Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TS Đàm Quang Minh: 'Chưa cho học sinh tới lớp là vô lý'

TS Đàm Quang Minh cho rằng đóng cửa trường học gây thiệt thòi cho trẻ em. Từ góc độ người làm giáo dục hay một phụ huynh, ông đều ủng hộ việc Hà Nội cần mở cửa trường học luôn.

Khong cho tre den truong la toi ac anh 1

TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, bày tỏ những đứa trẻ vào lớp 1 là thế hệ thiệt thòi, năng lực nhận biết, thiết lập quan hệ xã hội kém hơn hẳn so với bình thường.

“Trẻ có quyền được học hành, đến trường. Người ta cho rằng cần giữ trẻ con để phòng bệnh dịch, thực ra cũng không phải như vậy”, TS Đàm Quang Minh chia sẻ với Zing.

Hệ lụy khi trẻ không được đi học quá lớn

Trên thế giới, thông thường, việc cho trẻ đi học được tiến hành trước việc mở cửa hoạt động khác như bar, vũ trường. Trong khi đó, Hà Nội đã cho các loại hình kinh doanh này mở cửa song vẫn đóng cửa trường học.

Ông Đàm Quang Minh đánh việc thành phố bình thường hóa tất cả hoạt động nhưng vẫn chưa cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 đến lớp là vô lý, không có lý do gì để duy trình tình trạng như vậy.

Khong cho tre den truong la toi ac anh 2

Con gái chị Huyền Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) sắp vào lớp 1 và rất mong được đi học. Ảnh: H.L.

“Hệ lụy xã hội do trẻ không được đi học quá lớn. Chúng ta cần thiết cho trẻ đến lớp càng sớm càng tốt, ngay lập tức để giảm tải cho phụ huynh cũng như học sinh, đặc biệt học sinh tuổi nhỏ. Các con quá thiệt thòi”, TS Đàm Quang Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, học trực tuyến hiệu quả rất kém. Không chỉ việc học giảm sút, trẻ còn mất đi năng lực tập trung, quan hệ xã hội do không được đến trường.

Bên cạnh đó, ở nhà lâu ngày, trẻ chắc chắn có vấn đề tâm lý. Ông nêu thực tế các trường đã cảnh báo các dấu hiệu tâm lý bất ổn ở trẻ và tình trạng này tăng lên nhiều so với hồi trẻ em được đi học trực tiếp.

Đóng cửa trường học, trẻ nào cũng thiệt thòi, song trẻ nhỏ tuổi thiệt thòi nhiều hơn. Từ góc độ người làm giáo dục hay một phụ huynh, ông đều ủng hộ việc mở cửa trường đối với học sinh từ lớp 6 trở xuống.

TS Đàm Quang Minh cũng cho rằng ở thời điểm này, thành phố không chỉ có thể cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chuyển sang học trực tiếp mà còn có thể thực hiện học 2 buổi, cho trẻ bán trú ở trường.

Bên cạnh đó, ông đánh giá không cần chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đi học. Thực tế, nhiều trẻ đã nhiễm nCoV trong thời gian ở nhà. Nhiều lớp học có hơn 50%, thậm chí 70-80% học sinh mắc Covid-19.

Vì thế, người lớn không cần thiết lo lắng việc trẻ đến trường sẽ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt khi đã chấp nhận mở cửa các hoạt động khác.

Tuy nhiên, ông thừa nhận việc cho con đi học hay không là lựa chọn của mỗi gia đình, không ai khuyên ai được. Từ đó, ông đề xuất Hà Nội thực hiện như nhiều nước khác, tức mở cửa trường học, ai đồng ý thì để con đến trường, nếu chưa yên tâm, họ tiếp tục cho con ở nhà học trực tuyến.

Những đứa trẻ “thèm” đến trường

Thực tế, dù nhỏ tuổi, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đi học hay hệ lụy khi phải ở nhà quá lâu, thông qua lời nói hay sự thay đổi trong tâm lý, tính cách, nhiều đứa trẻ nhắn nhủ đến người lớn thông điệp đã đến lúc cần mở cửa trường học.

Chị Chu Hiền (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết 2 con gái học lớp 1 thường xuyên hỏi bao giờ được đến trường vì ở nhà, con rất buồn. Khi nghe cô giáo nói chuyện, biết sắp được đi học, 2 bé rất mong đợi.

Gần một năm qua, khi phải ở nhà học trực tuyến, các con chỉ có mỗi việc học. Không những thế, do điều kiện gia đình, chị phải nhờ người trông hoặc gửi con sang nhà khác chăm sóc hộ. Cả ngày, con học bài hoặc xem TV. Tối về, vợ chồng chị kèm cặp con học thêm. Con không có hoạt động nào khác.

Chỉ thời gian gần đây, khi dịch bệnh tương đối ổn định, gia đình đã mắc Covid-19, cuối tuần, chị mới cho con về quê chơi để thư giãn.

Chị Chu Hiền tâm sự bản thân vốn sợ dịch, từng không muốn cho con đi học. Hơn nữa, việc học online của con vẫn tạm ổn. Con viết chữ không đẹp nhưng trong tình hình học trực tuyến, gia đình chỉ cần con đọc, làm toán thạo, không đặt nặng kết quả.

Dù vậy, nhìn con khao khát, chị vẫn mong trong tháng cuối cùng, con được đến lớp. Chị còn mong con học 2 buổi, bán trú ở trường vì bố mẹ đi làm, khó sắp xếp đưa đón.

Khong cho tre den truong la toi ac anh 3

Hai con trai chị Hiền được đi học 3 buổi/tuần nhưng ngày nào cũng đòi đi học. Ảnh: Đ.H.

Tương tự, chị Đào Hiền (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng mong ngóng ngày trường mầm non hoạt động trở lại. Thậm chí, chị mong con được đi học ngay từ tuần sau, kể cả khi chưa tiêm vaccine.

Theo lời nữ phụ huynh, ở nhà quá lâu, 2 con trai sinh đôi của chị buồn chán, tính cách bị ảnh hưởng, trở nên cáu kỉnh, hay chành chọe nhau. Chị mong con đi học nhưng trường mãi không mở cửa. Chị quyết định gửi con tới lớp dạy kèm của một giáo viên. Hơn nữa, con chị cũng sắp vào lớp 1 mà gần một năm qua, con lại ở nhà, chị muốn con được dạy dỗ, quen dần với con chữ cho đỡ bỡ ngỡ khi vào tiểu học.

Từ ngày được đến lớp, con vui vẻ hẳn ra, hôm nào đi học về, con cũng tíu tít kể chuyện ở lớp vui ra sao, được chơi với bạn bè, nói chuyện với cô giáo như thế nào.

“Bây giờ, tôi chỉ mong thành phố quyết định cho trẻ mầm non đi học. Gia đình xác định tâm lý trước sau gì cũng nhiễm bệnh, mà chính xác, gia đình tôi cũng mắc Covid-19 rồi. Như hiện tại, mỗi tuần, con học 3 buổi, mỗi buổi chỉ 1,5 tiếng. Ngày nào, con cũng đòi đi học”, chị Đào Hiền chia sẻ.

Đến trường cũng là khát khao của cô con gái chuẩn bị vào lớp 1 của chị Huyền Linh (Thanh Xuân, Hà Nội).

“Con gái tôi tha thiết đến trường. Bé vốn sợ tiêm lắm, thế mà bảo tiêm vaccine được đi học, con đồng ý tiêm ngay. Còn bảo gần nhà mình có chỗ tiêm, con đi tiêm luôn đây”, chị Linh kể.

Không bây giờ thì bao giờ mới mở cửa trường?

Không chỉ những đứa trẻ, phụ huynh cũng mong chờ ngày trường học mở cửa trở lại. Chị Chu Hiền cho hay 2 con chị học lớp 1. Đến nay, chương trình đã gần hết. Cuối tháng này, con thi cuối kỳ.

Nếu trường học mở cửa, con chỉ đến lớp được vài tuần. Dù vậy, chị vẫn muốn con được đi học, không đặt nặng kết quả, chỉ cần con vui vẻ hơn.

Khong cho tre den truong la toi ac anh 4

Chị Huyền Linh cho con vui chơi thoải mái nên con không bị bí bách khi học online nhưng chị vẫn thấy thiếu hụt khi con không được đến lớp. Ảnh: H.L.

Đây cũng là mong muốn của chị Huyền Linh. Nữ phụ huynh vừa thực hiện khảo sát cho con trai học lớp 4. Cả lớp 61 học sinh, chỉ khoảng 10 gia đình chưa đồng ý cho con tới trường. Còn chị mong mãi ngày con chuyển sang học trực tiếp.

Chị Huyền Linh cho hay thực ra, việc con ở nhà học không ảnh hưởng nhiều đến gia đình chị. Gia đình không còn tâm lý nhốt con ở nhà tránh dịch, trẻ đi chơi mải miết, gặp bạn bè thường xuyên.

Chị lại ở nhà, không phải trải qua cảnh người lớn đi làm hết, lũ trẻ ở nhà tự học trực tuyến, trông nom lẫn nhau, con chơi gì, ăn gì, bố mẹ cũng lo nơm nớp.

Dù vậy, chị vẫn cảm thấy thiếu hụt khi con không được đi học. Hơn nữa, gia đình chị đều từng mắc Covid-19 nên không còn dè chừng như trước.

Chị hiểu rõ ở thời điểm này, nếu đi học, con sẽ thi trực tiếp, chắc chắn khó hơn thi trực tuyến, điểm không cao bằng. Nhưng đây cũng là điều chị lo lắng. Nữ phụ huynh sợ vì con trai có dấu hiệu thấy học, thi online nhàn, không muốn chuyển sang học trực tiếp.

Chị tâm sự có đợt, chồng chị thường cho con trai đạp xe từ nhà lên trường rồi trở về, hay gần đây, hôm 8/3, chị cho con đến trường quay clip, con đều vui vẻ, “thèm” đi học. Nhưng càng ở nhà lâu, con mất dần sự mong mỏi, chuyển qua trạng thái thế nào cũng được.

Vì thế, chị rất mong Hà Nội cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 đi học trở lại. Ai không yên tâm có thể cho con ở nhà.

“Không bây giờ thì bao giờ? Một số người bảo thôi, gần hết năm, để năm học sau, dịch ổn rồi học trực tiếp. Nhưng ai chắc chắn đến tháng 9, dịch ổn? Một ngày tới trường cũng quý giá, không nói đến chúng ta còn 1,5 tháng nữa mới vào hè. Trẻ cần đi học và phải mở cửa cho trẻ đến trường ngay”, chị Huyền Linh nhấn mạnh.

Phụ huynh kiệt sức khi 3 con không được đến trường

Việc chăm sóc, kèm 3 con học suốt một năm trời lại thêm lo lắng chất lượng học, biến đổi tâm lý của con khiến phụ huynh mệt mỏi, kiệt sức.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm