Để thành lập trường ĐH ngoài công lập cần đến nguồn vốn, các nhà giáo lại không có nhiều tiền nên đã mời gọi các nhà đầu tư góp vốn.
Ngay từ đầu, những người sáng lập trường là các nhà giáo cùng các nhà đầu tư đã ngồi lại và hỗ trợ nhau khá tốt.
Tuy nhiên, sau quá trình hoạt động dần tích tụ bất đồng và nảy sinh mâu thuẫn.
Trường ĐH Hoa Sen trên đường Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM. |
Mâu thuẫn khi chuyển đổi loại hình trường
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nguồn gốc của mọi bất ổn hiện nay ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều bắt nguồn từ quy chế 14 (quy chế tổ chức và hoạt động trường ĐH tư thục, ban hành theo quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/1/2005).
Cụ thể khoản 5, điều 35 của quy chế này khẳng định “toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư...”.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ngày 14/3/2014, Bộ GD-ĐT thừa nhận:
“Các văn bản quy định về chuyển đổi mô hình ĐH dân lập sang mô hình ĐH tư thục chưa tính hết các loại giá trị vốn góp ban đầu nên khó triển khai trên thực tế. Quy định về sở hữu, xác định tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trong giáo dục ĐH ngoài công lập qua một thời gian dài vẫn chưa cụ thể, chưa định lượng rõ”.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ngày 14-3-2014, Bộ GD-ĐT thừa nhận:
“Các văn bản quy định về chuyển đổi mô hình ĐH dân lập sang mô hình ĐH tư thục chưa tính hết các loại giá trị vốn góp ban đầu nên khó triển khai trên thực tế. Quy định về sở hữu, xác định tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trong giáo dục ĐH ngoài công lập qua một thời gian dài vẫn chưa cụ thể, chưa định lượng rõ”.
Ngay trong thời điểm hiện nay, hai loại hình trường dân lập và tư thục cùng tồn tại song song với nhau. Nguồn vốn hình thành nên tài sản của cả hai loại trường này giống nhau, đều do một số nhà đầu tư đóng góp, đều được tích lũy trong quá trình hoạt động...
Áp theo quy chế 14, nhà đầu tư vào trường tư thục được làm chủ sở hữu toàn bộ tài sản.
Trong khi đó các trường dân lập hoạt động theo quy chế 86 (quy chế trường ĐH dân lập, ban hành kèm quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó điều 1 và điều 36 quy chế 86 quy định “tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên...”, thì nhà đầu tư cũng chỉ là thành viên của chủ sở hữu chứ không phải là người sở hữu duy nhất tài sản của trường.
So sánh hai quy chế này thấy rõ ràng một bên nhà đầu tư ở loại hình dân lập chỉ được sở hữu một phần, còn một bên nhà đầu tư loại hình tư thục lại là chủ sở hữu toàn bộ. Vì vậy nhà đầu tư các trường dân lập đều muốn gấp rút chuyển sang loại hình tư thục.
Nói về quy chế 14, hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM nhận định: “Theo các quy chế này, hội đồng quản trị trường ĐH tư thục có quyền rất to. Rõ ràng người có tiền được quyết định rất nhiều thứ. Điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp”.
Năm 2006, Thủ tướng ra quyết định số 122 cho phép 19 trường ĐH dân lập chuyển sang loại hình trường ĐH tư thục. Việc chuyển đổi phải thực hiện trong thời hạn một năm. Đồng thời giao Bộ GD-ĐT hướng dẫn chi tiết về việc này. Ngay sau khi có quyết định này, hàng loạt trường sốt sắng gấp rút chuẩn bị hồ sơ chuyển sang tư thục.
Chính việc nôn nóng chuyển đổi này cùng với những toan tính mưu cầu lợi ích đã đẩy nhiều trường bùng phát những bất ổn nghiêm trọng. Lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập cho rằng mâu thuẫn lớn nhất xảy ra ở các trường hiện nay là vấn đề sở hữu tài sản và quyền quyết định cơ cấu tổ chức.
Tại đại hội cán bộ công nhân viên Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) vào tháng 7/2011, ông Lê Văn Lý, hiệu trưởng nhà trường, khi đó cho rằng: “Mâu thuẫn nảy sinh từ khi có quyết định chuyển đổi loại hình trường. Từ đây, chủ tịch hội đồng quản trị, nhà đầu tư mới lấn sân rất sâu và toàn quyền quyết định mọi hoạt động của nhà trường”.
Khó triển khai trên thực tế
Đến tháng 4/2009, Thủ tướng ban hành quy chế 61 (quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, ban hành kèm theo quyết định 61/2009/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ) thay thế quy chế 14.
Theo đó, quy định tài sản của các trường ĐH tư thục bao gồm một phần do các nhà đầu tư đóng góp và một phần hình thành trong quá trình hoạt động (tài sản chung). Tuy nhiên với quy chế 61, nhà trường vẫn mang dáng công ty cổ phần vì toàn bộ hội đồng quản trị vẫn do đại hội đồng cổ đông là những người góp vốn quyết định.
Phải mất bốn năm kể từ khi có quyết định 122, đến năm 2010 Bộ GD-ĐT mới ban hành thông tư 20 để hướng dẫn chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục.
Nhưng sau khi có thông tư này, việc chuyển đổi cũng bất thành do nhiều trường đã gặp rắc rối khi chuyển đổi.
Các trường ĐH đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn việc quản lý sử dụng phần tài sản thuộc sở hữu tập thể sau khi chuyển đổi từ dân lập sang tư thục, trong đó nêu rõ: “Thông tư chưa hướng dẫn rõ phần vốn tích lũy thuộc sở hữu chung sau khi chuyển đổi có được chia cổ tức hằng năm để bổ sung vốn gốc, tăng thêm vốn tích lũy hay không”.
Ngày 12-1-2011, Bộ Tài chính đã ra công văn gửi Bộ GD-ĐT cho rằng thông tư 20 có vấn đề và đề nghị Bộ GD-ĐT sửa thông tư này theo hướng: “Tài sản này không được rút ra khỏi nguồn vốn hoạt động của trường ĐH tư thục, được chia cổ tức như các nguồn vốn cổ phần khác và dùng để bổ sung vốn, tăng thêm vốn tích lũy của trường ĐH tư thục, sử dụng cho đầu tư phát triển...”.
Sở hữu tập thể
Ngày 30/5/2008, Chính phủ ban hành nghị định 69 (nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề...).
Khoản 4, điều 13 nghị định này nêu rõ: “Trường hợp cơ sở dân lập chuyển đổi thành cơ sở tư thục (tư nhân), trong đó số tài sản được tích lũy từ kết quả hoạt động của cơ sở dân lập là thuộc sở hữu tập thể, được xác định và chuyển giao cho cơ sở tư thục quản lý và sử dụng theo nguyên tắc bảo tồn, phát triển, không được chia cho cá nhân và được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật”.
Đây là mấu chốt để không xảy ra lộn xộn trong quá trình chuyển đổi, và rõ ràng các nhà đầu tư vào trường tư thục không hài lòng với điều này vì tài sản nhà đầu tư sẽ trở thành “sở hữu tập thể”.