Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trưởng phòng giáo dục trao đổi trực tiếp về thu chi tài chính

Lần đầu tiên ở Hà Nội, trưởng phòng giáo dục đăng đàn trao đổi trực tiếp với đại diện cha mẹ học sinh, hiệu trưởng các trường học về điểm nóng trong công tác thu, chi.

Ngày 27/11, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Hà Nội, tổ chức Hội nghị đối thoại giữa trưởng phòng GD&ĐT quận với hiệu trưởng và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận về công tác thu chi.

Đây là lần đầu tiên phòng GD&ĐT tổ chức một cuộc "đối chất trực tiếp" để lắng nghe và giải đáp rõ các nội dung về thu chi cho hiệu trưởng và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các trường trực thuộc.

Truong phong giao duc 'doi chat truc tiep' anh 1

Trưởng phòng GD&ĐT Ba Đình Lê Đức Thuận trong buổi đối thoại.

Trưởng phòng GD&ĐT Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết nội dung đối thoại tập trung các các vấn đề nóng, mới, khó và các vấn đề mọi người cùng quan tâm như: Nâng cao chất lượng dạy học; công tác tuyển sinh đầu cấp; kỹ năng ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường... Tại đây, ông Lê Đức Thuận đã trả lời thẳng về các vấn đề nóng, bất cập được đại diện phụ huynh, các trường trên địa bàn nêu ý kiến.

Không thu tiền sử dụng điều hòa

Đại diện cha mẹ học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu, Tiểu học Vạn Phúc, Tiểu học Việt Nam - Cu Ba, THCS Giảng Võ quan tâm là từ năm học 2020-2021, tiền điều hòa sẽ được UBND quận hỗ trợ. Vậy, mức hỗ trợ là bao nhiêu và tính từ thời điểm nào?

Liên quan vấn đề này, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết căn cứ là công văn số 1742/UBND-GD&ĐT ngày 5/10 của UBND quận Ba Đình về chấp thuận các khoản thu, chi học phí và các khoản thu khác năm học 2020-2021.

Truong phong giao duc 'doi chat truc tiep' anh 2

Đại diện ban giám hiệu, phụ huynh học sinh các trường trên địa bàn quận Ba Đình đối thoại về công tác thu, chi tài chính.

Công văn nêu rõ: Không thu tiền sử dụng điều hòa các lớp năm học 2020-2021. UBND quận bố trí kinh phí hỗ trợ tiền điện điều hòa trong 2 tháng trên cơ sở số tiền điện điều hòa phát sinh tại đơn vị (lấy 2 tháng sử dụng nhiều nhất).

Trên cơ sở số tiền điện thực tế phát sinh do sử dụng điều hòa các lớp năm học 2019-2020, các đơn vị dự kiến nhu cầu trong năm học 2020-2021 và xây dựng kinh phí trên trong dự toán năm 2021.

Song, nếu cha mẹ học sinh có mong muốn tự nguyện đóng góp một phần kinh phí thì phòng GD&ĐT sẽ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND quận.

Hướng dẫn thu chi ngay từ đầu năm học

Cũng tại hội nghị, hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Khánh, trường THCS Giảng Võ… mong muốn sẽ nhận được các văn bản chỉ đạo sớm hơn về nội dung thu chi các khoản theo quy định và ngoài quy định.

Về việc này, trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết năm nay, do có một số thay đổi và điều chỉnh trong các văn bản hướng dẫn về tài chính của UBND TP (ảnh hưởng của dịch Covid-19, học phí năm học 2020-2021 đã giữ nguyên so với năm học 2019-2020, không tăng theo lộ trình như dự kiến trước đó), việc tham mưu UBND quận có chậm hơn năm học trước.

Tiếp thu ý kiến góp ý của nhà trường, năm học tới, các phòng ban chuyên môn thuộc quận tích cực, chủ động, sớm tham mưu để ban hành hướng dẫn thu chi ngay từ đầu năm học để các trường thuận lợi trong công tác triển khai, thực hiện.

Nâng cao điều kiện cơ sở vật chất

Đại diện Ban giám hiệu trường THCS Nguyễn Trãi bày tỏ đối với các trường khó khăn (số học sinh ít, nhiều gia đình phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí hạn chế), các nguồn thu rất ít ỏi.

Cùng đó, việc xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn, phòng GD&ĐT quận có giải pháp gì để đồng hành với nhà trường nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, cũng như tạo sự bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục giữa học sinh các trường, đảm bảo đời sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên để họ yên tâm công tác?

Trả lời nội dung này, ông Lê Đức Thuận cho rằng: Qua việc trao đổi, nắm bắt tâm tư, đề xuất, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường khó khăn để tư vấn, hướng dẫn các trường nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng theo Chuẩn mới về cơ sở vật chất (thông tư 13,14 BGD).

Truong phong giao duc 'doi chat truc tiep' anh 3

Nhiều hiệu trưởng, ban đại diện cha mẹ học sinh đặt câu hỏi "chất vấn" tại hội nghị.

Phòng GD&ĐT chủ động, tích cực và có tiếng nói cụ thể, thiết thực, đồng hành với trường trong các cuộc họp, hội nghị để báo cáo lãnh đạo UBND quận quan tâm nhiều hơn cho trường khó khăn. Đồng thời, xác định việc xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất đi trước một bước và song song quá trình nâng cao chất lượng giáo dục.

Phòng GD&ĐT chú trọng việc đánh giá có tính chất động viên khen thưởng đối với trường khó khăn để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường khó khăn thêm phấn khởi; quan tâm hỗ trợ để triển khai các hoạt động giáo dục toàn diện nhằm nâng cao vị thế, uy tín của trường; hỗ trợ công tác truyền thông của nhà trường; quan tâm chỉ đạo công tác tuyển sinh… Từ đó, trường mở rộng được qui mô, nâng dần sĩ số, cải thiện đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân

Cũng tại buổi đối thoại, trước nhiều ý kiến về việc thu, chi kinh phí hoạt động cho quỹ Ban phụ huynh cũng như công tác xã hội hóa giáo dục trong trường/lớp, Trưởng phòng Lê Đức Thuận cho biết Thông tư số 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quy định: Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ.

Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Trưởng phòng GD&ĐT Lê Đức Thuận khẳng định với nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của phòng GD&ĐT, đơn vị sẽ tham mưu, báo cáo tới UBND quận các vấn đề mà phụ huynh, nhà trường còn thấy khó khăn, vướng mắc để xem xét và giải quyết.

Một số người thắc mắc theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, liệu có hạn chế sự phát huy của công tác xã hội hóa giáo dục và cũng hạn chế các lĩnh vực mà phụ huynh có thể tham gia với nhà trường trong việc đem lại những điều tốt đẹp cho học sinh.

Ông Thuận lý giải qua theo dõi thực tế thì nội dung mà các đơn vị đề cập đúng là vấn đề băn khoăn của Ban đại diện cha mẹ học sinh và tập thể phụ huynh học sinh ở nhiều trường học.

Phòng GD&ĐT sẽ nghiên cứu sâu hơn về ý kiến này để có ý kiến đề xuất với các cấp trên tiếp tục có điều chỉnh trong văn bản hướng dẫn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho phù hợp tình hình đổi mới giáo dục và thực tế ở các cơ sở giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, trước khi có văn bản điều chỉnh của các bộ, ban ngành, ban đại diện cha mẹ học sinh các nhà trường vẫn thực hiện nghiêm theo Thông tư số 55 của của bộ.

Ngoài những nội dung trên, đại diện ngành giáo dục quận Ba Đình cũng thông tin, trả lời những thắc mắc, kiến nghị của đại diện các trường cũng như phụ huynh học sinh liên quan bảo hiểm y tế, đời sống giáo viên…

Học phí ngành y 70 triệu đồng/năm không cao

Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng học phí ngành y khoảng 68-70 triệu đồng/không cao. Thực tế tuyển sinh cho thấy xã hội chấp nhận mức thu này.

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ha-noi-truong-phong-giao-duc-doi-chat-truc-tiep-ve-thu-chi-7pN1hDAGR.html

Đăng Chung / Giáo dục & Thời đại

Bạn có thể quan tâm