dục & Đào tạo cho thấy việc tinh giản bộ máy, biên chế vẫn còn chậm…
Khe hở trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) cho biết trong hai năm thực hiện đề án tinh giản biên chế, các đơn vị thuộc bộ đã tinh giản 468 công chức, viên chức. Mặc dù đã có sự phân cấp mạnh, việc chồng chéo vẫn còn, chưa phân định hợp lý giữa các bộ, ngành.
Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng thừa nhận tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động trong các đơn vị của bộ này lớn. Ảnh: Tiền Phong. |
Điển hình là việc không thống nhất đầu mối thực hiện trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; thiếu sự đồng nhất trong các quy định về quản lý bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sinh vật biến đổi gen.
Theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, tại địa phương, cấp sở có khoảng 40 đến 50 cán bộ phụ trách tất cả 9 lĩnh vực của ngành tài nguyên môi trường, cấp huyện có 9 người phụ trách 9 lĩnh vực, cấp xã có một người kiêm nhiệm.
Ông Hà cho rằng số đầu việc, chức năng nhiệm vụ được phân không tương xứng với số người làm việc và chế độ tài chính.
Bộ TN&MT đề xuất trong thời gian tới cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương; nghiên cứu cơ chế quản lý theo vùng, lãnh thổ kết hợp với quản lý theo ngành, lĩnh vực để khắc phục khoảng trống trong quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo đánh giá sâu sắc hơn những tồn tại hạn chế về quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn; công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, trên cơ sở đó khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay.
Chậm cắt giảm theo yêu cầu
Báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) Trịnh Xuân Hiếu cho biết giai đoạn 2011-2016, bộ tăng một đơn vị hành chính (Vụ Thi đua - Khen thưởng) và 6 đơn vị thuộc cục, văn phòng.
Theo ông Hiếu, việc tăng, giảm các đơn vị trên đều do yêu cầu thực tiễn, nhưng không làm phát sinh biên chế công chức hành chính. Theo nhìn nhận của đoàn giám sát, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ GD&ĐT tương đối ổn định, tuy nhiên, việc giảm biên chế công chức chưa đạt mục tiêu.
Số viên chức được giao là 35.077, số người cần giảm là 3.507, song con số thống kê ở thời điểm 12/2016 là 32.900 người, vẫn cao hơn mục tiêu đặt ra là 1.330 người.
Bên cạnh đó, mặc dù biên chế công chức hiện có là 504 người trong 605 biên chế được giao, nhưng tại các đơn vị hành chính thuộc bộ có đến 136 lao động hợp đồng, trong đó có 40 hợp đồng làm công tác chuyên môn là không phù hợp quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến những băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu tinh giản biên chế công chức của bộ từ nay đến năm 2021.
Đáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, bộ chưa hề tổ chức thi tuyển dụng công chức, mà chủ yếu thực hiện tiếp nhận không qua thi tuyển và ký hợp đồng lao động.
Xoay quanh việc này, ông Hiếu cho biết bộ đã kiểm điểm trách nhiệm những người có liên quan, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để lặp lại. Bộ cũng sẽ tổng rà soát lại, trên cơ sở số lượng hiện có sẽ tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch.
Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng thừa nhận, tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động trong các đơn vị là lớn. Bộ sẽ quán triệt nghiêm túc chủ trương cấp vụ không có cấp phòng.
Hiện cả bộ có 18 phòng, nếu giảm đi, mỗi phòng có 3 lãnh đạo thì sẽ giảm được 54 lãnh đạo, chỉ còn vụ trưởng, vụ phó. Các cục cũng sẽ giảm số lượng phòng trong cục đến mức tối thiểu và phải giảm thấp nhất tỷ lệ lãnh đạo quản lý, nhưng vẫn đảm bảo được nhiệm vụ.
Cũng tại buổi làm việc, nhiều ý kiến trong đoàn giám sát đề nghị bỏ biên chế trong đơn vị sự nghiệp để giảm biên chế, giảm gánh nặng ngân sách, thực hiện hợp đồng hành chính, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lý giải thực tế nhiều trường hợp khi được tuyển dụng, có biên chế thường thấy “yên tâm cả đời”, giảm sự nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Nếu thực hiện hợp đồng, có cạnh tranh, đào thải sẽ buộc họ phải phấn đấu hơn.