Truyền hình thực tế và cái giá của sự tử tế
Chúng ta hiểu được ý nghĩa, giá trị của sự tử tế, vậy nhưng thực tế đôi khi lại quá xa vời với lý thuyết, ít nhất là khu vực giải trí với những chương trình trên truyền hình hiện nay.
Sự tử tế lỗi thời
Cuộc thi Người mẫu Việt Nam mùa thứ 2 đã đi vào phần thi nước rút. Và sáng đầu tuần, hầu như tất cả các báo đều lên tin về chuyện một thí sinh bị loại vì vấn đề cân nặng. Đọc đến đây mới thấy nực cười vì rõ ràng hiện nay, thế giới đã bớt chuộng rất nhiều những người mẫu “lá lúa” khi mà di chuyển trên sàn catwalk như một cái mắc áo.
So với một Whitney Thompson, một trong những người mẫu có thân hình đầy đặn nổi lên từ America's Next Top Model... |
... thì thân hình "lá lúa" của các người mẫu đoạt giải Vietnam's Next Top Model là đúng format? |
Tại chính cuộc thi nguyên bản, America's Next Top Model mùa thứ 10 (năm 2008) đã ghi nhận chiến thắng của một cô gái tóc vàng có tên Whitney Thompson với thân hình ngoại cỡ. Báo chí Mỹ lúc đó cũng như khắp nơi coi đó là một đòn giáng mạnh vào chuyện các người mẫu đang ngày càng biếng ăn để có những thân hình cò hương di chuyển.
Thậm chí, chính Whitney cũng tuyên bố rằng việc các người mẫu biếng ăn để có một thân hình gày gò như vậy là một sự ngược đãi cơ thể, không yêu quý bản thân. Tất nhiên, đó là một lập luận đúng và thực tế chứng minh là Whitney không hề thất nghiệp với hình thể của mình khi hiện nay cô đang được quản lí bởi Elite Model Management và cũng đã xuất hiện trên rất nhiều bìa của các ấn phẩm, tạp chí. Vậy nên, lấy vấn đề cân nặng của thí sinh ra làm nhược điểm chính để loại họ thì xem ra có vẻ hơi bất hợp lý.
Nhu cầu thời trang, nghề nghiệp không hẳn lúc nào cũng cần những cô người mẫu như những người “sắp chết đói” và không phải cô người mẫu gầy nào cũng sẽ tỏa sáng và làm mẫu tốt. Vậy sao phải ép thí sinh phải thực hiện theo một quy chuẩn không rõ ràng từ đầu của chính ban tổ chức, cũng như việc quy định thế nào là béo - gầy cũng không được nhắc đến một cách cụ thể?
Còn nếu nói làm theo format gốc một cách “tử tế” thì rõ ràng phiên bản gốc đã làm được điều ngoại lệ và quyết định của họ đã thành công thì tại sao chúng ta - những người đi sau ở một đất nước kém phát triển ngành nghề này - lại từ chối điều đó?
Sự tử tế không đến từ nước mắt
Giọng hát Việt được nhận định là một sân chơi tấu hài kịch. Việc Trần Lập, Thu Minh hay Hà Hồ hoặc Đàm Vĩnh Hưng biến mình thành con rối trong tay nhà sản xuất là chuyện của bản thân họ và nhà sản xuất, chỉ họ hiểu, truyền thông chỉ là “kẻ qua đường” tình cờ lượm được vài thứ rác họ ném qua cửa sổ trong một số lần ít ỏi cãi vã nhau mà quên khép cửa.
Thế nhưng, những giọt nước mắt mà các ngôi sao hàng đầu Việt Nam nhỏ xuống trong những đêm biểu diễn của chương trình đã không còn là biểu tượng của sức mạnh, của sự cảm động của sự chân thành nữa. Những giọt nước mắt đó giống như một kỹ năng trình diễn nhiều hơn.
Những giọt nước mắt của Phương Uyên tại buổi họp báo trần tình clip lộ chuyện sắp xếp kết quả nhận được bao nhiêu sự đồng tình của khán giả? |
Nó không khiến người khác cảm thấy thực sự là xúc động, hoặc cũng có thể nó được đi kèm cùng với những ngôn từ “lộng lẫy”, trong khi sự hàm ý lại quá ít. Sự tử tế cũng chẳng thể tìm thấy được trong những giọt nước mắt “bán buôn” kia. Việc thí sinh xinh đẹp mà hát dở đi tiếp hay ở lại cũng chỉ là chuyện nội bộ, đâu cần nhiều sự quan tâm của khán giả nữa.
Điều đáng quan tâm là sau cuộc thi này, những ve vãn đó liệu có thực sự phát huy tác dụng, những giám khảo có theo họ cả đời để bao bọc khi mà chính bản thân chương trình này (hoặc một vài chương trình khác) cũng đang là những cái phao “cứu sinh” cho sự nghiệp của họ khi đã qua bên kia sườn dốc. Vậy những giọt nước mắt nhuốm màu kịch nghệ như vậy chắc gì đã là tốt, chắc gì đã là điều họ - những người trẻ - cần để làm đẹp trong những câu chuyện dạng như anh A, chị B, chị C đã khóc khi chia tay tôi chứng tỏ họ yêu quý tôi thật. Những ảo vọng mà sự tử tế còn cần phải nhấc lên đặt xuống rất nhiều!
Trong một chương trình đối thủ đang phát sóng là Vietnam Idol thì rõ ràng BGK ở chương trình này có vẻ đã làm tốt hơn và ít nhất sự tử tế của họ nhìn thấy được, cảm nhận được. Trong đêm công bố top 10, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nhắc nhở, phê bình thí sinh của cuộc thi khi lên mạng chê thí sinh của The Voice.
Rõ ràng việc thí sinh Thanh Trúc chê Bảo Anh là một điều không nên, cho dù xuất phát từ mục đích gì đi chăng nữa. Nhưng đáng hoan nghênh hơn là việc BGK đã kịp “cảnh tỉnh” thí sinh của mình, nhắc họ rằng đi soi mói thí sinh cuộc thi khác để chê bai, để “đạp họ xuống”, lấy đó làm bàn tựa đưa mình lên là điều hoàn toàn sai trái. Một “cái tát” đúng lúc và đúng chỗ thì cần thiết để họ tỉnh ngộ, xác định được mình là ai hơn là trao kim cương để họ nhầm tưởng mình là công chúa/ hoàng tử ếch.
Và sự tử tế đến từ những câu chuyện hè phố
Một chương trình khác, cũng là truyền hình thực tế, có tên So you think you can dance (Thử thách bước nhảy) lại là một sự tử tế hiếm có trong số các chương trình đang phát sóng hiện nay. Một chương trình tìm kiếm tài năng nhảy múa với những câu chuyện khiến khán giả phải khóc.
Cậu bé chạy thận Hoa Đức Công với niềm đam mê của mình khiến người xem rơi nước mắt. |
Một cậu bé bị suy thận độ 4 vẫn nhảy bằng cả trái tim và chỉ chịu dừng lại bước nhảy khi bác sĩ yêu cầu. Một chàng trai miền Tây từ bỏ quê nhà lên thành phố theo đuổi nghệ thuật khi chứng kiến những trận đòn mẹ cậu hứng chịu từ người bố say xỉn tối ngày. Một người anh nắm tay người em gái bước ra khỏi “bóng đêm” của sự trầm cảm dài ngày sau khi thiếu vắng tình thương cha mẹ bằng những điệu nhảy tại một thành phố nhỏ miền Trung. Và còn rất nhiều những câu chuyện khác nữa, những câu chuyện mà khi nghe, khi nhìn, tự hỏi nếu đặt mình vào hoàn cảnh đó liệu có đủ tỉnh táo để bước qua ranh giới đó để làm một người tốt, tử tế bước vào xã hội đầy đam mê như thế.
Tất nhiên, trên băng ghế giám khảo, những giọt nước mắt đã chảy khi nhìn Hoa Đức Công nhảy những điệu nhảy vui nhộn cuối cùng trước khi rời bỏ cuộc thi theo chỉ định của bác sĩ nếu cậu bé muốn tiếp tục sống. Cả hội trường đứng dậy, vỗ tay theo nhịp nhạc, lắc lư theo điệu nhảy và nhân vật chính vẫn nở nụ cười tươi rói khi nói lời chia tay.
Chắc chắn đó là một nỗi đau lớn, một nỗi buồn bất tận, bởi một chàng trai đã lấy nghệ thuật làm lẽ sống giờ không thể biểu diễn trên chính sàn diễn dành cho mình cũng đã là một bi kịch rồi. Vậy nhưng, tâm thế của người ra đi, của người ở lại đều khiến cho khán giả xem thấy rằng đó là sự chân thành, là sự tử tế của những người đi và người ở lại dành cho nhau.
Những giọt nước mắt của một giám khảo nữ cùng cái xiết tay thật chặt như để níu giữ khiến người xem thấy quặn thắt tim mình. Những giọt nước mắt đó đẹp, nó không có dấu hiệu của một “kỹ năng”. Còn nhiều, rất nhiều những giọt nước mắt của thí sinh đã nhỏ xuống khi những chấn thương tìm đến khiến họ không thể tiếp tục tham gia cuộc thi.
Họ tiếc cho những cố gắng của mình. Họ tiếc cho những đam mê của họ sẽ phải tạm dừng khi mà ngưỡng cửa của hy vọng, của thành công đã cận kề. Nhưng rồi, gạt nước mắt đi và bước tiếp và chờ đợi năm sau lại là điều đáng quý hơn. Đó là điều mà sẽ chẳng ai dạy ai được trong một cuộc thi, chỉ là sự đối xử tử tế giữa con người với con người - điều tưởng đơn giản mà không phải ai cũng biết.
Nếu nói tinh thần của cuộc thi cũng ảnh hưởng nhiều tới thí sinh và chặng đường sau này của họ chắc cũng không sai. Một thí sinh bước ra từ cuộc thi The Voice sẵn sàng “chiếm sân khấu” của đàn chị Siu Black trong một ca khúc hát đôi. Sự thiếu bản lĩnh, thiếu tinh thần học hỏi và thiếu sự văn minh ứng xử của một thế hệ đàn em với đàn chị là điều cần xem xét lại.
Những câu nói “vỗ mặt” của một nam thí sinh miệt mài khắp các cuộc thi để rồi đậu lại ở The Voice dành cho nhà báo rằng “Hãy là những chú ong chứ đừng là những con ruồi” khiến tất cả ngã ngửa về sự tử tế dành cho nhau trong lúc nước sôi lửa bỏng. Báo chí, truyền thông không phải lúc nào cũng đúng, nhưng cũng không ngu dại tới mức được BTC mời đến một cuộc họp báo “giải nguy” để nghe thí sinh “mắng” như vậy.
Những câu nói "vỗ mặt" của thí sinh dành cho giới truyền thông trong họp báo scandal dàn xếp kết quả The Voice, "đòn ghen ngược"? |
Đó là sự thiếu hiểu biết mục đích của cuộc họp báo khi mà nhà báo đến đó để lắng nghe ý kiến từ BTC chứ không phải là từ thí sinh - những người không tự quyết định được số phận của mình trong cuộc thi. Và rồi lại một thí sinh khác trong chính cuộc thi đó lên mạng nói một câu "Đừng để chúng tôi khinh". Đến lúc này, báo giới quay ra hỏi nhau: Ghen ngược hả? Ai có quyền khinh ai ở đây? Chúng ta làm gì lên tội để bị khinh bởi những “đứa trẻ” chưa biết theo nghề được đến đâu mà đã mạnh miệng tuyên bố này kia. Đúng là “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu