Khoảng 40 phụ huynh từng phản đối chính sách học phí trong đợt dịch Covid-19 của trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (viết tắt là trường Việt Úc) bất ngờ nhận được thông báo từ chối tiếp nhận con mình từ năm học tới. Trong số này, một số phụ huynh đã đóng một phần hoặc đầy đủ học phí trong đợt dịch Covid-19.
Các luật sư cho rằng trường cần đưa ra căn cứ pháp lý cho hành động từ chối tiếp nhận học sinh của mình. Nếu không, nhà trường đang đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ trái quy định của pháp luật.
Thông báo từ chối tiếp nhận học sinh từ năm học sau của trường Việt Úc. Ảnh: PHCC. |
Thông báo chung chung
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, Đoàn luật sư TP.HCM, nói thông báo của trường Việt Úc đưa ra lý do không cho học sinh tiếp tục học vào năm tiếp theo nhưng lại không nêu cụ thể, chỉ nói chung chung.
"Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù nhà trường đã cố gắng hết mức, chúng tôi vẫn không thể đạt được sự đồng thuận với một số phụ huynh. Sự bất đồng về quan điểm dẫn đến những sự cố gây bất ổn tới môi trường học tập của học sinh và thầy cô.
Để đảm bảo lợi ích phát triển tốt nhất cho các em, chúng tôi buộc lòng phải thông báo tới ông, bà, trường Việt Úc sẽ không thể tiếp nhận em tiếp tục học tập tại trường năm học 2020- 2021", trích thông báo của trường Việt Úc.
"Những trường hợp nhà trường ra thông báo từ chối tiếp nhận học tập đều do phụ huynh chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng với trường về học phí và một số vấn đề khác. Hiện tại, năm học sắp kết thúc, những phụ huynh này vẫn chưa có động thái gì chắc chắn cho con học tiếp tại trường, như chưa đóng phí giữ chỗ cho năm tới, nên trường phải đưa ra thông báo như vậy", đại diện nhà trường thông tin.
"Với số lượng phụ huynh học sinh rất ít, dường như, đây là phản ứng cứng rắn của trường trước việc một số người có ý kiến phản đối hay không hài lòng về việc thu học phí trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 vừa qua", luật sư Lĩnh nhận định.
Theo ông Lĩnh, xét về phương diện pháp lý, nhà trường và phụ huynh (đại diện cho học sinh) là quan hệ dân sự. Việc có hay không tiếp tục nhận học sinh vào các năm tiếp theo dựa trên sự thỏa thuận và quyết định của các bên.
Phụ huynh tùy điều kiện tài chính hoặc lý do khác, có thể chuyển trường cho con. Nhà trường cũng có thể từ chối tiếp nhận học sinh nếu phụ huynh hoặc học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy, quy chế nhà trường (không đóng học phí đúng hạn; học sinh gây gổ đánh nhau, sử dụng ma túy…).
Tuy nhiên, vẫn theo ông Lĩnh, thông báo của trường Việt Úc chỉ đưa ra lý do chung chung để không tiếp nhận học sinh là chưa đảm bảo quy định pháp luật.
Khoản 2, Điều 83, Luật Giáo dục quy định quyền của người học là bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập. Do vậy, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo quyền được học tập của người học. Nếu không có lý do chính đáng, rõ ràng, cơ sở giáo dục không thể từ chối tiếp nhận người học. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng quyền của học sinh, gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho các em.
"Mâu thuẫn giữa nhà trường và phụ huynh có nhiều phương án giải quyết. Mỗi bên cần lùi một bước để có tiếng nói chung, đảm bảo không tổn thương học sinh hay con em mình", ông Lĩnh nêu quan điểm.
Căn cứ nội dung thông báo gửi đến phụ huynh của trường Việt Úc, luật sư Đặng Bá Kỹ, Công ty Luật TNJ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng có thể hiểu đây là thông báo đơn phương chấm dứt giao dịch dân sự về việc học của học sinh.
Theo quy định điều 428 Bộ luật Dân sự 2015, một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại trong 3 trường hợp: Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định.
"Dựa theo thông báo trên, tôi không rõ nhà trường căn cứ điều nào trong số 3 điều trên để xác định họ được quyền đơn phương chấm dứt giao dịch dân sự. Vì không đưa ra căn cứ để chấm dứt giao dịch nên có thể hiểu đây là hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có căn cứ pháp lý. Nếu không có căn cứ pháp lý, hành động của trường là không đúng", luật sư Đặng Bá Kỹ nói.
Luật sư Kỹ cho rằng trường hợp nhà trường không đưa ra căn cứ pháp lý để đơn phương chấm dứt hợp đồng, phụ huynh có quyền yêu cầu trường tiếp tục thực hiện hợp đồng, tức là nhận học sinh và bồi thường nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng gây ra thiệt hại cho học sinh và phụ huynh.
Phụ huynh phản đối chính sách học phí của trường Việt Úc trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: M.N. |
"Đi ngược giá trị giáo dục"
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Khoản 1, Điều 37, Hiến pháp năm 2013, quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Điều 39 của Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
Trao đổi với Zing ngày 3/7 về việc trường Việt Úc từ chối tiếp nhận học sinh do bất đồng với phụ huynh về học phí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sở đã nắm được thông tin và sẽ trao đổi với trường về vụ việc này.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang nhận định có thể phụ huynh và nhà trường đã ký hợp đồng dịch vụ giáo dục khi cho con nhập học. Giả sử hợp đồng này là đúng và đang có hiệu lực, do không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Về mặt pháp lý, trong hợp đồng giáo dục, hai bên ký kết là phụ huynh và nhà trường. Nhưng học sinh là người trực tiếp sử dụng và thụ hưởng dịch vụ giáo dục, có quyền và nghĩa vụ trực tiếp.
Do đó, thực chất đây là hợp đồng giữa 3 bên: Nhà trường, học sinh, phụ huynh. Trong đó, phụ huynh và nhà trường có quyền tự do hợp đồng, học sinh có quyền được học tập của công dân và quyền trẻ em.
Trường Việt Úc từ chối tiếp nhận học sinh học tập khi phụ huynh chưa hoặc không có ý định chuyển trường cho con, cho thấy biểu hiện xung đột giữa các quyền: Quyền học tập của công dân, quyền trẻ em và quyền tự do hợp đồng.
Trường hợp có khúc mắc, xung đột xảy ra, nếu hành xử nhân văn và văn minh, nhà trường nên hỏi ý kiến học sinh trước khi đưa ra quyết định, vì các em là một bên liên quan trong hợp đồng.
Theo thạc sĩ Quang, khi xung đột về quyền và lợi ích giữa các bên, quyền trẻ em của học sinh được ưu tiên hơn. Cơ quan công quyền, mà trực tiếp liên quan là Sở GD&ĐT TP.HCM, phải có trách nhiệm bảo vệ và đảm bảo quyền hiến định của học sinh, là được học tập và quyền trẻ em được thực thi đúng.
Ông Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia giáo dục độc lập, cho rằng hành động từ chối tiếp nhận học sinh của trường Việt Úc rất tiêu cực, đi ngược các giá trị trong giáo dục.
Theo ông, nếu cha mẹ, trong vai trò người giám hộ học sinh, vì không đồng quan điểm mà cho con nghỉ hoặc không đóng học phí năm học tới, trường thông báo ngừng cung cấp dịch vụ theo thỏa thuận nhập học là đúng.
Tuy nhiên, nếu phụ huynh vẫn có nhu cầu học và đóng phí giữ chỗ năm học tới theo đúng quy định, việc đơn phương đưa ra thông báo không tiếp nhận học sinh là không đúng.
Việc này đi ngược với Hiến pháp (quyền học tập của công dân), Luật Bảo vệ Trẻ em (quyền bình đẳng về học tập) và Luật Giáo dục (cấm phân biệt đối xử với người học).
"Thông báo của nhà trường có ảnh hưởng việc học của học sinh, do vậy trường không nên làm việc này đơn phương, mà nên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với phụ huynh. Nếu cha mẹ không còn nhu cầu cho con học nữa, trường mới gửi thông báo chấm dứt cung cấp dịch vụ hoặc không tiếp nhận học sinh từ năm học sau", ông Nguyên nói.
Ông Bùi Khánh Nguyên cũng cho rằng trường không hiểu đúng về quyền học tập của trẻ em được luật bảo vệ, cũng như không phân biệt được hai mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh và giữa nhà trường với học sinh.
Đầu tháng 4, trường Dân lập Quốc tế Việt Úc ra thông báo thu 100% học phí học phần 4. Nhóm phụ huynh có đơn kiến nghị gửi nhiều cơ quan chức năng như Sở GD&ĐT TP.HCM và UBND TP.HCM, phản đối việc này.
Ngày 2/5, trường thông báo giảm 70% học phí bậc tiểu học và trung học trong thời gian nghỉ, phải học online, miễn 100% học phí đối với bậc mầm non. Sau đó, trường đưa ra bảng thống kê chi tiết học phí phải đóng sau khi miễn, giảm học phí online nhưng phụ huynh tiếp tục phản ứng.
Ngày 5/5 và 15/5, hàng trăm phụ huynh đến trường, căng biểu ngữ phản đối, đề nghị được đối thoại với trường.
Ngày 20/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, làm việc với trường Dân lập Quốc tế Việt Úc và các trường dân lập quốc tế khác để có biện pháp giải quyết, trả lời phụ huynh theo thẩm quyền.