Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường Giang: Nụ cười từ những gian nan

Nổi lên rất nhanh trong hơn một năm qua, gương mặt hiền lành nhưng “hóm hỉnh ngầm” của Trường Giang như làn gió tươi mới thổi vào đời sống hài kịch, bên cạnh Hoài Linh, Chí Tài...

Diễn từ trải nghiệm

- Từ lúc mới khởi nghiệp, anh đã tự “ấn” cho mình nghiệp diễn viên hài?

- Cả gia đình, bà con họ hàng tôi đều ngạc nhiên vì “thằng Tí” lại theo nghiệp diễn viên, mà lại là diễn hài. Bởi hồi nhỏ, tôi nhút nhát lắm. Học xong phổ thông, tôi cũng chưa có ý định gì về nghệ thuật mà chỉ muốn trở thành một thầy giáo.

Đến lúc mon men với nghề diễn, tôi cũng thích đóng những vai chính kịch nghiêm túc, hoặc đóng những vở tâm lý xã hội. Ai ngờ rồi lại theo nghề diễn hài. Tôi nghĩ, đó là cái duyên may, trong nghề gọi là gặp được lộc tổ. Đôi khi, những cái mình muốn, mình ấp ủ, chọn lựa lại chưa hẳn đã phù hợp mà phải qua một khúc ngoặt nào đó, ra con đường phù hợp.

- Những diễn viên hài nổi tiếng tuy trông lúc nào cũng tươi cười nhưng trong đời thực, hầu hết đều vươn lên từ hoàn cảnh khốn khó, đầy ắp nỗi buồn. Anh có là một ngoại lệ?

- Má tôi mất sớm lắm. Một mình ba gồng gánh nuôi mấy anh chị em. Hồi nhỏ, tôi không mơ ước thành bác sĩ, kỹ sư, chỉ mong mỗi ngày bảy anh chị em và ba có cái đắp đổi qua ngày. Học xong phổ thông, tôi chọn học một nghề nào đó để có thể sớm kiếm được tiền nuôi thân.

Năm đó, tôi chọn thi vào CĐ Sư phạm Đồng Nai vì không phải tốn học phí, lại đảm bảo có việc làm ngay. Khổ nỗi, tôi… thi rớt. Tôi phải lên Sài Gòn kiếm việc làm, chờ năm sau thi lại. Nhà tôi cách Sài Gòn mấy chục cây số nhưng hồi đó, nghe từ “thành phố” sang trọng, xa xôi vô cùng. 

Tôi xoay đủ cách để tồn tại, ai kêu gì cũng làm, từ bán dạo, phục vụ, giao hàng, phát tờ rơi… Đi ở trọ mà thiếu trước hụt sau nên toàn phải lang thang ngủ nhờ bạn bè. Ở thành phố, nghèo đã khổ, cảm giác lạc lõng giữa hàng triệu người còn khổ hơn. Lúc nào cũng thấy mình cô đơn, nhỏ bé, chỉ ước có một bữa ăn thật ngon và một chỗ ngủ thoải mái để không phải mì gói, bánh mì, ngủ ké. Nhiều lúc, tôi tính về quê, xin đi làm công nhân cao su, có nghèo thì cũng không đói và “bụi đời” như ở Sài Gòn. Nhưng rồi lại nghĩ, mình về bám cha nữa thì không được. 

Trường Giang trong vai ông Mười Khó đã đưa tên tuổi anh nổi tiếng.

- Những trải nghiệm thuở khó khăn ấy giúp anh hình thành một thái độ sống tích cực và chuyển hóa nó thành chất liệu cho nghiệp diễn như thế nào?

- Khi đã nếm trải qua những sóng gió, những thiếu thốn và khó khăn, con người ta dám cười cợt giễu nhại, biết cách hài hước hóa mọi chuyện để bớt buồn. Cùng một sự cố, người ít trải nghiệm hoặc quen sống êm đềm sẽ xuống tinh thần, còn người lăn lộn nhiều sẽ thấy rất nhẹ nhàng, nếu biết cười trước gian nan để nhìn mọi thứ cho lạc quan thì lại càng tốt hơn. Nếu có trở lại, tôi vẫn không thay đổi những khốn khó của quá khứ. Trải nghiệm qua những cảm giác của đói no, bất trắc, buồn bã, khao khát, giúp tôi có nhiều chất liệu để xây dựng nên kịch bản hài. Hiện nay, tôi diễn những kịch bản do tôi viết ra. Viết cho bản thân, dùng chính trải nghiệm của mình để diễn là hay nhất.

Tương tác với khán giả

- Không được học hành bài bản nhưng vẫn thành công, bí quyết của anh là gì?

- Tôi học từ chính những đồng nghiệp đàn anh, học từ sự nỗ lực và quan sát. Tôi rất biết ơn những đàn anh: Hoài Linh, Chí Tài, Hữu Lộc… Khi làm việc ở sân khấu Nụ cười mới, những diễn viên trẻ chúng tôi cũng được ban giám đốc cho học bồi dưỡng từ các giảng viên, như thầy Trần Ngọc Giàu, Hữu Châu… Các thầy hướng dẫn cách xử lý nhân vật, cách đi đứng, thể hiện nét mặt, đài từ…

Những lần đi diễn chung, anh Hoài Linh cũng hướng dẫn cho tôi thêm về cách diễn, thể hiện điệu bộ, giọng nói địa phương. Những người thầy ấy không chỉ dạy tôi về kỹ năng mà còn về cách sống, cách ứng xử và cái tâm với nghiệp diễn.

- Anh phải làm gì hoặc có gì khác nữa để trở thành một ngôi sao như bây giờ?

- Mình phải biết làm nghề bằng cái tâm. Nổi tiếng dễ làm cho mình trở nên tự mãn. Không diễn thì thôi, còn khi đã lên sân khấu, người nghệ sĩ phải hết mình, diễn bằng cái lửa mà nhờ đó, khán giả thương mình, yêu mình dài lâu.

Anh Hoài Linh từng nhắc tôi rằng, cứ giữ cái tâm, sống đàng hoàng thì sẽ có tất cả. Tôi nhớ rất kỹ, có lần, anh Chí Tài nói, đừng nghĩ một đêm diễn chỉ có 300 khán giả. Mình diễn không tốt, không chỉ 300 người đó biết mà “một đồn mười, mười đồn trăm”, rồi người thân, bạn bè của 300 người đó biết nữa, có thể cả ngàn người sẽ biết mình diễn tệ.

Nụ cười từ những gian nan. 

- Khán giả đánh giá anh có tài nhưng sự nổi tiếng đó cũng một phần do “núp bóng” Hoài Linh, Chí Tài… Anh có buồn vì những đánh giá đó?

- Trời đất ơi! Tôi mừng là đằng khác chứ sao buồn! Từ một người không biết tương lai đi về đâu, bỗng dưng được tạo điều kiện cho học hỏi để theo nghề, được dẫn lối để có được ngày hôm nay, tôi có một sự biết ơn rất lớn với các đàn anh đồng nghiệp. Nếu cứ được “núp” miết như vậy cũng hay mà!

- Sau thời gian im ắng, các chương trình hài, sân khấu hài hiện nay lại nở rộ, đặc biệt trên sóng truyền hình. Tuy nhiều nhưng chất lượng vẫn bị kêu ca là thiếu chiều sâu, hài chưa tới. Anh nhận xét gì về điều này?

- Sân khấu hài đang hồi sinh vì khán giả mình rất thích hài. Ở đâu cũng vậy, người Việt mình rất thích hài hước, châm biếm… Sự đầu tư về sân khấu và kịch bản cũng được chăm chút khá tốt hơn, đa dạng hơn. Hài kịch hiện nay tôi thấy nên đi sâu vào thực tế đời sống, nêu lên được những vấn đề của xã hội, tác động vào suy nghĩ của khán giả để tạo sự tương tác mạnh. 

http://hoahoctro.vn/nu-cuoi-tu-nhung-gian-nan/

Theo Khoa Tư/ Hoa Học Trò

Bạn có thể quan tâm