Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trương Mỹ Lan nhận trách nhiệm chuyển 4,5 tỷ USD trái phép

Trương Mỹ Lan nói tiền chuyển đi nước ngoài và tiền chuyển về Việt Nam là của bị cáo, không liên quan đến SCB, xin chịu trách nhiệm việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Sáng 26/9, sau khi xét hỏi các bị cáo thuộc cấp của Trương Mỹ Lan về hành vi Vận chuyển trái phép tiền tệ, HĐXX dành thời gian để hỏi bị cáo Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai suốt phiên xét xử, đã lắng nghe lời khai của 8 bị cáo và khẳng định mình hiểu rõ lý do vay và trả tiền.

Chủ tọa hỏi bị cáo Lan có thống nhất lời khai của Tô Thị Anh Đào (Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)? Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định tiền đó là của bị cáo, không liên quan SCB. Nguồn tiền, chuyển tiền không liên quan đến SCB.

Khi chủ tọa đặt câu hỏi về nguồn gốc số tiền chuyển ra nước ngoài, bị cáo Lan cho biết số tiền này là khoản vay từ nước ngoài, thường có thời hạn vài tháng và thủ tục cho vay không quá phức tạp.

Bị cáo Lan nói tất cả người tham gia đều tin tưởng hành động của mình là hợp pháp và nếu khoản vay sử dụng sai mục đích, phía cho vay sẽ yêu cầu hoàn trả tiền. Bị cáo Lan khẳng định việc tiền được chuyển về Việt Nam qua nhiều bộ phận khác nhau là điều bình thường.

Ngan hang SCB,  Truong My Lan,  SCB,  Van Thinh Phat,  Cong ty Helios anh 1

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Duy Hiệu.

Bị cáo Lan cho biết mình không trực tiếp thực hiện các hợp đồng, mà chỉ lập kế hoạch dòng tiền. Bị cáo cũng phủ nhận việc tham gia vào các hợp đồng khống hay giả cách và nhấn mạnh chỉ biết khi cần tiền thì sẽ nhận được, còn về quy trình, thủ tục cụ thể, bị cáo không nắm rõ.

Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài, lãnh đạo và cán bộ SCB đã vi phạm quy trình, thực hiện các hợp đồng khống. Tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ cũng được chuyển ra nước ngoài thông qua hệ thống ngân hàng SCB. Bị cáo có ý kiến gì về việc này?".

Bị cáo Lan trả lời: "Việc chuyển tiền ra nước ngoài không liên quan đến Vạn Thịnh Phát, tập đoàn này không tham gia vào quá trình đó. Bị cáo chỉ biết rằng khi lãnh đạo SCB nói cần tiền gấp để chi trả chi phí, bị cáo đã nhờ nước ngoài cho vay. Những lời khai của 8 bị cáo trong nhóm vận chuyển tiền trái phép qua biên giới không có gì sai và bị cáo xin chịu trách nhiệm về việc chuyển tiền ra nước ngoài của tất cả anh em".

Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Tô Thị Anh Đào khai chủ trương sử dụng các công ty “ma” để lên phương án chạy dòng tiền, chuyển tiền qua lại với các đối tác nước ngoài thông qua các hợp đồng khống là của Trương Mỹ Lan.

Năm 2022, bị cáo Anh Đào được Trương Mỹ Lan giao quản lý Công ty Helios (thành lập từ trước) để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hợp đồng vay nợ khống giữa Công ty Helios với công ty ở nước ngoài.

Thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Tô Thị Anh Đào đã chuyển hồ sơ của Công ty Sài Gòn Helios cho Chiu Binh Keung Kenneth (luật sư, bạn của bị cáo Lan ở nước ngoài) để soạn thảo hợp đồng vay vốn cho công ty.

Khi có hợp đồng vay vốn, Tô Thị Anh Đào chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu, gồm: Giấy rút ngoại tệ, phiếu xác nhận giao dịch bán ngoại tệ...

Khi tiền từ nước ngoài chuyển về, Tô Thị Anh Đào làm thủ tục để Công ty Helios rút 40 triệu USD tại Ngân hàng SCB chuyển cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bị cáo) để sử dụng cho mục đích của Trương Mỹ Lan.

Còn tiền chuyển ra nước ngoài, Tô Thị Anh Đào được Trương Mỹ Lan chỉ đạo liên hệ với Chiu Binh Keung Kenneth để lấy hồ sơ thanh lý hợp đồng, nội dung hợp đồng thể hiện Công ty Helios phải trả cho công ty nước ngoài 40 triệu USD; nguồn tiền chuyển ra nước ngoài Trương Mỹ Lan chỉ đạo Tô Thị Anh Đào liên hệ với Trịnh Quang Công (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Acumen, thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để lấy nguồn.

Theo cáo buộc, Tô Thị Anh Đào đã cùng đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 99 triệu USD (khoảng 2.445 tỷ đồng).

Cũng theo cáo trạng, ở tội Rửa tiền, từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu.

Từ 27/10/2012 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài.

Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền 4,5 tỷ USD (hơn 106.730 tỷ đồng).

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "100 câu hỏi giải quyết tranh chấp về thừa kế tại tòa án" góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho những người tham gia vào việc giải quyết các vụ việc dân sự tại tòa án và nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật giải quyết tranh chấp về thừa kế tới bạn đọc.

https://vtcnews.vn/truong-my-lan-nhan-trach-nhiem-chuyen-4-5-ty-usd-trai-phep-ra-nuoc-ngoai-ar898328.html

Hoàng Thọ/VTC News

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm