Đại học Kinh doanh Hà Nội sử dụng cuốn sách “Developing Chinese” của Trung Quốc làm giáo trình giảng dạy cho khoa Trung - Nhật. Ở trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 và trang 36 cuốn Đọc có hình "đường lưỡi bò" phi pháp. Sự việc được sinh viên phát hiện và báo với nhà trường.
Trả lời Zing.vn, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng để lọt hình ảnh "đường lưỡi bò" trong giáo trình không phải lỗi của trường mà do các cơ quan khác.
Ông Hóa nói cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài và việc này thuộc về nhà nước chứ không phải của trường.
"Nhà trường không cầu thị, vô trách nhiệm"
Nhiều giảng viên, chuyên gia giáo dục nhìn nhận lỗi lớn trong vụ việc này thuộc về ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tuy nhiên, nhà trường lại cho rằng trách nhiệm kiểm duyệt nằm ở các cơ quan nhà nước chứ không phải trường.
TS Nguyễn Ngọc Chu, nguyên cán bộ Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng đây là thái độ chối bỏ trách nhiệm của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
"Nhà trường không soạn được giáo trình, phải nhập của Trung Quốc, đã thế lại không đọc kỹ, để xảy ra vấn đề rồi đổ lỗi cho bên khác", ông Chu nói.
Hình "đường lưỡi bò" phi pháp trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong. |
Tương tự, theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp len lỏi vào tận giảng đường đại học là sự việc rất nghiêm trọng. Trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường.
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng lỗi trong vụ việc này chắc chắn thuộc về nhà trường, cụ thể là các hội đồng khoa học đã phê duyệt cuốn sách trở thành giáo trình.
"Giáo trình của trường thì chính trường phải thẩm định, kiểm duyệt, không có cơ quan nào có trách nhiệm làm thay việc này, kể cả Bộ GD&ĐT. Lẽ ra, trường nên nhận lỗi hơn là đổ lỗi", ông Dũng nói.
Thạc sĩ Quang khẳng định tài liệu trở thành giáo trình của một môn học phải thông qua ít nhất 2 hội đồng khoa học. Đầu tiên là hội đồng khoa học của khoa, sau đó là hội đồng khoa học của trường, còn gọi là hội đồng thẩm định tài liệu, giáo trình của trường đại học.
"Trường đại học là nơi tập trung của tri thức chứ không phải chợ búa hay thị trường trôi nổi. Qua hai hội đồng thẩm định nhưng vẫn để lọt hình ảnh 'đường lưỡi bò' và phải đợi đến khi người học phát hiện, báo lên trên, có thể thấy nhà trường đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Sự việc cần được cảnh báo nghiêm trọng chứ không đơn giản", thạc sĩ Quang nói.
Thông tin từ phía ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cuốn sách “Developing Chinese” do các giảng viên mang về từ Trung Quốc sau một chuyến tập huấn. Theo thạc sĩ Quang, nếu nhà trường mua về toàn bộ và bán cho sinh viên hoặc mua một vài cuốn rồi cho sinh viên photocopy thì trách nhiệm trong vụ việc này hoàn toàn thuộc về nhà trường, không phải do bên nào khác.
"Trường nói rằng đây là trách nhiệm của cơ quan khác hay phải có nơi kiểm duyệt giáo trình là đang chối bỏ trách nhiệm của mình, thiếu cầu thị. Chưa kể trong vụ việc này này còn xuất hiện vấn đề về bản quyền giáo trình, tài liệu", giảng viên ĐH Kinh tế - Luật khẳng định.
Lọt "đường lưỡi bò" trong giáo trình là thất bại lớn
Theo TS Nguyễn Ngọc Chu, giáo trình để lọt "đường lưỡi bò" là thất bại nhưng đau lòng hơn là sự sa sút về đạo đức và sự tắc trách của những người thầy bộc lộ qua vụ việc này.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết sách “Developing Chinese” là giáo trình mới được mua về từ Trung Quốc với số lượng 500 - 700 cuốn. Sau khi phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp, trường đã họp và có quyết định thu hồi tất cả số sách trên để tiêu hủy.
TS Chu nhìn nhận sự chối bỏ trách nhiệm của nhà trường thông qua phát ngôn của những người đứng đầu cho thấy sự sa sút nhân cách nhà giáo của họ.
Để lọt “đường lưỡi bò” trong giáo trình phản ánh sự tắc trách từ ban giám hiệu, khoa, bộ môn, cho đến giảng viên của khoa Trung - Nhật của trường này. Ông tự hỏi với những người thầy như vậy, sinh viên trường này sẽ học được những gì?
Đặc biệt, nhà trường thông tin với báo chí rằng không chỉ riêng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà nhiều trường đại học đào tạo ngành ngôn ngữ Trung tại Hà Nội cũng sử dụng sách “Developing Chinese”. Vấn đề này cần được làm rõ, nếu đúng như vậy, đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng qua vụ việc này, các trường đại học và các cơ sở giáo dục nói chung nên rà soát, kiểm duyệt lại tất cả các tài liệu, giáo trình có nguồn gốc từ Trung Quốc.
"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Trung Quốc đơn phương đưa ra để tuyên bố chủ quyền vô lý của mình đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.