Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường thông tin vụ 19 giảng viên không trở về sau đào tạo nước ngoài

Theo thông tin từ Đại học Đà Nẵng, 19 trường hợp giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài đã quá thời hạn nhưng chưa về nước.

Hàng chục cán bộ thuộc Đại học Đà Nẵng không trở về nước sau khi được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Ảnh: UDN.

Thông tin tới báo chí sáng 15/3, TS Cao Xuân Tuấn - Trưởng Ban tổ chức cán bộ, Đại học Đà Nẵng - cho biết từ trước đến nay, đơn vị có 19 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài đã quá thời hạn nhưng chưa về nước. Trong đó, 15 trường hợp đi học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng giáo sư, cơ sở đào tạo nước ngoài cấp.

Bốn trường hợp được cử đi học theo các đề án từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó, 2 trường hợp viên chức không về nước đã có đơn xin thôi việc. Trên cơ sở chi phí đào tạo Bộ GD&ĐT cung cấp, các trường đã tổ chức xét và ban hành quyết định đền bù chi phí đào tạo.

Hai trường hợp còn lại, hiện nhà trường vẫn tiếp tục liên hệ với viên chức. Trong trường hợp chắc chắn không về, Đại học Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các trường xử lý theo thẩm quyền và đề nghị bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.

Đại học Đà Nẵng thông tin có nhiều lý do khiến viên chức không trở về nước sau đào tạo như đang tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu cùng các giáo sư nước ngoài, điều kiện làm việc, thu nhập, gia đình…

Theo quy định, ngoài cam kết của viên chức khi được cử đi học và quyết định bồi hoàn kinh phí khi không thực hiện đúng cam kết, nhà trường không có chế tài nào khác để buộc viên chức phải về nước khi hết thời hạn học tập.

Thời gian tới, Đại học Đà Nẵng cùng với các trường đại học thành viên sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, vận động viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đúng hạn để về lại trường tiếp tục công tác.

Thông tin thêm, Đại học Đà Nẵng cho biết đơn vị đã làm thủ tục cử tổng số 246 viên chức đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo các đề án từ nguồn ngân sách nhà nước.

Từ năm 2005 đến nay, nhà trường đã cử hơn 1.000 viên chức đào tạo tiến sĩ bằng học bổng ngoài ngân sách nhà nước.

Công tác quản lý viên chức đi học ở nước ngoài được đơn vị thực hiện chặt chẽ theo đúng các quy định hiện hành, thường xuyên giữ liên lạc với viên chức trong suốt quá trình học tập.

"Các trường hợp đi học quá hạn đều có thông báo nhắc nhở, đề nghị viên chức về nước tiếp tục công tác theo cam kết và đề nghị các trường (đơn vị quản lý trực tiếp) xử lý theo quy định", Đại học Đà Nẵng thông tin.

Trước đó, báo chí đưa tin, ngày 13/3, Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay.

Đáng chú ý, địa phương có tình trạng công dân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi được cử đi du học theo các đề án, chương trình của thành phố, của các đơn vị sự nghiệp gây dư luận không tốt như trường hợp cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành xong quá trình đào tạo, công tác ở nước ngoài, các trường hợp này tiếp tục cư trú, làm việc ở nước ngoài, không về nước theo hợp đồng ký kết.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Đà Nẵng thông tin vụ bảo mẫu đánh đập trẻ tự kỷ

Qua kiểm tra, cơ sở giáo dục bị tố cáo bảo mẫu đánh trẻ tự kỷ ở Đà Nẵng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc nhận giữ trẻ.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm