Mới đây, trường Bishop of Hereford's Bluecoat (BHBS) ở Anh bị chỉ trích mạnh mẽ khi cho rằng nữ sinh mặc váy ngắn sẽ khiến họ trở thành mục tiêu của tấn công tình dục.
Theo tờ The Mirror, kể từ đầu tháng 7 đến nay, ít nhất 40 trường ở Anh cấm nữ sinh mặc váy. Một số trường cho biết quy định này nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho tất cả học sinh, trong khi những trường còn lại từ chối đưa ra nguyên nhân cụ thể.
Quyết định không nhận được sự đồng thuận của số đông khi nhiều ý kiến cho rằng các trường đang cố lờ đi nguyên nhân và bản chất của vấn đề.
Váy dài sẽ “bảo vệ” nữ sinh khỏi quấy rối tình dục?
Trong buổi lễ đầu năm học, ông Martin Henton, hiệu trưởng trường BHBS, phát biểu trước toàn thể học sinh rằng việc mặc váy dài sẽ "bảo vệ" nữ sinh khỏi quấy rối tình dục. Người đứng đầu nhà trường bổ sung sắp tới, váy của học sinh sẽ được quy định dài quá đầu gối.
Ngay sau đó, nhiều bậc phụ huynh lên án nhà trường và yêu cầu ông Henton đưa ra lời xin lỗi vì những phát biểu của mình.
Trường Bishop of Hereford's Bluecoat bị chỉ trích sau tuyên bố mặc váy ngắn sẽ khiến nữ sinh trở thành mục tiêu của tấn công tình dục. Ảnh: SWNS. |
“Con tôi về nhà trong nước mắt và hỏi mẹ liệu có nên vứt hết váy của mình đi không. Tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra và con bé kể chúng được bảo rằng mặc váy ngắn đang khiến các cô gái gặp nguy hiểm”, một người mẹ giấu tên nói với The Independent.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi tại sao con họ lại có lỗi nếu bị ai đó quấy rối và mặc váy dài thì có thể ngăn chặn tình trạng này?
Trước sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận, lãnh đạo trường này ngay lập tức phủ nhận toàn bộ tuyên bố về quấy rối tình dục của vị hiệu trưởng trước đó. “Không có mối liên hệ nào giữa độ dài của váy và việc bảo vệ các cô gái an toàn khỏi quấy rối tình dục. Đây không phải thông điệp của buổi lễ”, đại diện nhà trường nói.
Nhà trường nhấn mạnh học sinh của mình có "tiếng nói tích cực" và luôn được lắng nghe. Trường đã thành lập nhóm làm việc để tìm hiểu và giải quyết các vấn đề liên quan quấy rối tình dục.
Không chỉ BHBS, nhiều trường học khác ở Anh cũng cấm học sinh mặc váy ngắn, chủ yếu với lý do tránh nguy cơ bị tấn công tình dục, cũng như bình đẳng giới và bất tiện.
Đó là trường Trung học Philips tại thành phố Whitefield, Priory tại hạt East Sussex, nhiều trường có học sinh theo đạo hồi tại thành phố Bradford, trường Woodley tại thành phố Bury...
Tuy nhiên, thông điệp này dường như không được phụ huynh và dư luận ủng hộ. Họ cho rằng đó không phải giải pháp căn cơ để xóa nạn tấn công tình dục học đường.
Các giải pháp nên nhằm vào tội phạm, có thể tăng cường giám sát hoặc trừng phạt khắt khe hơn. Các trường có thể lắp thêm camera an ninh, lập nhóm, hội đồng tư vấn, khuyến khích sự lên tiếng và bảo vệ nạn nhân...
Xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân
Váy ngắn, váy dài hay quần tây đang tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt trong các trường học tại Anh.
Trong bài “Đừng cấm mặc váy ở trường, hãy để tất cả cùng mặc nó” trên tờ The Guardian, người viết bác bỏ quan điểm cấm mặc váy sẽ thúc đẩy sự bình đẳng giới.
Nhiều nữ sinh mặc quần tất trong váy để tự bảo vệ mình khỏi nạn quay lén tại trường. Ảnh: SWNS. |
Trong khi đó, trường Woodhey tại thành phố Bury, Anh, cho rằng mặc váy sẽ khiến các nữ sinh khó khăn trong việc di chuyển hay đứng lên, ngồi xuống. Tuy nhiên, nhiều học sinh cho biết mặc váy không hề bất tiện và ảnh hưởng việc học của mình.
Bình đẳng hay bất tiện đang không thể thuyết phục được số đông chấp nhận quy định cấm mặc váy tại các trường. Nhiều phụ huynh cho rằng dù mục đích thực sự của lệnh cấm là gì thì nó cũng đang thúc đẩy lối suy nghĩ đổ lỗi cho nạn nhân trong các vụ tấn công tình dục.
“Trong thế kỷ 21, nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải tự bảo vệ mình khỏi quấy rối tình dục. Suy nghĩ quấy rối tình dục có thể là lỗi của nạn nhân sẽ tác động tiêu cực đến những người trẻ tuổi vốn vẫn tin tưởng vào trường học”, Ceri Robinson, một người mẹ 43 tuổi có con gái đang học trung học, nói.
Tình trạng quấy rối tình dục tại trường học gia tăng nhanh trong những năm qua ở Anh, khiến nhà trường và các quan chức đau đầu tìm giải pháp. Theo khảo sát mới đây của Liên minh Giáo dục Quốc gia tại Anh, hơn 1/3 nữ sinh được hỏi cho biết từng bị quấy rối tình dục tại trường.