Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường ngoài công lập muốn tăng học phí bao nhiêu cũng được?

"Hệ thống trường ngoài công lập được Luật giáo dục quy định rõ ràng, chứ không loạn như nhiều người lầm tưởng", ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt - Úc, nói.

Chất lượng trường ngoài công lập có tương xứng học phí? Ông Cao Huy Thảo trả lời câu hỏi chất lượng các trường ngoài công lập có xứng đáng với số tiền phụ huynh bỏ ra.

Ông Cao Huy Thảo khẳng định trường ngoài công lập được tự chủ về tài chính. Mỗi phụ huynh đưa con tới trường đều có những nhu cầu khác nhau, nên việc chất lượng có xứng đáng với học phí hay không phải do cha mẹ học sinh trả lời.

Nguyên tắc thu học phí của trường ngoài công lập

- Xin ông cho biết trường ngoài công lập được thành lập trên cơ sở nào? Điều kiện thành lập trường quốc tế khác trường tư thục như thế nào? Nhiều người cho rằng hiện nay chưa có quy định về trường ngoài công lập dù hệ thống này đã chạy được 20 năm? 

- Thực tế, chúng ta có quy định cụ thể về hệ thống giáo dục ngoài công lập. Điều 48, Luật giáo dục 2005 ghi rõ: Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động.

Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước. 

Trường có yếu tố nước ngoài (thường được gọi là trường quốc tế) có sự hợp tác, đầu tư của các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài để phát triển giáo dục; hoặc có khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 51, Luật giáo dục sửa đổi 2009 có đề cập quy định về thẩm quyền; thủ tục; thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục; đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập; chia; tách; giải thể các loại hình trường tư thục, dân lập, giống hoàn toàn với các trường công lập.

Nghĩa là, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS. Chủ tịch UBND cấp tỉnh (thành phố trung ương) quyết định đối với trường THPT, hoặc các trường có cấp cao nhất là THPT.

- Trường ngoài công lập thu học phí theo quy định nào? Họ có được phép tự tăng học phí và nếu được thì trong trường hợp nào?

- Điều 65 Luật giáo dục 2005 nhấn mạnh trường dân lập, tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi, thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, kiểm toán. 

Loại hình trường này thực hiện chế độ công khai tài chính và có trách nhiệm báo cáo hoạt động tài chính hàng năm cho cơ quan quản lý giáo dục và cơ quan tài chính có thẩm quyền ở địa phương.

Cũng nói về quy định học phí, điều 105 cho biết cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh. Ngoài ra, chế độ học phí công bố mỗi năm học, trước khi tuyển sinh và chỉ áp dụng với học sinh mới.

Đối với các trường ngoài công lập tại nước ngoài, ví dụ như ở Australia, chuyện thay đổi học phí là bình thường, thậm chí không phải giải trình.

truong dan lap, anh 1
Đồ họa: Phượng Nguyễn.

- Nghĩa là không có ai kiểm soát học phí của trường ngoài công lập? Trường hợp phụ huynh không đồng ý với việc tăng học phí của trường có thể khởi kiện hay đành chấp nhận chuyển trường cho học sinh? 

- Thực chất câu chuyện giáo dục trong nền kinh tế thị trường đúng là như vậy. Bởi trường ngoài công lập nắm quyền tuyệt đối trong thu chi, tăng học phí và các khoản đóng góp. 

Trường công bố triết lý, tôn chỉ, mục đích, chương trình, phương pháp, đội ngũ, cơ sở vật chất, công khai cả chế độ học phí và các dịch vụ. Ai cảm thấy tương xứng, có khả năng chi trả và tin vào công bố đó thì theo. Nếu tin vào mọi thứ, học phí không có khả năng chi trả thì thôi. Hoặc học phí phù hợp, nhưng không tin vào những gì nhà trường nói, học sinh sẽ phải chọn trường khác phù hợp hơn.

Giả sử đang theo học, trường thay đổi mục đích, tôn chỉ, chế độ học phí, hay những điều từng công bố là không đúng sự thật thì học sinh không theo nữa. 

Phụ huynh chỉ có thể kiện khi thu thập được các bằng chứng rằng trường là bên bán, đã công bố và cung cấp một món hàng cho phía cha mẹ là người mua, với sản phẩm là đứa trẻ, không như những gì mà quý trường đã công bố.

Một cách khác nếu tìm hiểu được tính pháp lý, bộ hồ sơ pháp lý của chương trình mà trường đang giảng dạy, không đúng với công bố, đó cũng là sai luật, có thể kiện.

Trường hợp nhà trường có thay đổi so với lời hứa ban đầu, ví dụ tăng học phí quá 10%, thì chỉ vi phạm lời hứa với phụ huynh, chứ không vi phạm pháp luật.

Đó là nhìn một cách lạnh lùng, dựa hoàn toàn trên luật pháp và các điều lệ, quy định. Dưới góc nhìn của một nhà giáo, sản phẩm của giáo dục là con người, không phải cứ sai là sửa. Không thể cứ "không thuận bán" thì "không vừa mua".

Tôi luôn yêu cầu phụ huynh cân nhắc và suy nghĩ trước khi đăng ký học cho con. Một khi đứa trẻ đã quen với cách dạy và học tại một cơ sở giáo dục, hoặc một hình thức giáo dục, bỗng dưng bị chuyển đi vì mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ "đứt gánh giữa đường", rất dễ sinh ra cảm xúc tiêu cực, ác cảm với việc học, thậm chí với cha mẹ, thầy cô.

Trái lại, người thầy bất đồng ý kiến với phụ huynh về tài chính, phương pháp dạy và học, để học trò ra đi, về mặt luật không sai. Nhưng nhìn đứa trẻ đang học với mình, đang ngồi trong lớp của mình bị "mời đến trường khác", đó là sự hẫng hụt.

Cơ sở giáo dục phải tạo được niềm tin cho phụ huynh và nhà quản lý phải tìm cách đối thoại với bậc cha mẹ. Tìm được cách thỏa hiệp thì tốt hơn phải xé bỏ hợp đồng.

truong dan lap, anh 2
Học sinh một trường ngoài công lập ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Chất lượng giáo dục ngoài công lập có tương xứng học phí?

- Câu hỏi mà nhiều phụ huynh quan tâm là chất lượng giáo dục của các trường ngoài công lập có tương xứng với học phí và do ai kiểm định? Những trường nhập khẩu chương trình từ nước ngoài có đảm bảo đúng chất lượng hay về Việt Nam bị biến tướng? 

- Mỗi phụ huynh đưa con tới trường đều có những nhu cầu khác nhau, nên việc chất lượng có xứng đáng với học phí hay không phải do cha mẹ học sinh trả lời. 

Các chương trình học của các trường có yếu tố quốc tế được nhập khẩu từ nước ngoài về phải được sự cho phép của sở và Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các chương trình này đều đã qua một tổ chức kiểm định độc lập. Theo tôi, chương trình học rất khó bị biến tướng.

Luật giáo dục nêu rõ trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục. Đồng thời, trường chịu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục theo quy định của Chính phủ.

Bằng chứng là tại mỗi sở GD&ĐT đều có phòng kiểm định chất lượng trường ngoài công lập và đã tiến hành kiểm định nhiều năm nay rồi. 

Với các trường có yếu tố nước ngoài, luật quy định phải được kiểm định độc lập bởi một tổ chức kiểm định quốc tế, miễn là với điều kiện tổ chức đó được Bộ GD&ĐT công nhận. 

Ông Cao Huy Thảo là nguyên Hiệu trưởng trường THPT Quốc tế Việt - Úc (TP.HCM), nguyên Hiệu phó THPT Lương Thế Vinh.

Ông Thảo có gần 30 năm làm công tác quản lý giáo dục.

Đơn cử trường THPT Việt - Úc do sở GD&ĐT quản lý, Bộ GD&ĐT cấp giấy phép sử dụng chương trình nước ngoài, chủ tịch UBND thành phố ký quyết định thành lập trường và có thỏa thuận hợp tác với một hội đồng học thuật của Australia. 

Trường được hội đồng tiến hành kiểm tra hàng năm, từ chế độ quản lý, phương pháp dạy học, chế độ điểm số, cơ sở vật chất... Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện các bước kiểm định của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Mỗi nước có một quy trình kiểm định rõ ràng. Như trường THPT Quốc tế TP.HCM (An Phú, TP.HCM), theo chương trình International Baccalaureate (viết tắt: IB, tạm dịch: Tú tài quốc tế), họ được hiệp hội IB kiểm định hàng năm. 

Một trường muốn trở thành thành viên của các hội này trải qua một quá trình kiểm tra gắt gao và kéo dài. Đơn cử, phải có một ngôi trường đã hoạt động, trải qua sự kiểm tra của hiệp hội, rồi chủ động đăng ký thành thành viên.

Sau đó, trường sẽ được đánh giá theo rất nhiều tiêu chí trong 3 năm, mới chỉ trở thành ứng cử viên. Phải đến tận khi đáp ứng được 100% các tiêu chí (có thể thời gian dài) mới trở thành thành viên chính thức.

- Ngoài cơ sở vật chất và chương trình học, chất lượng giáo viên của các trường quốc tế có gì khác trường công lập? Ai là người kiểm tra chất lượng giáo viên?

- Cũng như trường công lập, với giáo viên, cơ sở giáo dục có toàn quyền tuyển dụng. Về mặt pháp lý, người ứng tuyển phải có đủ bằng cấp tương xứng, rồi trải qua phỏng vấn, kết hợp kinh nghiệm làm việc, mới được tuyển dụng.

Hồ sơ nhân sự và chất lượng giáo viên sẽ được sở, phòng GD&ĐT quản lý và kiểm định chất lượng. Đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, giáo viên được hội đồng học thuật, tổ chức kiểm định, hiệp hội giáo dục nước ngoài kiểm tra. 

- Nhiều ý kiến cho rằng học sinh trường quốc tế dù được học nhiều kỹ năng mềm, chương trình học được quảng cáo là chất lượng hơn, nhưng khi tham gia các cuộc thi vào trường chuyên, lớp chọn hoặc đại học lại có kết quả không cao bằng học sinh trường công?

- Đó là câu hỏi của cả xã hội, thậm chí của cả những nhà quản lý giáo dục. Một gia đình bỏ tiền cho con học trường công lập, quốc tế, nhưng tại sao khi đi vào trường chuyên, lớp chọn thậm chí trượt từ vòng gửi xe?

Bời vì, hai nền giáo dục đó đặt trên 2 nền móng hoàn toàn khác nhau. Nếu hỏi vì sao học trường quốc tế không thể đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, thì đổi lại, kỹ năng, ngoại ngữ của học trò trường công lại không bằng học sinh trường nước ngoài.

Mục tiêu giáo dục của 2 bên khác nhau, từ cách giảng dạy, hệ thống kiểm tra đánh giá thi cử. 

Giáo dục công lập hướng tới thi cử, với tiêu chuẩn là kiến thức. Giáo dục ở trường quốc tế hướng tới kỹ năng, với tiêu chuẩn là tư duy. Ví dụ, chương trình công lập dạy cách giải bài toán Vật lý, chương trình nước ngoài hướng dẫn học trò tìm hiểu nguồn gốc, ứng dụng Vật lý. Đó chính là sự khác biệt mà các bậc phụ huynh phải chấp nhận khi bước đầu tìm hiểu trường và phương pháp giáo dục cho con.

truong dan lap, anh 3
Ông Cao Huy Thảo - nguyên Hiệu trưởng THPT Quốc tế Việt - Úc. Ảnh: Ngân Giang.

- Thị trường giáo dục ngoài công lập Việt Nam cần những yếu tố gì để phát triển tốt hơn?

- Sau nhiều năm, chúng ta phải thừa nhận sự có mặt đáng kể của loại hình giáo dục ngoài công lập và các trường sử dụng yếu tố giáo dục nước ngoài. Kinh doanh giáo dục là loại hình đầu tư đặc biệt, bắt buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích xã hội hóa, nhưng lại lâu có lãi.

Sự phát triển tiêu cực của một số trường có nguyên nhân là tầm nhìn ngắn hạn và thiếu hộ trợ từ chính sách. Nhà nước không cần can thiệp vào cơ chế quản trị và vận hành, cũng như kiểm soát mức độ lợi nhuận của trường ngoài công lập, mà phải bảo vệ lợi ích của người học, thông qua những cơ chế bảo đảm chất lượng và minh bạch về trách nhiệm giải trình.

Xét dài hạn, Nhà nước cần khích lệ sự phát triển lành mạnh của các trường ngoài công lập, vì họ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu giáo dục của người dân trong lúc nguồn lực công không thể đáp ứng hết được.

Vấn đề không phải dùng những công cụ chính sách để hạn chế các trường ngoài công lập, mà tạo ra một hành lang pháp lý khích lệ các trường kinh doanh lành mạnh. 

Không đồng ý thì chuyển trường: Trẻ con biết học ở đâu?

Chị Đào Hương Giang cho rằng điều phụ huynh mong muốn là sự thống nhất và thấu hiểu giữa thầy cô và cha mẹ, chứ không phải cứ đẩy các con đi cho xong chuyện.

Vinschool đề xuất tăng học phí, nhiều phụ huynh phản ứng

Thông tin Hệ thống giáo dục Vinschool tăng học phí từ năm học 2017-2018 nhận được ý kiến của nhiều phụ huynh. Trường khẳng định tăng học phí để cải cách, nâng tầm 3 lĩnh vực.






Ngân Giang

Video: Cát Lâm

Bạn có thể quan tâm