Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường đại học sẽ phải thay đổi vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới.

Ngày 15/5, hội thảo "Khóa học về cách mạng công nghiệp 4.0 và khoa học dữ liệu" diễn ra tại Đại học Thủy Lợi, Hà Nội. Các giáo sư danh tiếng người Việt đang giảng dạy tại Đại học Michigan (Mỹ), Deakin (Australia) và JAIST (Nhật Bản) đã đến tham dự sự kiện.

Tại khóa học, nhiều diễn giả chỉ ra đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất của nhiều loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, IoT (Internet vạn vật).

Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ. Nó sẽ làm thay đổi triệt để về cách sống, làm việc và quan hệ của con người.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi lực lượng lao động GS Phùng Quốc Định (Đại học Deakin, Australia) cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi lực lượng lao động trong tương lai.

Thách thức đặt ra với nguồn nhân lực

Thói quen sính bằng cấp, chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao mới dễ được tuyển dụng có thể sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.

GS Phùng Quốc Định - Đại học Deakin, Australia - cho biết: "Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số. Nó đang là xu thế lớn trên toàn cầu. Mọi người có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin và học theo cách mình mong muốn. Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi lực lượng lao động trong tương lai".

Theo một số diễn giả, công nghệ đang tạo ra nhiều thay đổi về tiêu dùng, lao động và việc làm, qua đó trực tiếp tác động đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Chẳng hạn, theo cách truyền thống, nhà tuyển dụng thường dựa vào bằng cấp, bảng điểm. Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới hiện lại dựa nhiều vào kỹ năng tại chỗ khi phỏng vấn tuyển dụng.

Ông Phùng Quốc Định dự báo Việt Nam sẽ trở thành nơi tiềm năng về phát triển công nghệ cao. Điều này tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực phần mềm, nhưng công nghệ ảo, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ thay thế công việc của hàng trăm triệu lao động có kỹ thuật trung bình.

Vì vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, thất nghiệp.

Trước đó, các đại biểu dự hội thảo "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục" nêu ví dụ: Năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng, hoạt động chủ yếu bằng robot. Thay vì từ 10 đến 20 nhân viên cho một nhà hàng, chỉ còn 2-3 người để quản lý.

Một trường hợp khác là tháng 5/2016, Foxconn tuyên bố cắt giảm 60.000 nhân công và thay bằng robot. Ngân hàng Anh Quốc đưa ra dự báo khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10 đến 20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp. Ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo.

cach mang cong nghiep 4.0 anh 1
Khóa học về cách mạng công nghiệp 4.0 có sự tham dự của các giáo sư danh tiếng người Việt đang giảng dạy tại các trường đại học quốc tế. Ảnh: Vũ Loan.

Các trường đại học đối mặt nhiều cạnh tranh mới

Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo hay những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu lao động sẽ gây ra sức ép lớn cho ngành giáo dục. Các trường ĐH không thể dự đoán được kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai gần, do tốc độ thay đổi công nghệ quá nhanh.

GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi, cho biết: "Để thay đổi kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, trường chú trọng đổi mới mô hình, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cố gắng đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để sinh viên có điều kiện nghiên cứu tốt hơn".

Công nghệ đang từng bước giúp cá nhân hóa việc đào tạo thay vì giảng dạy một chương trình chung như hiện nay. Chẳng hạn, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp xác định rõ các điểm mạnh, yếu của từng người để đưa ra chương trình đào tạo riêng cho phù hợp.

Ông Kim cho rằng trường học cần đẩy mạnh kênh truyền thông để sinh viên, nghiên cứu sinh chủ động nắm bắt cơ hội, lựa chọn chương trình học phù hợp vị trí đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc theo công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học sẽ đối mặt yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới trong tương lai. 

Ví dụ, cạnh tranh nguồn lực diễn ra không chỉ trong nước mà cả toàn cầu dẫn đến chảy máu chất xám. Cụ thể, nhiều sinh viên giỏi của các trường nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài không trở về.

Thực tế đòi hỏi ngành giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Tất cả tạo ra bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.

Hiện nay, hình thức đào tạo trực tuyến như MOOC (Massive Open Online Course) có thể sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn. Cơ sở đào tạo với những chương trình học được cập nhật hay hợp tác sâu rộng với giới công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu sẽ có ưu thế trong việc thu hút người học.

Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới mô hình nhà trường là giải pháp rất cần thiết. Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần".

Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra. Đồng thời, quá trình đẩy mạnh hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp là cần thiết để chia các nguồn lực chung.

Học ngành gì để không bị robot thay thế?

Trước tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học gì để tương lai không bị robot thay thế là băn khoăn của nhiều học sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp.

Vũ Loan

Bạn có thể quan tâm