Đỏ được xem là màu sắc may mắn và thịnh vượng ở nhiều nền văn hóa, quan niệm này đặc biệt phổ biến ở các quốc gia châu Á như Việt Nam hay Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tết Nguyên đán, người ta thường trang trí nhà cửa bằng câu đối đỏ; phong bao lì xì mừng năm mới cũng màu đỏ; mọi người cũng diện những bộ trang phục màu đỏ, hồng để "lấy hên" dịp đầu năm.
Màu đỏ trở thành màu sắc đặc trưng của ngày Tết. Nó cũng là nguồn cảm hứng cho các thiết kế váy áo dịp đầu năm. Trong văn hóa Á Đông, đỏ còn tượng trưng cho sự tự tin, đam mê và nhiệt huyết.
Ý nghĩa tâm linh
Nguồn gốc của sự may mắn gắn liền với màu đỏ được cho là xuất phát từ một truyền thuyết cổ xưa từ Trung Quốc, theo Lifestyle Asia.
Màu đỏ trở thành biểu tượng may mắn dịp Tết. Ảnh minh họa: Pexels. |
Theo lời kể, thời cổ đại có một quái thú đầu rồng - mình sư tử tên là Nian (Niên thú). Đêm Giao thừa, Nian sẽ tới để bắt gia súc và tấn công dân làng. Nó sẽ hoành hành và khiến người dân sợ hãi suốt mùa đông.
Nhưng một lần, người ta phát hiện Niên thú này sợ đứa trẻ mặc bộ quần áo màu đỏ. Vì vậy, cứ Tết đến, người dân bắt đầu đốt pháo đỏ đêm Giao thừa, treo đèn lồng đỏ trước cửa và mặc quần áo đỏ ngày đầu năm.
Để kể kỷ niệm chiến thắng con quái thú, dân làng còn ăn mừng bằng điệu múa lân sư tử.
Dựa vào truyền thuyết đó, người ta cho rằng màu đỏ còn có khả năng trừ tà. Phong tục của người Hoa bắt đầu lan truyền sang các quốc gia lân cận khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đỏ là màu tượng trưng cho Hỏa trong Ngũ hành. Nguồn gốc sâu xa của nó mang ý nghĩa hóa giải những điều xấu, xua đuổi tà ma, quỷ dữ để bảo vệ cuộc sống bình an.
Người Nhật sơn màu đỏ trên các cánh cổng điện thờ Thần Đạo như một cách gắn kết tâm linh với thần thánh và chống ác niệm. Người Hàn Quốc dùng mực đỏ viết tên người chết trên sổ sách cũng như trên bùa tang để xua đuổi tà ma.
Ở Việt Nam, thời xưa con gái nhà quan được mặc yếm đào như một cách bảo vệ bản thân khỏi tà mà.
Dưới góc nhìn khoa học
Bên cạnh cách giải thích về mặt tâm linh, các nhà sử gia cho rằng màu đỏ may mắn có thể xuất phát từ việc núi lửa hoạt động khắp khu vực Đông Á thời cổ đại. Quanh khu vực dung nham phun trào, người ta phát hiện ra chu sa (cinnabarit), loại khoáng thạch màu nâu đỏ chứa thủy ngân.
Chu sa có đặc tính không đổi màu, khả năng chống rỉ sét nên trở thành thuốc màu vẽ lăng tẩm, điện thờ, Từ năm 4.000 TCN ở Trung Quốc, người ta đã sơn lăng tẩm bằng chu sa. Tại Nhật Bản, các cột trong đền torii được bằng màu akani làm từ chu sa và sơn mài.
Chu sa đã trở thành vật phẩm quý giá, dần dần gắn liền với văn hóa và màu sắc của nó được gán nhiều ý nghĩa tâm linh trong văn hóa địa phương.
Nhiều người mặc trang phục màu đỏ ngày đầu năm để cầu may mắn. Ảnh minh họa: An Bình. |
Ở góc nhìn tâm lý, màu đỏ có tính kích thích thần kinh, tăng hưng phấn, có nhiều tác động lên cơ thể: tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng cường hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, màu đỏ có thể thúc đẩy suy nghĩ tích cực và làm việc hiệu quả hơn.
Màu đỏ phản chiếu lên gương mặt người và vật xung quanh khiến mọi thứ rạng rỡ, tươi tắn hơn.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.