Chiều 23/9, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi ở nhóm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước khi tiếp tục phiên tòa, HĐXX thông báo bị cáo Chu Lập Cơ đã được đưa đi khám bệnh như yêu cầu. Kết quả cho thấy tình hình sức khỏe của bị cáo tốt và sẽ tiếp tục được trích xuất tới tòa.
Là bị cáo được thẩm vấn cuối cùng trong nhóm tội danh này, bị cáo Trương Mỹ Lan mong HĐXX xem xét thấu đáo về nguyên nhân, bối cảnh, động cơ phát hành trái phiếu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. |
Về lời khai của 28 bị cáo nguyên là thuộc cấp và cán bộ của Công ty Kiểm toán A&C, bà Lan bày tỏ không bình luận gì, chỉ mong HĐXX xem xét bởi họ đều là người làm công ăn lương. Đối với những bị cáo khai không biết ký gì, cấp trên yêu cầu ký hồ sơ, chứng từ thì ký, bà Lan cho rằng có thể do gấp quá, họ không nhớ.
Bà Lan cũng thừa nhận mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là do mình quản lý, còn bị cáo Ngô Thanh Nhã và Trương Huệ Vân chỉ làm về hậu cần, từ thiện.
Bị cáo Lan trình bày chưa bao giờ cử ai tới làm việc tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không kinh doanh mảng tài chính ngân hàng, không có nhu cầu phát hành trái phiếu.
“Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu lấy tiền của dân”, bà Trương Mỹ Lan khẳng định.
Về chủ trương phát hành trái phiếu, bị cáo Lan khai năm 2018, bà Nguyễn Phương Hồng (cựu thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB - đã mất) hay nói với bị cáo về vấn đề Ngân hàng SCB lâm vào bế tắc vì thường xuyên bị thanh, kiểm tra.
Sau đó, bà Hồng ngỏ ý "mượn" các công ty tốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.
“Bị cáo nghĩ nếu không cho mượn công ty thì có thể Ngân hàng SCB sẽ sụp đổ hết. Do đó, bị cáo mới cho mượn chứ không chủ trương phát hành trái phiếu. Bị cáo có biết gì đâu mà chủ trương”, bị cáo Lan trình bày.
Bị cáo Chu Lập Cơ (ngoài cùng bên phải) và các đồng phạm. Ảnh: TP. |
Cũng theo lời khai của bà Lan, từ lời nhờ vả này của bà Hồng, bà đã tổ chức “bữa ăn trưa” rồi mời bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Nguyễn Phương Hồng; Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt - TVSI) và Hồ Bửu Phương (cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Trong buổi ăn này, bị cáo Lan đồng ý cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của Ngân hàng SCB, giao cho các cá nhân được mời đến chủ động nghiên cứu thực hiện.
Theo bà Lan, trong bữa ăn này, họ bàn về việc niêm yết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chứ không phải phát hành trái phiếu.
Dù phủ nhận đưa chủ trương phát hành trái phiếu, bà Lan khẳng định: "Dù bị cáo không sử dụng dòng tiền này nhưng bị cáo sẽ dùng tiền của mình, cố gắng khắc phục hậu quả".
Trước câu hỏi của chủ tọa về việc bị cáo có thấy oan sai không, bị cáo Lan nói: "Cáo trạng truy tố bị cáo, bị cáo tôn trọng, không oan sai nhưng xin xem xét lại, đừng dùng từ bị cáo chiếm đoạt".
Theo cáo buộc, khoảng tháng 8/2018, SCB bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra nên việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn.
Vì vậy, bà Trương Mỹ Lan đã họp bàn với Nguyễn Tiến Thành cùng các nhân sự chủ chốt, lựa chọn các công ty con thuộc Vạn Thịnh Phát để phát hành, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp nhằm huy động tiền từ người dân.
Sau khi bàn bạc, bà Lan và thuộc cấp thống nhất chọn 4 công ty gồm: An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, trị giá hơn 30.869 tỷ đồng. Tiếp đó, bà Lan cùng đồng phạm tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát bằng cách mua toàn bộ trái phiếu của 4 công ty trên rồi đem bán cho hàng chục nghìn người để huy động tiền.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Cẩm nang thi hành án dân sự" đáp ứng nhu cầu tra cứu nhanh, chính xác các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi áp dụng vào các tình huống thi hành án cụ thể.