Ngày 3/7, GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu trường THCS & THPT Lương Thế Vinh tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có nguyện vọng rút hồ sơ và hoàn trả lại toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút.
Sau đó, nhiều phụ huynh cho rằng trường Lương Thế Vinh gây khó dễ khi rút hồ sơ, không trả lại hết số tiền đã lấy.
"Quy định của Sở GD&ĐT gây náo loạn"
Trả lời Zing.vn, bà Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết khi tuyển sinh, nhà trường đã có thông báo trên website, dán ở cổng trường, nêu rõ về mức điểm nộp hồ sơ và giấy tờ cần nộp.
Nhà trường đã lưu ý phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ. Trường sẽ không trả lại kinh phí nếu phụ huynh rút hồ sơ như một thỏa thuận giữa hai bên.
Số tiền không trả lại sẽ được chuyển sang Quỹ khuyến học của nhà trường, trong đó có các hoạt động như ủng hộ học sinh bị lũ lụt. Các khoản này sẽ được công khai, minh bạch. Quy định đã được nhà trường thực hiện được hai năm.
Bà Văn Thùy Dương (bên trái) - Phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, Hà Nội. |
Cũng theo bà Văn Thùy Dương, sau khi nhận được văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường tổ chức họp hội đồng quản trị để đưa ra quyết định xử lý liên quan yêu cầu trong công văn.
Tuy nhiên, trường chỉ trả lại kinh phí những trường hợp xin rút từ ngày 3/7 trở đi, bao gồm tiền đồng phục, tiền vở, tiền sách các con không dùng và mang đến, nhà trường sẽ trả. Tổng của số tiền các khoản này khoảng 2 triệu đồng.
Số tiền còn lại, nhà trường vẫn giữ vì ngay từ đầu đã quy định như vậy và đưa vào Quỹ khuyến học.
Sáng 6/7, bà Dương cho hay nhiều phụ huynh đã "làm ầm lên”, đòi lại tiền. Việc trả lại tiền gây lộn xộn, vì vậy hội đồng nhà trường quyết định không trả lại bất cứ khoản tiền nào, làm theo thỏa thuận ban đầu.
Sở GD&ĐT nên công bố phổ điểm, mức điểm từng trường
Bà Dương cho rằng trường ngoài công lập tuyển sinh rất khó khăn. Nếu các trường không có yêu cầu đóng phí như vậy, phụ huynh sẽ rải hồ sơ khắp nơi và rút khi trường công lập có điểm chuẩn. Điều đó gây "loạn" tuyển sinh cho các trường, đặc biệt là khối ngoài công lập.
Khi đến nộp hồ sơ cho con, phụ huynh đôi khi còn do dự, muốn vào thì tìm mọi cách nộp hồ sơ, lúc muốn ra thì cũng tìm mọi cách làm bằng được. Việc phụ huynh nộp vào, rút ra gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của trường.
Bởi có khi hàng nghìn hồ sơ nộp nhưng cuối cùng lại không có đủ học sinh. Việc yêu cầu nộp một khoản kinh phí cũng là cơ hội để tìm được học sinh thực lòng muốn học tập tại trường.
Trường tư hoàn toàn, tự lo kinh phí. Nếu phụ huynh tự do nộp - rút, vậy khi học sinh rút hết, thời gian đó nhà trường biết gọi học sinh ở đâu? Trong khi đó, không có các trường hợp này nộp vào, trường hoàn toàn có thể hạ điểm chuẩn để nhận đủ học sinh.
Bà Văn Thùy Dương nêu quan điểm nhà trường không thể thỏa mãn mọi yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội, vì nếu như vậy năm sau điều này lại tiếp diễn. Không có quy định chung, phụ huynh sẽ nộp vào - rút ra "như cái chợ". Đầu vào còn như vậy, việc học sẽ ra sao?
Trả lời câu hỏi làm thế nào để không tiếp diễn tình trạng tương tự trong năm sau, bà Văn Thùy Dương cho rằng sau khi công bố điểm, sở nên công bố cả phổ điểm, mức điểm học sinh đạt được vào từng trường để phụ huynh, học sinh nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Điều đó mới giảm bớt căng thẳng trong mùa tuyển sinh đầu cấp.
Công văn do ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - ký ngày 3/7 đề cập việc báo chí phản ánh trường Lương Thế Vinh thông báo nhận đủ chỉ tiêu (từ ngày 24/6) và Ban tuyển sinh lớp 10 của trường nghỉ làm việc đến ngày 2/7.
Phụ huynh nộp hồ sơ vào đây sẽ phải nộp các khoản gồm: Học phí (2 triệu đồng/tháng), xây dựng trường (2 triệu đồng/năm), đồng phục (1,5 triệu đồng ), lệ phí tuyển sinh (300.000 đồng), tiền vở (270.000 đồng), tổng cộng là 6.070.000 đồng.
Sở GD&ĐT yêu cầu trường THCS và THPT Lương Thế Vinh báo cáo bằng văn bản về công tác tuyển sinh năm học 2018-2019, gửi về sở trong ngày 3/7.
Sở yêu cầu trường rà soát, rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc tổ chức tuyển sinh năm học 2018-2019, điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp trong cách thức tuyển sinh, đảm bảo tính nhân văn trong giáo dục, không gây khó khăn cho phụ huynh học sinh, tránh tạo dư luận xấu.