Sự việc trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark "giữ chân" học sinh bằng cách thu 5 triệu đồng hiện tạo ra làn sóng bất bình trong phụ huynh. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng đây là hành động phản giáo dục.
Nhà trường khiến phụ huynh không tin tưởng
Sau khi trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark yêu cầu phụ huynh nộp 5 triệu đồng cho phí giữ chỗ, nhiều cha mẹ băn khoăn số tiền lãi sẽ đi về đâu.
Chị Đ.T.T - một phụ huynh học sinh - chia sẻ: “Chẳng biết các nhà khác thế nào chứ bố mẹ cháu hôm nay đang "phát sốt" khi trường thông báo từ năm học tới, mỗi cháu sẽ phải đóng 5 triệu để giữ chỗ cho lớp sau”. Chị Đ.T.T cho biết thêm đây là lần đầu tiên chị biết đến khoản phí này.
Nhiều phụ huynh cũng đặt vấn đề về số tiền lãi. Mỗi em phải nộp 5 triệu đồng, trong khi toàn trường có khoảng 1.000-1.500 học sinh, do đó, tổng số tiền thu được vào khoảng 5-7,5 tỷ đồng.
Vậy số tiền lãi trong vòng 3 tháng (từ hạn cuối là 12/5 đến thời gian được khấu trừ khoảng tháng 8) sẽ đi đâu?
Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark. Ảnh: Lao Động.
|
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng bức xúc về chuyện tăng học phí, yêu cầu bán trú bắt buộc và chất lượng bán trú của nhà trường.
Anh T - cha của một học sinh - cho hay: "Nộp phí giữ chỗ chỉ là việc nhỏ, nhưng quan trọng là sự thiếu lòng tin của nhà trường. Trường nào cũng cần có kế hoạch để làm việc, tổ chức nhưng tới mức phải đặt tiền để giữ chỗ thì đó là sự thiếu niềm tin.
Điều này khiến phụ huynh trở nên hoang mang, bất bình và không tin tưởng ngược lại với nhà trường. Nếu trường đào tạo tốt, chất lượng và học phí tương thích thì không cần lo học sinh nghỉ học".
Theo anh T, nhà trường chỉ cần làm phiếu đăng kí để cha mẹ quyết định cho con học tiếp không hoặc cần lấy ý kiến phụ huynh trước khi thông báo thu phí giữ chỗ.
Sự việc một lần nữa dấy lên những bất bình về cách quản lý của ngôi trường này. Theo nhiều phụ huynh, trước đó, nhà trường cũng đưa ra thông báo vô lý về việc không chịu trách nhiệm khi học sinh tham gia hoạt động tình nguyện do trường tổ chức. Cụ thể, trường tổ chức cho học sinh đi từ thiện nhưng lại yêu cầu phụ huynh ký bản cam kết miễn chịu trách nhiệm.
Nên 'giữ chân' học sinh bằng chất lượng
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho biết ông chưa từng gặp trường hợp nào như vậy.
Ông Nhĩ nhấn mạnh: "Hành động này là quá đáng, phản giáo dục. Giáo dục không phải thương mại. Nhà trường nên khẳng định bằng thương hiệu, chất lượng và dịch vụ để các em chắc chắn học tiếp. Trường tự đặt ra điều lệ mà trước đó chưa từng có và dường như đang tự làm khó mình. Vì thế, phụ huynh phản đối là điều hiển nhiên".
Trường cũng từng gây bất bình khi tổ chức cho học sinh đi làm từ thiện nhưng lại không chịu trách nhiệm. Ảnh: Lao Động. |
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cũng nhận định rằng trong nhiều năm làm giáo dục, quản lý trường ngoài công lập, đây là lần đầu tiên ông gặp chuyện này.
Theo ông Lâm, trường ngoài công lập có quyền tự chủ. Họ đưa ra quy định này là để “giữ chân” học sinh, sau đó lên phương án quản lý, đào tạo cho năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, trước khi đưa ra thông tin hay chương trình gì, nhà trường cần xin ý kiến phụ huynh để không gây ra sự bất bình nào.
Trước đó, trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark từng thông báo mức học phí và các khoản phí khác cho năm học 2017-2018, trong đó có phí giữ chỗ 5 triệu đồng.
Trường yêu cầu cha mẹ nộp trước ngày 12/5 để giữ chỗ cho con trong năm học tới. Sau ngày 15/7, nếu phụ huynh không đóng phí, nhà trường sẽ trả học bạ của học sinh vào cuối năm học này.
Đối với các em lớp 5 và lớp 9 năm học 2016-2017, cha mẹ sẽ nộp phí giữ chỗ sau khi có kết quả xét tuyển vào lớp 6 và lớp 10.
Khoản phí này sẽ được hoàn trả/khấu trừ trong lần nộp học phí đầu tiên của năm học 2017-2018. Tiền chỉ được hoàn trả trong trường hợp nhà trường không tiếp nhận học sinh trong năm học 2017 -2018.
Ông Nguyễn Hoài Bắc - hiệu trưởng trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark - đã xác nhận thông tin trên.