Mục đích của kỳ thi THPT năm nay đã thay đổi, do đó xu hướng ra đề thi là giảm độ khó, phù hợp với mọi học sinh, phục vụ mục đích xét tốt nghiệp là chính. Tuy nhiên, những thay đổi này khiến các trường băn khoăn làm sao kỳ thi được tổ chức nghiêm túc và đề thi đảm bảo độ phân hóa để thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh.
Kịp thích nghi với thay đổi này, các trường đang có xu hướng đưa ra các tiêu chí phụ trong xét tuyển để đảm bảo chất lượng.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: C.H./VTC. |
Thí sinh bằng điểm, ưu tiên xét theo môn
Học viện Tài chính năm 2020 tuyển sinh theo nhiều phương thức, trong đó có sử dụng kết quả kỳ thi THPT.
Với những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức này thì phải có tổng điểm 3 môn thi thuộc 1 trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên) từ 17 điểm trở lên đối với chương trình chuẩn; 18 điểm trở lên đối với chương trình chất lượng cao theo từng mã xét tuyển.
Ngoài ra, đối với những thí sinh nằm ở cuối danh sách có điểm bằng nhau, thí sinh nào có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển. Nếu sau khi xét đến tiêu chí phụ mà vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đưa ra tiêu chí phụ trong xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2020. Theo đó, nếu thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển căn cứ theo điểm từ cao xuống thấp của môn thi Toán học. Sau đó nhà trường mới xét theo thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường.
Tương tự, ĐH Thủy lợi dành 70% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Riêng với phương thức xét tuyển học bạ, trường dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm các môn trong tổ hợp xét tuyển, không tính học kỳ 2 năm lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020.
Nhà trường cũng đưa ra ngưỡng nhận hồ sơ nhóm ngành Công nghệ thông tin có tổng điểm đạt từ 21. Ngành kỹ thuật điện, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có tổng điểm đạt từ 19. Các ngành khác tổng điểm đạt từ 18. Trong trường hợp nhiều thí sinh đạt cùng ngưỡng điểm thì thứ tự ưu tiên là môn Toán.
Học viện Ngoại giao đưa ra 3 phương thức tuyển sinh, đồng thời mỗi ngành cũng có một chỉ tiêu riêng. Trong trường hợp phương thức xét tuyển 1 không đủ chỉ tiêu thì số lượng chỉ tiêu còn lại được chuyển sang phương thức 2.
Đối với các ngành có học phần ngoại ngữ là tiếng Anh sẽ thêm tiêu chí thí sinh phải có bằng IELTS (academic) hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương đạt từ 6,5 trở lên. Ngành có học phần ngoại ngữ là tiếng Pháp yêu cầu có bằng DELF-B1 trở lên. Ngành có học phần ngoại ngữ là tiếng Trung Quốc, thí sinh phải có điểm kỳ thi Hán ngữ từ 280 điểm trở lên.
Thí sinh tham gia xét phải có điểm trung bình học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8 trở lên.
Ngưỡng điểm tuyển sinh ngành sư phạm, y, dược
Với các ngành đặc thù như y-dược, sư phạm, năm 2020 Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nếu xét tuyển trình độ đại học sử dụng kết quả học tập THPT, thì điểm bài thi, môn thi xét tuyển hoặc điểm trung bình cộng các bài thi, môn thi phải đạt tối thiểu là 8,0 trở lên với nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược.
Các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh Y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.
Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố mức điểm sàn. Điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đào tạo giáo viên, y dược phải đảm bảo từ mức điểm sàn trở lên.
Ngoài điểm sàn, các trường y dược cũng có xu hướng sẽ đưa ra các tiêu chí phụ trong tuyển sinh. Chẳng hạn, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam dự kiến sẽ có thêm một tiêu chí phụ về điểm trung bình học tập bậc phổ thông. Việc này nhằm hạn chế tình trạng học sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhưng kết quả học tập bậc phổ thông lại thấp.