Thực tế nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim không được cứu sống là do người chứng kiến ban đầu không có kiến thức và kỹ năng về cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản cho người bệnh - TS.BS Đỗ Quốc Huy (chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho biết.
Cấp cứu một bệnh nhân đột quỵ, ngưng tim. |
95% tử vong
Theo TS Quốc Huy, phần lớn các trường hợp ngưng tim (còn gọi là ngưng tuần hoàn - hô hấp) trước nhập viện không được cấp cứu đúng cách, kịp thời và có hiệu quả.
Đặc biệt, việc cấp cứu sai, cấp cứu theo cách dân gian như bấm huyệt, cạo gió, vắt chanh vào miệng… còn khá phổ biến. Cách đây khoảng hai tháng, giới bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu không tin vào mắt mình khi xem clip cấp cứu một thanh niên bị ngưng tim nằm trên đường phố.
“Kiểu cấp cứu thật kinh hoàng! Có người cầm 2 tay nạn nhân cho ngồi dậy rồi dùng chân đạp thẳng vào ngực của nạn nhân. Sau đó lại đặt nạn nhân nằm xuống rồi dùng chân nhảy thình thịch trên ngực. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi..." - TS Quốc Huy chia sẻ.
Thực tế, do không hiểu biết, nhiều người thấy người bệnh bị ngưng tim đã không sơ cứu tại chỗ đúng cách cho họ mà lại tìm mọi cách để đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện (phần lớn đều tử vong trên đường đi).
Hoặc cũng có người sơ cứu cho bệnh nhân nhưng lại thực hiện những biện pháp thiếu khoa học.
Theo TS Quốc Huy, dù ngưng tim trước nhập viện do nguyên nhân gì, nếu người bệnh không được những người xung quanh hoặc nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện thực hiện ngay kỹ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản và nâng cao kịp thời và đúng cách thì khả năng sống của nạn nhân gần như không còn.
89-96% không được ép tim, thổi ngạt
Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ về tình hình ngưng tim trước nhập viện tại khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương được báo cáo tại hội nghị khoa học giữa tháng 10-2014 cho thấy ngưng tim trước nhập viện có thể xảy ra tại nhà, nơi làm việc, ngoài đường, nơi công cộng, …
Tuy nhiên, việc hồi sinh tim phổi cho người ngưng tim trước nhập viện còn nhiều bất cập.
Nghiên cứu được thực hiện trên 101 người bệnh ngưng tim trước nhập viện cho thấy đa số người bệnh là người lớn tuổi (trung bình là 62), trong đó hơn 57% người bệnh ngưng tim tại nhà, kế đến là ngưng tim trên đường đi cấp cứu...
Trong 101 người bệnh ngưng tim có hơn 52% người bệnh có bệnh lý tim mạch, kế đến là bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, chấn thương, hạ đường huyết, xuất huyết tiêu hóa, chấn thương đầu...
Tuy nhiên, trong cấp cứu ban đầu chỉ có gần 11% người bệnh được ép tim và chỉ có 4% được thổi ngạt.Thời gian từ lúc khởi phát triệu chứng (khó thở, hôn mê, đau ngực, nôn máu) đến khi ngưng tim khoảng 15-60 phút. Hơn 75% người bệnh ngưng tim được phát hiện ngay.
Vì thế sau khi được các bác sĩ cấp cứu, có đến 51,5% người bệnh không có nhịp tim trở lại (chết trước nhập viện); 43,6% có nhịp tim trở lại nhưng sau đó tử vong và chỉ có 5% người bệnh được cứu sống.
Vấn đề được đặt ra qua nghiên cứu này là nếu có nhiều người dân biết cách hồi sinh tim phổi cơ bản cho người thân của mình (ở các nước phát triển kỹ thuật này được phổ cập cho mọi người dân từ bậc tiểu học) và thật nhiều người dân biết gọi ngay cho số điện thoại cấp cứu y tế 115 để được hướng dẫn - trợ giúp khi có người thân bị ngưng tim thì có thể số người bệnh được cứu sống sẽ nhiều hơn rất nhiều.
Sơ cứu, ép tim đúng cách
Theo TS Quốc Huy, khi tình cờ thấy hay chứng kiến một người có khả năng bị ngưng tim đột ngột (tự nhiên bất tỉnh) thì người chứng kiến cần thực hiện ngay biện pháp sơ cứu cơ bản.
Trước tiên, đánh giá xem người bệnh có đáp ứng không bằng cách vỗ mạnh vào vai người bệnh và gọi to (hình dưới) đồng thời quan sát nhanh xem người bệnh còn thở hay không.
Đánh giá người bệnh có đáp ứng? |
Nếu người bệnh không đáp ứng, không thở hay thở ngáp thì ngay lập tức phải gọi lớn tìm hỗ trợ của mọi người xung quanh và gọi ngay cho số điện thoại cấp cứu 115 (miễn phí) báo có người bị ngưng tim và yêu cầu trợ giúp.
Trong khi chờ đợi người trợ giúp đến, phải thực hiện ngay động tác ép tim ngoài lồng ngực.
Chỉ cần dùng tay để ép tim ngoài lồng ngực cho người bệnh mà không cần thổi ngạt nếu không biết cách thổi ngạt hoặc không có dụng cụ bảo vệ cá nhân như màng lọc, mặt nạ...
Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực gồm các bước:
Đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng. Nếu người bệnh nằm sấp thì cẩn thận lật người bệnh lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ thì cố gắng lật người bệnh trong khi kiểm soát di chuyển của đầu, cổ, thân, chân cùng lúc.
Khi thực hiện ép tim, người sơ cứu quỳ hoặc đứng bên cạnh người bệnh, đặt gót bàn tay vào giữa ngực bệnh nhân, ở nửa dưới xương ức, gót bàn tay còn lại đặt lên trên bàn tay trước (xem hình dưới).
Ép tim ngoài lồng ngực. |
Duỗi thẳng khuỷu tay sao cho vai, khuỷu và bàn tay của người cấp cứu tạo thành đường thẳng. Sau đó tiến hành ép mạnh (ép sâu xuống ít nhất 5cm), ép nhanh (với tốc độ ít nhất 100 nhịp/phút) và để cho lồng ngực nở trở lại vị trí bình thường sau mỗi nhịp ép.
Hạn chế tối đa việc dừng ép tim. Thời gian ép và thời gian để lồng ngực nở lại hoàn toàn phải bằng nhau.