Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết thời điểm này, giáo viên lớp 6 các trường THCS vừa triển khai dạy học trên Internet, vừa nghiên cứu, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa (SGK).
Nếu trước đây, chương trình giáo dục quy định chi tiết cụ thể về nội dung thì chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải chủ động, tìm hiểu, thảo luận và đề xuất kế hoạch giáo dục cho học sinh. Vì thế, việc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu ấn phẩm cần phù hợp kế hoạch dạy học của giáo viên.
Một bộ sách giáo khoa lớp 6 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Ảnh: MT. |
“Do đó, các tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, của tổ chuyên môn. Giáo viên cũng phải xây dựng kế hoạch giáo dục cho mình và cho các bài dạy. Vì thế, việc lựa chọn sách phải đáp ứng được những vấn đề trên, chứ không phải chọn lựa theo kiểu đọc và so sánh các sách, thấy sách nào thích hợp thì chọn”, ông Tân nói.
Cũng theo ông Tân, việc chọn lựa sách giáo khoa phải được thực hiện từ chính giáo viên, các tổ chuyên môn và các trường. Giáo viên sẽ phải đọc hết các bộ sách đã được thẩm định, phê duyệt, từ đó thực hiện theo quy trình lựa chọn sách đã được ban hành.
Như vậy, từ năm học 2021-2022, một trường THCS sẽ tồn tại song song 2 kế hoạch giáo dục của 2 chương trình ở các khối lớp khác nhau, bao gồm chương trình giáo dục hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối 6.
Giáo viên phải nắm rõ chương trình giáo dục phổ thông mới. Riêng giáo viên các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải được bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu dạy học của 2 chương trình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết thêm 2021-2022 sẽ là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở bậc THCS. Nội dung, phương pháp tiếp cận có sự thay đổi, trong đó các môn mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý lần đầu tiên xuất hiện theo hình thức tích hợp.
Thời gian Bộ GD&ĐT phê duyệt, công bố các bộ SGK lớp 2, lớp 6 theo chương trình mới trễ hơn kế hoạch ban đầu. Do đó, trước đây, thành phố yêu cầu các trường báo cáo kết quả lựa chọn sách vào cuối tháng 2, nay được gia hạn thêm một tuần để thực hiện.
Từ kết quả lựa chọn sách của các trường, trường sẽ báo cáo phòng GD&ĐT các quận, huyện. Hội đồng lựa chọn sách thành phố tập trung thảo luận, bỏ phiếu chọn lựa, báo cáo kết quả nghiên cứu về chủ tịch hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên, chuyển giao cho sở. Sở tổng hợp kết quả lựa chọn SGK của hội đồng, trình UBND thành phố xem xét và phê duyệt. Dự kiến, thời điểm công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa vào cuối tháng 3.
Bộ GD&ĐT đã phê duyệt sách giáo khoa lớp 2, lớp 6
32 sách giáo khoa lớp 2 và 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đã được phê duyệt ngày 10/2.
Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 sách giáo khoa được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa.
Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 sách giáo khoa; môn Tin học có 2 sách và Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt.