Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học chủ động: Hết thời thầy đọc, trò chép

Học chủ động là phương pháp nghiên cứu, rèn luyện khoa học, hiệu quả, được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến. Sinh viên xem video, đọc tài liệu ở nhà và thảo luận trên lớp.

Tại buổi tọa đàm "Active Learning: Một phương pháp học mới" do TeamX Hanoi tổ chức ngày 15/4 ở Hà Nội, TS Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc Học viện Phát triển Tư duy và Kỹ năng IEG - cho rằng sinh viên cần phương pháp tiếp cận kiến thức mới, thay cho lối lắng nghe thụ động thông thường.

Theo TS kinh tế Đại học Stanford này, nhiều nghiên cứu mới đây kết luận rằng với lượng thông tin và kiến thức khổng lồ ở trường, cách học và dạy thầy đọc, trò chép truyền thống không còn phù hợp, không thể trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng tư duy cần thiết. Người trẻ cần phương pháp tiếp cận kiến thức chủ động và khoa học hơn trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

sinh vien hoc thao luan nhom anh 1
TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng học sinh, sinh viên hiện nay cần phải chủ động hơn nữa trong việc tiếp nhận và tư duy kiến thức. Ảnh: Vũ Loan.

Đổi mới phương pháp dạy học truyền thống

Học chủ động (Active Learning) là hình thức mà mỗi cá nhân phải tự đặt ra mục tiêu cho bản thân, hoạch định lộ trình đạt mục tiêu đó dưới sự hướng dẫn, trợ giúp của giảng viên, chuyên gia.

Đây là phương pháp học tập, rèn luyện một cách khoa học, hiệu quả và ngày càng được các nhà giáo dục hàng đầu thế giới, cũng như học sinh, sinh viên ở quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Hà Lan, Phần Lan, Đức... áp dụng.

Ông Nguyễn Huyền Minh, giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, ĐH Ngoại thương, cho rằng phương pháp học chủ động bao gồm thay đổi trong vai trò và trách nhiệm của cả sinh viên và thầy giáo.

Sinh viên xem video, đọc tài liệu trước khi tới lớp. Thời gian trên lớp được dùng để thảo luận nhóm (thẩm tra rằng sinh viên có học) rồi áp dụng khái niệm vào các bài tập hay câu hỏi kiểm tra (nhằm phát triển kỹ năng).

Sinh viên được khuyến khích cộng tác với người khác trong quá trình thảo luận nhưng họ phải làm những bài tập kiểm tra riêng biệt để chứng tỏ mình đã học.

"Học chủ động sẽ kích thích học sinh, sinh viên tư duy độc lập, khoa học hơn. Nó vượt trội so với phương pháp truyền thống bởi không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn bổ sung kiến thức về bề rộng, nền tảng qua hình thức phản biện trong giờ học", TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

Tuy nhiên, theo hai chuyên gia giáo dục trên, hình thức học chủ động - Active Learning chưa phổ biến và đủ sức ảnh hưởng tới phương pháp dạy học ở Việt Nam.

sinh vien hoc thao luan nhom anh 2
Với phương pháp học chủ động, học sinh, sinh viên có thể nhớ và thực hành được từ 70%-90% nội dung bài học. Nguồn: ĐH Northwest Iowa, Mỹ.

Sinh viên tăng tính chủ động với thảo luận nhóm

Khác biệt lớn nhất về cách dạy và học của nền giáo dục Mỹ so với Việt Nam là văn hóa thảo luận trong lớp. Tại ĐH Texas, các giáo sư đánh giá cao sinh viên có khả năng phản biện và chỉ ra lỗi sai của thầy.

Lớp học được bố trí ngồi thành vòng tròn và có những buổi dành riêng cho thảo luận. Giáo sư chỉ quan sát, sinh viên tự trao đổi với nhau. Buổi thảo luận có thể bàn về cuốn sách mà tất cả được yêu cầu đọc trước ở nhà. Mỗi sinh viên phải phát biểu ít nhất 3 lần mới được cho điểm.

Sinh viên Mỹ luôn chủ động trong việc học tập trên lớp. Những người phát biểu nhiều thường nằm trong tốp dẫn đầu về thành tích học tập, vì họ phải rất tập trung mới nghĩ ra câu hỏi để chất vấn giáo sư. Họ chủ động viết email hẹn gặp riêng giáo sư để xin tham gia nhóm nghiên cứu. Nếu cảm thấy không phù hợp, sinh viên có thể tự rút lui hoặc chuyển sang nhóm khác.

Học tập trong môi trường nhóm không chỉ thúc đẩy sự tích cực, sáng tạo của sinh viên, mà còn tạo sự gắn kết, giúp bạn trẻ làm quen với cách làm việc tập thể, có cơ hội học hỏi và biết cách lắng nghe.

Để thực hiện tốt thảo luận nhóm, giảng viên cần nắm vững quy trình thực hiện phương pháp này như phương tiện giảng dạy, phân nhóm phù hợp, chuẩn bị kỹ nội dung thảo luận và hướng dẫn cụ thể, quy định thời gian, đặc biệt là cần có quy định thưởng phạt rõ ràng trong thảo luận để tạo tính cạnh tranh.

Tại buổi tọa đàm, TS kinh tế Đại học Stanford còn cho biết thêm với "Active Learning", sau khi học là phần tổng kết, tư duy, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Theo một nghiên cứu của Đại học Northwest Iowa, Mỹ về phương pháp "Active Learning", người học thường nhớ được 10% những gì mình đọc, 20% những gì mình nghe và nhớ được đến 90% những thứ thực hiện/áp dụng.

Ông Nguyễn Chí Hiếu hy vọng trong thời gian tới, phương pháp học chủ động sẽ giúp khơi dậy ở các bạn sinh viên Việt Nam tinh thần học tập chủ động, ươm mầm cho những sự cải tiến vượt trội và đem lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội. 

Những ưu điểm của phương pháp học chủ động TS Nguyễn Chí Hiếu nhận định rằng phương pháp học tập chủ động sẽ giúp học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức tốt hơn.

AMA Active Learning - mô hình học tiếng Anh chủ động

Hệ thống trung tâm Anh ngữ AMA tiếp tục đào sâu nghiên cứu và không ngừng cải thiện chất lượng đào tạo cho mô hình học tiếng Anh này.

Vũ Loan

Bạn có thể quan tâm