Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng Đào tạo trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương, cho hay, năm 2015, trường chỉ giới thiệu được 250 lao động/1.306 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN).
Nhiều đơn vị tuyển dụng như Công ty Petrolimex, Công ty Saigon Shipyardtrong, Nguyễn Kim, Viettel… thường xuyên mở đợt tuyển lao động kỹ thuật, mỗi đợt 10-20 người với mức lương tối thiểu từ 4 triệu đồng/tháng, tập trung ở các nghề: cơ khí, hàn, điện, điện lạnh, điện tử nhưng trường không cung ứng đủ số lao động cần thiết.
Thừa việc làm, thiếu học viên
Hiệu trưởng một trường nghề tại TP HCM cho biết, theo thống kê trong năm 2015, hầu hết các trường nghề chỉ tuyển được 50% so với chỉ tiêu. Nhiều trường, thay vì đào tạo dài hạn phải chuyển sang mở các khóa đào tạo ngắn hạn để hoạt động cầm cự. Trong khi đó, đối tượng học viên của các khóa ngắn hạn lại là những người đã đi làm, muốn học để nâng cao tay nghề, không phải là học viên mới.
Lớp vắng học viên tại một trường nghề ở TP HCM. Ảnh: Người Lao Động. |
“Mới đây, khi một DN đặt hàng 20 lao động nghề điện lạnh, trường đã cam kết đáp ứng nhưng cuối cùng, hơn nửa số sinh viên định giới thiệu bỏ học giữa chừng. DN đặt hàng lao động ở các trường nghề với số lượng lớn, chỗ làm thì dư thừa, trường nghề không tuyển sinh được mà lại có tình trạng cử nhân giấu bằng ĐH đi làm công nhân thì thật lạ” - vị hiệu trưởng này băn khoăn.
Theo ông Trần Kim Tuyền, Trưởng phòng Đào tạo CĐ Nghề TP HCM, thống kê năm 2015 cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.750 nhưng phải tuyển quanh năm mới dư vài trăm sinh viên. Nhu cầu cao nhất và kéo dài nhiều năm vẫn là các ngành điện tử và khối ngành kỹ thuật.
Ông Nguyễn Đắc Hiển cho biết, dù trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương có thế mạnh về khối ngành cơ khí, kỹ thuật nhưng thường xuyên trong nhiều năm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tuyển dụng của DN.
Theo ông, năm 2016, nước ta đã gia nhập khối AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) mà tình trạng người học vẫn chuộng học ĐH thì vấn đề thất nghiệp càng trầm trọng, trong khi DN lại có nhu cầu lao động học nghề. Nếu không đáp ứng được nguồn lao động này, chúng ta có thể mất thị phần việc làm ngay trên đất nước mình.
Quy hoạch trường nghề đang lệch lạc
Tuyển sinh khó khăn nhưng chính việc bị can thiệp quá sâu vào chương trình đào tạo khiến các trường nghề dù tuyển được nhưng rất khó giữ học viên.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề so sánh tại các quốc gia khác, đặc biệt là Đức, khi học sinh chọn học nghề nghĩa là được đào tạo chuyên sâu về nghề, các mô-đun học nghề chiếm thời lượng chủ yếu. Học sinh chỉ phải học thêm vài khóa về văn hóa nghề.
Trong khi đó, ở Việt Nam thì ngược lại: Chương trình đào tạo vẫn quá nặng về lý thuyết, học sinh còn phải học các môn văn hóa khá nhiều. Chương trình khung hiện nay đối với học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa khối ngành kỹ thuật là 1.200 tiết, chia đều cho 4 môn Toán, Lý, Hóa, Văn. Điều này khiến học sinh chán nản mà bỏ học dần.
Ông Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nhân Đạo (quận 3, TP HCM), cho hay, trong các giờ học nghề, học sinh đều đi học đầy đủ nhưng đến giờ học văn hóa thì tìm cách trốn. Nhà trường tuyển học sinh đã khó nhưng phải tìm đủ mọi cách linh hoạt để giữ các em.
Theo ông Nguyễn Đắc Hiển, hiện nay, tình hình chung trên cả nước là ngành dạy nghề không đạt chỉ tiêu tuyển, kéo theo hàng loạt trường nghề phải chuẩn bị đóng cửa, cơ sở vật chất bị bỏ hoang thì phần lớn đều do quy hoạch. Quy hoạch ở đây là vấn đề đào tạo nghề theo từng vùng miền, theo xu hướng phát triển kinh tế của từng địa phương.
Đơn cử, trường nghề ở TP HCM không thể có nhu cầu đào tạo ngành nông lâm hoặc trường nghề vùng núi không thể có nhu cầu đào tạo nghề cơ điện tử hoặc rất ít nhu cầu. Chính điều này đã kéo theo việc chúng ta đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất kém hiệu quả.
Thêm nữa, ông Hiển cho rằng, công tác phân luồng chưa được tốt. Các trường THPT và THCS đều mong muốn tiếp cận các trường ĐH (ngay cả trong tư duy của cán bộ, giáo viên các trường THPT), dẫn đến công tác tư vấn hướng nghiệp trường nghề ngày càng khó khăn.
Công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường phổ thông còn rất yếu, quanh quẩn chỉ vài kiến thức hàn lâm, thiếu tính thực tế khách quan và yếu tố nhận định nhu cầu của thị trường lao động, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu hướng nghiệp.
Cần thay đổi chính sách tiền lương
Ông Nguyễn Đắc Hiển cho biết, để thay đổi thực trạng xã hội thừa thầy thiếu thợ, về mặt chính sách ưu đãi, nhà nước đã có thông tư hướng dẫn về việc giảm 50% học phí học nghề cho học sinh THCS đi học nghề và miễn phí theo những chế độ khác.
Gần đây nhất, Luật Giáo dục nghề nghiệp ghi rõ học sinh THCS được miễn phí 100% khi tham gia học nghề nhưng lại chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, nhà nước cần nghiên cứu lại chính sách tiền lương; trả lương theo hiệu quả, yêu cầu công việc chứ không theo trình độ…