“Và chị Gà nữa chứ
Cho em trứng tròn xinh
Món trứng rán ngon lành
Em cảm ơn chị nhé!”
Đây là 4 câu thơ được in kèm bức tranh gà biếu trứng cho thỏ. Sau khi một trang Facebook chia sẻ hình ảnh này, không ít người ngạc nhiên trước nội dung câu chuyện.
Nội dung, hình ảnh câu chuyện Gà biểu thỏ trứng gây phản cảm. Ảnh: Facebook. |
Bạn Trần Ngọc bình luận: “Gà đẻ trứng rồi biếu thỏ, khác gì đưa con mình cho người khác ăn thịt. Đây là truyện kinh dị mới đúng”.
Nhiều người cũng có chung ý kiến. Họ thắc mắc, không hiểu sao tác giả lại sáng tạo tình huống ngược đời như vậy.
Chủ tài khoản Facebook Thanh Thảo còn chỉ ra điểm vô lý khác – thỏ không ăn đạm động vật nên tình huống thỏ cám ơn gà biếu trứng để có “món trứng rán ngon lành” không đúng.
Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng mạng lo ngại là nội dung câu chuyện như vậy sẽ ảnh hưởng tâm lý trẻ nhỏ, đồng thời khiến các bé hình thành nhận thức lệch lạc.
Người dùng Đức Nguyễn nhận xét: “Truyện thiếu nhi kiểu này đúng là con sâu đục khoét tâm hồn trẻ thơ”.
Một số người dùng mạng cho rằng, nếu chỉ xét đến khía cạnh dạy trẻ biết nói lời cảm ơn, câu chuyện hoàn toàn phù hợp. Đây cũng là bài học đơn giản mà phần lớn trẻ em được dạy.
Vấn đề nằm ở chỗ tác giả chọn lựa nhân vật và tranh minh họa. Họ đánh giá, việc gà mẹ tặng thỏ trứng trước sự chứng kiến của hai gà con là ngược bản chất yêu thương của cha mẹ.
“Không mẹ nào lại tặng trứng cho người khác ăn cả”, Thùy Dương khẳng định.
Câu chuyện gà biếu thỏ trứng khiến nhiều người lo ngại về nhiều cuốn sách, truyện thiếu nhi có nội dung nhảm nhí, sai lệch và phản cảm đang tràn lan trên thị trường.
Nhân vụ việc này, bạn Nguyễn Trang đăng ảnh chụp một trang sách khác. Nội dung câu chuyện khiến không ít người ngỡ ngàng khi những chi tiết dung tục được tác giả thản nhiên đưa vào sách và dễ dàng lọt qua vòng kiểm duyệt của biên tập viên.
Chi tiết dung tục được đưa vào sách thiếu nhi. Ảnh: Facebook. |
Nguyễn Khánh cũng bày tỏ băn khoăn trước câu chuyện cậu bé đề nghị mẹ bế bé còn bé xách đồ hộ mẹ khi thấy mẹ vất vả xách nặng trên đường đi chợ về. Theo Khánh, các nhà viết sách giáo dục không nên dạy trẻ “khôn lỏi” như vậy.
Trên một diễn đàn khác, người dùng chia sẻ nội dung một câu hỏi nhằm hướng dẫn trẻ học cách xử lý vấn đề.
Tình huống được đặt ra là, một tài xế lái xe tải qua gầm cầu vượt nhưng chiều cao của xe vượt quá chiều cao của gầm cầu 1 m. Trẻ hãy tìm cách giúp bác tài chạy xe qua đây.
Tác giả gợi ý câu trả lời như sau: Trẻ hãy đề nghị bác tài xì bớt hơi của các bánh xe, chiều cao của xe sẽ giảm 1 m và có thể dễ dàng chạy qua gầm cầu vượt.
Đáp án thực sự khiến nhiều thành viên – chủ yếu là những người đam mê xe, cảm thấy khó hiểu.
“Chỉ xì bớt hơi mà chiều cao của xe giảm hẳn 1 m thì đường kính bánh xe ít nhất phải 20 m”, Thành Trung hài hước bình luận.
Một số người cho rằng đây chỉ là lỗi chính tả, in nhầm từ 1 mm thành 1m. Song, không ít người chỉ trích sự cẩu thả trong khâu kiểm duyệt. Theo họ, sai lầm nhỏ này có thể khiến các em hiểu sai lệch về xe cũng như các kiến thức thường thức khác.
“Sách, truyện thiếu nhi là những bài học đầu tiên mà trẻ tiếp xúc và dễ dàng để lại ấn tượng cũng như ảnh hưởng tới lối tư duy của trẻ sau này. Rõ ràng, những cuốn sách được biên tập, in cẩu thả có thể làm hỏng cả một thế hệ”, Vũ Việt Anh bình luận.
Trước đó, cộng đồng mạng hoang mang trước loạt truyện cổ tích chứa yếu tố dung tục, bạo lực như Thỏ trắng và hổ xám thuộc cuốn Truyện cổ tích Việt Nam; Sọ Dừa, Nàng công chúa tóc vàng...
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, giữa ma trận thị trường sách, người tiêu dùng hãy có lựa chọn thông minh, kiểm tra nội dung sách cẩn thận trước khi mua cho con.
Nữ tiến sĩ cũng đề xuất, cần thành lập ủy ban kiểm duyệt nội dung, quyết định thu hồi những ấn phẩm vi phạm, nghiêm khắc xử phạt nếu kiểm duyệt sơ sài.