Dựng cảnh chặt đầu trong sách thiếu nhi
Hỏi: “Làm thế nào để giữ tóc không bị rụng? Trả lời: “Cạo trọc đầu đi”; “Anh Phong và chị Vân đã kết hôn rồi nhưng tại sao lúc hẹn hò họ vẫn phải lén lén lút lút sợ người khác thấy? – Vì mỗi người đều hẹn hò với một người khác”, “Loại người nào không cần kiểm tra X-quang vẫn biết được bên trong? Người lòng lang dạ thú”…
Những kiểu hỏi đáp nhảm nhí này xuất hiện nhan nhản trong các cuốn sách đố vui, rèn luyện trí thông minh cho trẻ. Không chỉ mang nội dung phi logic, thiếu tính giáo dục, một số NXB còn ngang nhiên đưa những hình ảnh rùng rợn, bạo lực vào trong những cuốn sách rèn luyện trí thông minh cho trẻ.
Cuốn Hỏi đáp nhanh trí của NXB Văn hóa – Thông tin gây choáng váng cho bất cứ ai lỡ đọc phải bởi những câu hỏi rùng mình, kiểu như “Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?”. Đáp án là “Bị mồ côi”, kèm theo đó là hình ảnh người đàn ông nằm trên máy chém với khuôn mặt hoảng hốt.
Những câu hỏi nhảm xuất hiện tràn lan trong sách thiếu nhi. |
Cũng liên quan đến những hạt sạn trong sách thiếu nhi, cách đây một vài năm đã từng có cuốn sách dạy kiến thức cho thiếu nhi của một NXB khá uy tín được chuyển ngữ từ tiếng nước ngoài đã dạy trẻ “Làm cách nào để gian lận” với những thủ thuật nhằm qua mặt thầy cô trên lớp như viết đáp án lên tay, kết bạn với người bạn khác lớp đã làm bài kiểm tra với mục đích biết đáp án… Cùng với đó là một số chiêu trò nghịch ngợm, trêu chọc mang ý đồ “chơi khăm” không phù hợp với cách dạy dỗ, ứng xử của trẻ em Việt Nam, cũng được… vô tư đưa vào sách.
Thiếu kiến thức, “non” xử lý
“Không thể chỉ đổ cho sách nước ngoài”, đó là nhận định của nhà văn Lê Phương Liên, nguyên trưởng ban Sách thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam về thực trạng sách thiếu nhi được dịch từ tiếng nước ngoài có nội dung phản cảm, không phù hợp với thị hiếu và cách tiếp nhận của người Việt lại được phổ biến trong nước.
Cảnh chặt đầu cùng câu hỏi rùng rợn được đưa vào sách hỏi đáp cho trẻ. |
Theo nhà văn Lê Phương Liên, dịch giả không những phải nắm vững về tiếng Việt mà còn phải có một phông văn hóa vững chắc để xử lý những vấn đề ngôn ngữ, thô lệch do sự khác biệt về văn hóa gây ra. “Đối với sách cho thiếu nhi, người làm sách phải đủ tinh tế, tế nhị để truyền đạt sao cho trẻ vẫn hiểu được mà không kích thích hay tác động xấu đến trẻ. Nếu dịch giả có sai sót thì người biên tập phải sáng suốt hơn để kịp thời phát hiện, sửa lỗi” - nhà văn Lê Phương Liên cho biết.
Nói đến sự phát triển ồ ạt, thiếu định hướng của ấn phẩm dành cho thiếu nhi, theo nhà văn Lê Phương Liên, có một thực tại là trước đây chỉ có NXB Kim Đồng có chức năng làm sách cho trẻ em, còn hiện nay, hầu hết các NXB đều có thể tham gia mảng này dù không có kỹ năng nghiệp vụ làm sách cho trẻ em.
Các NXB đang chạy theo doanh thu, thả lỏng cho đối tác muốn làm gì thì làm, trong khi người chịu trách nhiệm cuối cùng là ciám đốc, tổng biên tập cũng không kiểm soát được nội dung những ấn phẩm liên kết đứng tên đơn vị mình. Khi các NXB còn dễ dãi trong việc liên kết xuất bản và đưa những sản phẩm văn hóa lệch chuẩn ra thị trường, thì các bậc phụ huynh còn có cớ để lo lắng khi những sản phẩm kém chất lượng có thể tiếp cận con em mình dễ dàng đến thế.