Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyền nước không đúng khỏe thành yếu

Nhiều vụ tử vong do sốc phản vệ khi truyền dịch được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua khiến những người có “sở thích” truyền dịch chột dạ.

“Ăn” bằng… kim thì dễ đau

Từ lâu truyền dịch (nhiều người quen gọi là truyền nước hay “vô nước biển”) đã trở thành mốt. Ở các phòng mạch tư và một số nhà thuốc, hiện tượng người không bệnh tật gì đến đề nghị được truyền dịch đã phổ biến với lý do “tăng sức bên cho cơ thể”. Người già chỉ bị đau đầu nhưng cứ nằng nặc đòi vô “nước biển” để dễ ngủ. 

Chị em phụ nữ thấy mệt mỏi, người hơi sốt cũng đi truyền để nhanh phục hồi, cho da dẻ trông mỡ màng. Sĩ tử chuẩn bị vào mùa thi, mắt dán vào sách trong khi một bên tay lủng lẳng dây truyền… với hy vọng đủ sức “chiến đấu”… Có tình trạng này là vì nhiều người thích cảm giác “mát trong người” khi dịch truyền lan đến từng mao mạch, khi chỉ cần một mũi tiêm vào ven đã có thêm nước và khoáng chất vào ngay tĩnh mạch.

Thực chất, truyền dịch không phải liệu pháp thần kỳ như họ nghĩ. Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được thì việc truyền dịch không tốt hơn mấy so với việc bù nước qua đường uống. Một số người khỏe mạnh, tự ý truyền dịch giàu dinh dưỡng thì không khác gì tự biến mình thành bệnh nhân. Vì loại dịch này chỉ dành cho người không ăn uống được, người khỏe dùng vào có thể sinh ra “lười ăn” vì dung mao ruột thoái hóa; phù tim, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy mỗi năm có trên 16 triệu trường hợp viêm gan B, hơn 4,5 triệu người viêm gan C, 150.000 trường hợp nhiễm HIV liên quan đến tiêm truyền.

Điều đáng lưu tâm hơn nữa là ở Việt Nam, chúng ta thấy việc truyền dịch được diễn ra rất dễ dàng, và tiếp tay cho hội chứng này là các thầy thuốc tư nhân. Mặc dù Bộ y tế chỉ cho phép phòng mạch tư truyền dịch trong tình trạng nguy cấp như cấp cứu, tụt huyết áp, ngộ độc… nhưng thực tế, tại nhiều phòng mạch, nhà thuốc, cứ bệnh nhân có yêu cầu là bác sĩ sẵn sàng truyền. 

Thậm chí người chỉ học qua sơ cấp để có giấy phép bán thuốc ở thôn, làng cũng tự tin thực hiện việc truyền dịch. Một số người hành nghề tư nhân vì lợi nhuận (truyền một chai mất khoảng 2 tiếng, phòng khám đã thu về 100.000-200.000 đồng tiền lãi) nên không tư vấn cho bệnh nhân mà sẵn cứ nhận lời, thậm chí dẫn dụ để bệnh nhân truyền dịch. Bệnh nhân thì không biết còn thầy thuốc thì phớt lờ thông tin dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, được xem là thuốc đặc biệt và cần kê toa.

Tràn dịch màng phổi vì ham truyền nước

Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng kỹ thuật thì dễ xảy ra những nguy cơ như phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, đặc biệt có thể lây nhiễm bệnh mạn tính như viêm gan, HIV.

Tai biến nguy hiểm nhất là sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền, do nhiễm trùng, chệch ven. Lúc này toàn thân người bệnh sẽ cảm giác lạnh, rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực và nguy cơ tử vong rất nhanh. Sốc phản vệ có thể xảy ra ngay khi bệnh nhân được chỉ định truyền tại bệnh viện lớn. Nếu xảy ra tại gia đình thì nguy cơ tử vong càng cao hơn vì xử lý chậm. 

Chính vì thế trong những năm qua, khi truyền dịch trở nên phổ biến và được ưa chuộng thì cũng là khi các bệnh viện tiếp nhận không ít ca cấp cứu và tử vong vì sốc dịch truyền. Gần đây nhất là em Ya Dan 11 tuổi, học sinh lớp 4, trường tiểu học Tà Hine, Đức Trọng, Lâm Đồng đã tử vong trong lúc đang truyền dịch tại đại lý thuốc tư vào đầu tháng Sáu vừa qua.

Việc người dân sính truyền dịch khi có triệu chứng sốt còn có thể khiến bệnh nặng thêm. Ví dụ điển hình là mùa hè nào, các ca truyền nhiễm của các bệnh viện cũng có những bệnh nhân sốt xuất huyết, sốt phát ban phải cấp cứu vì truyền dịch tại gia dẫn tới tràn dịch màng phổi, màng bụng; phải hút mấy lít dịch ra mới cứu được. Những người già, thận yếu thì việc truyền dịch còn có thể khiến phù não, tai biến trên não…

Lúc nào thì cần phải truyền

Để đảm bảo sự khỏe mạnh thì cơ thể bạn phải đảm bảo các chỉ số trung bình về máu, đường, muối, các chất điện giải... Trong trường hợp bệnh nhân sốt, ốm đau, ngộ độc, sau phẫu thuật, suy dinh dưỡng nặng… thì các chỉ số trung bình trên có thể thấp hơn mức độ chỉ số cho phép, lúc đó bạn cần bù đắp và dịch truyền là “thuốc” được chỉ định.

Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền, chia thành ba nhóm cơ bản khác nhau dành cho các đối tượng khác nhau.

- Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng dành cho đối tượng phẫu thuật, suy dinh dưỡng, không tiêu hóa được thức ăn bao gồm dung dịch glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin.

- Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (tiêu chảy, bỏng, ói mửa, ngộc độc...) như dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...

- Nhóm đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử... chỉ dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Chính vì những công dụng đặc biệt của dịch truyền nên trước khi truyền dịch, bạn phải được bác sỹ khám, xét nghiệm và kê toa.

http://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/truyen-nuoc-khong-dung-khoe-thanh-yeu-15832/

Theo Chuyên đề sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Bạn có thể quan tâm