UBND và các đại biểu dự hội thảo “Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm” do ông Lê Văn Tâm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ và ông Trần Việt Trường - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, chủ trì.
Rất đông thành phần đại biểu được mời tham dự gồm các nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy, cựu học sinh Trường Châu Văn Liêm và đại diện nhiều ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố tham dự.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Trần Việt Trường cho biết Trường THPT Châu Văn Liêm là trường có tính đặc thù riêng không chỉ của TP Cần Thơ mà còn của ĐBSCL. Từ năm 1987, cơ quan chức năng của Pháp đã có gửi văn bản cảnh báo hết niên hạn sử dụng và năm 1997 gửi văn bản lần 2. UBND TP Cần Thơ đã có chủ trương xây dựng nhưng “vì nhiều lý do khách quan”, đến nay chưa xây dựng được trường này.
“Tới thời điểm này trường đã xuống cấp trầm trọng, một phần đã đóng cửa không sử dụng. Hội thảo hôm nay xin ý kiến các đại biểu để có sự thống nhất, kiến nghị lãnh đạo thành phố có giải pháp tối ưu cho trường”, ông Trường nêu.
Trường THPT Châu Văn Liêm do Pháp xây dựng từ năm 1917, nhận được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ giới kiến trúc sư cả nước mà còn của nhiều người dân và cựu học sinh. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trường trăm tuổi thành trường… một tuổi
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 2 TP Cần Thơ, trình bày ba phương án đối với Trường Châu Văn Liêm và một phương án của Sở Giáo dục - đào tạo mới bổ sung.
Theo đó phương án 1 sẽ là cải tạo cơ bản với việc tập trung cải tạo 5 công trình kiến trúc Pháp gốc (bổ sung thêm nhà vệ sinh); cải tạo, nâng cấp hệ thống sân vườn, cây xanh ngoài vườn gắn với hệ thống thoát nước mưa và bể nước điều hòa; làm lại cổng, hàng rào và các hạng mục nhà để xe; xây mới công trình đa năng ở vị trí nhà xe học sinh phía đường Trương Định với quy mô 300m2, cao hai tầng theo kiến trúc hiện đại, nhưng phải hài hòa với kiến trúc cổ xung quanh. Chi phí cho phương án này khoảng 110 tỷ đồng.
Ông Phúc nhận định phương án này chi phí đầu tư thấp, giữ lại được kiến trúc cũ, gốc, nhưng không đáp ứng được nhu cầu học sinh của trường đạt chuẩn quốc gia, kết cấu không đảm bảo theo nguyên bản gốc, nguyên liệu phải nhập khẩu và thời gian thi công kéo dài…
Phương án 2 là cải tạo toàn diện trường mà theo đó vẫn tập trung cải tạo 5 công trình thời Pháp nhưng xây mới khối công trình thời Mỹ (giai đoạn năm 1972) theo hình thức kiến trúc Pháp gốc; cải tạo khối hội trường, đưa thêm chức năng hòa âm, xây dựng thêm khối phòng tin học; xây mới nhà đa năng và trung tâm học liệu… với chi phí khoảng 133 tỷ đồng.
Phương án 3 được ông Phúc trình bày là xây dựng mới trường trên nền kiến trúc cũ mà theo đó chỉ giữ lại duy nhất khối phòng học cặp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn lại phá dỡ và xây dựng lại toàn bộ các khối nhà theo hình thức kiến trúc Pháp.
Tổng vốn đầu tư của phương án này khoảng 117 tỷ đồng. Còn phương án 4 là xây mới hoàn toàn trường này dựa trên nền kiến trúc cũ với kinh phí khoảng 94 tỷ đồng.
Sau khi trình bày các phương án nêu trên, ông Phúc cho biết đơn vị này đã họp với các sở ngành liên quan rất nhiều lần “và chúng tôi mạnh dạn đề xuất làm theo phương án 3 (chừa lại một dãy phòng cặp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn lại xây mới)”.
Theo ông Phúc, ý kiến này được các sở ngành đánh giá cao và “hội nghị hôm nay tôi xin truyền đạt ý kiến mà chúng tôi đã họp, thống nhất với nhau nhiều lần”.
Xuống cấp là xây mới thì Nhà hát lớn Hà Nội chẳng còn
Dù là hội thảo mà mục tiêu là để lấy ý kiến các đại biểu về các phương án trùng tu hay xây mới trường nhưng một bản đề dẫn hội thảo khá dài do bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đã được gửi đến nhiều cơ quan báo chí vào ngày 14/3 (tức trước khi hội thảo diễn ra hai ngày) giãi bày “tính cấp thiết trong triển khai dự án Trường THPT Châu Văn Liêm ở thời điểm hiện nay”.
Ngoài ra công tác triển khai các hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống, hoạt động thư viện có nhiều hạn chế vì khu phòng truyền thống đã bị cách ly, thư viện phải chuyển sang phòng khác; công tác quản lý các hoạt động giải trí của học sinh gặp nhiều khó khăn, an toàn của học sinh chưa được đảm bảo tuyệt đối khi nhà trường có nhiều khu vực nguy hiểm…
Tại hội thảo, bà Thắm trình bày lại toàn bộ bản báo cáo đề dẫn này rằng: Thực tế trường đã thực hiện dạy 2 buổi/ngày kể từ năm học 2001-2002 nhưng năm học 2015-2016 đã chuyển sang hình thức dạy học 1 buổi/ngày vì một số dãy phòng học đang xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo duy trì dạy học 2 buổi/ngày như trước đây nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh; số lượng phòng học dạy ứng dụng công nghệ thông tin giảm từ 7 xuống còn 2 phòng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận thông tin thực tế.
Trước thực trạng trên, bà Thắm nêu “tính cấp thiết” trong triển khai dự án là trường đã hư hỏng nặng, từ năm 2007 đến nay chỉ sửa chữa nhỏ; trường là nơi học tập, tập trung đông người, dù đã triển khai các giải pháp an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên ở thời điểm hiện tại. Tình hình trường lớp xuống cấp trầm trọng đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần học sinh và thầy cô giáo đang tham gia học tập tại trường…
Tuy nhiên, ông Trương Công Mỹ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ, lưu ý nếu tư duy kiểu xuống cấp mà xây mới thì những công trình như nhà hát lớn TP Hà Nội, TP HCM không còn nữa mà phải đập bỏ hết rồi.
Theo ông Mỹ, một ngày nào đó TP Cần Thơ phát triển mà ông ví như Singapore hiện tại thì những công trình như Trường THPT Châu Văn Liêm là một viên ngọc vô cùng quý. Ông Mỹ cũng nêu quan điểm là coi trọng phương án bảo tồn, đương nhiên cần phải tính toán đảm bảo an toàn sử dụng.
Cũng theo ông Mỹ, việc xây mới trường này cần có đánh giá về kết cấu chịu lực mà theo ông “công trình này cũ, xuống cấp nhưng kết cấu chịu lực chưa được thăm dò đầy đủ”.